(VOV5) - Tham gia vào chuỗi sản xuất và phân phối, tiêu thụ sản phẩm là con đường tất yếu phát triển hợp tác xã kiểu mới. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đang xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực có quy mô lớn và sức lan tỏa.
|
HTX từng bước đầu tư, tích lũy để hình thành nên những vùng sản xuất quy mô lớn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hợp tác xã là mắt xích quan trọng để liên kết nông dân với doanh nghiệp. Trước đây khi sản xuất không có chuỗi, không liên kết thì sản phẩm đầu ra bấp bênh, khó quản lý chất lượng và khó cải tiến quy trình sản xuất, hiệu quả kinh tế thấp. Ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: “Sản xuất không theo chuỗi thì hạn chế thu hút đầu tư. Thu hút đầu tư không phải mạnh ai nấy làm mà các tác nhân trong chuỗi có thể hỗ trợ nhau. Ngoài ra khi có liên kết đảm bảo sự phát triển bền vững, thì ngay thể chế bên ngoài như tín dụng, tài chính cũng dựa vào căn cứ đó cho vay tốt hơn, giảm thiểu thủ tục".
Tính ưu việt của Hợp tác xã kiểu mới là đáp ứng yêu cầu hội nhập như tự nguyện, tự chủ, bình đẳng, tương trợ. Hợp tác xã kiểu mới muốn phát triển bền vững thì bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước còn phải có những doanh nghiệp hỗ trợ, tham gia kết nối trong chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra. Chia sẻ kinh nghiệm thành công trong liên kết Hợp tác xã hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, ông Trương Hữu Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, cho biết: “Doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược thị trường bài bản, xây dựng và củng cố thương hiệu, giữ chữ tín với bà con nông dân. Doanh nghiệp tích cực hỗ trợ và chia sẻ lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con nông dân. Đồng thời bà con nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác cũng phải đổi mới nhận thức và trách nhiệm thực hiện hợp đồng kinh tế. Có như vậy mới gắn bó và phát triển bền vững ngành nông nghiệp".
Bên cạnh đó, khi phát triển chuỗi giá trị sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp điều quan trọng là phải có phương thức đồng nhất về giống, công nghệ và sản phẩm, hình thành được các hợp tác xã chuyên cung cấp về giống, chuyển giao công nghệ và chế biến thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cho biết: “Liên minh Hợp tác xã sẽ kết nối hệ thống tổ hợp tác, hợp tác xã, tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm bền vững lâu dài. Đồng thời hoàn thành nghĩa vụ đối với doanh nghiệp như: ký hợp đồng giao hàng, đảm bảo chất lượng, thời gian và số lượng. Nếu không giao đủ hàng chất lượng thì mất uy tín, thương hiệu chính là ảnh hưởng mất cả Hợp tác xã".
Trong bối cảnh tái cơ cấu nông nghiệp đang được đẩy mạnh, việc nâng cao sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp nên thông qua hai con đường chính là liên kết mô hình hợp tác xã và liên kết doanh nghiệp. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Giải pháp hàng đầu tái cơ cấu nâng cao hiệu quả nông nghiệp chính là thay đổi mô hình sản xuất cơ bản từ cá thể sang liên kết thông qua hợp tác xã và liên kết doanh nghiệp. Việc thực hiện mô hình tập thể liên kết đã được nhắc đến mấy chục năm nhưng đã đến lúc phải thay đổi về chất trong quản lý nhà nước, liên kết, hành động".
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có từ 100-150 liên hiệp hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm phát triển bền vững. Chính phủ sẽ hỗ trợ xây dựng 200 mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn theo từng tỉnh, vùng, liên vùng.
Trong xu thế hội nhập xuất khẩu nông sản ngày càng lớn, từng Hợp tác xã nhỏ lẻ không thể thực hiện được chuỗi giá trị. Hợp tác xã phải liên kết lại mới đủ năng lực xuất khẩu nông sản phẩm và làm gia tăng giá trị chuỗi sản xuất nông nghiệp. Với việc xây dựng các mô hình Hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm sẽ tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp.