(VOV5)- Việt Nam có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp tham gia ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển nông nghiệp.
|
Hướng dẫn nông dân sử dụng giải pháp Agri.ONE- Ảnh: htv.com.vn |
Trong gần 2 năm qua, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã cung cấp giải pháp Agri.one cho những người nông dân, thương lái khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là hệ thống thông tin điện tử nhằm tư vấn cho nông dân về những thông tin tổng hợp như: việc vay vốn, chọn giống, hướng dẫn các kỹ thuật nuôi trồng, thông tin thời tiết, kinh nghiệm phòng chữa bệnh cho vật nuôi, cây trồng... Hiện Agri.one đã có hơn 1,2 triệu khách hàng sử dụng chủ yếu các dịch vụ về thông tin cho cây lúa, tôm, cá và cà phê. Ông Bùi Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển dịch vụ mới, bộ phận giải pháp công nghệ thông tin và viễn thông cho biết, sắp tới Viettel sẽ mở rộng dịch vụ này ra 5 tỉnh Tây Nguyên, 6 tỉnh Đông Nam bộ và trong tương lai sẽ cung cấp dịch vụ trên toàn quốc:“Nếu ứng dụng được công nghệ thông tin cho nông nghiệp sẽ giúp tăng trưởng một lượng GDP khá lớn. Ngoài ra, những người nông dân chủ yếu ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khái niệm về công nghệ thông tin đến với họ rất khó khăn. Rõ ràng đây là một thị trường rất lớn, trong khi tất cả các nhà cung cấp hiện nay vẫn chỉ tập trung ở thành phố. Chúng tôi nghĩ rất cần mang ứng dụng công nghệ thông tin đến với nông dân vừa phát triển kinh tế, xã hội, vừa giúp làm giàu cho nông dân mà cũng thêm lượng lớn khách hàng cho mình.”
Tại Việt Nam, Tập đoàn sữa TH đã đầu tư hệ thống quản lý cao cấp và quy trình sản xuất khép kín từ khâu trồng cỏ, xây dựng chuồng trại cho đến phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Theo đó, hệ thống trang trại TH được vi tính hóa 100% các khâu, đàn bò được theo dõi sức khỏe bằng hệ thống chip hiện đại gắn ở chân…
Công ty cổ phần viễn thông FPT đã hợp tác với Tập đoàn Fujitsu của Nhật Bản xây dựng những khu nông nghiệp mẫu áp dụng giải pháp quản lý nông nghiệp Akisai tại Gia Lâm-Hà Nội và khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh trong 2 năm 2015-2016. Theo đó, các giải pháp công nghệ thông tin sẽ được ứng dụng nhằm tối ưu hóa quá trình canh tác theo từng loại giống cây trồng, địa điểm canh tác… giúp ổn định năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Người dân cập nhật các số liệu thông tin để đưa ra quy trình chăm sóc phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của cây trồng. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần viễn thông FPT cho biết:“Nông nghiệp thông minh có thể là một sự đột phá, đẩy năng suất lao động lên cao gấp nhiều lần, gắn việc phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế, xã hội khác, tạo nên chuỗi giá trị gia tăng và hình thành các định chế mới cho nông nghiệp. Điều này giúp nâng cao vị thế quốc gia để Việt Nam có thể trở thành một kho thực phẩm thông minh, có nguồn nhân lực và hạ tầng thông minh, là điểm đến của du lịch và là nút giao thông của thế giới.”
Việt Nam là đất nước nông nghiệp lại có nền tảng công nghệ thông tin khá phát triển, tỷ lệ nông dân sử dụng điện thoại di động cao, kết nối Internet cáp quang đã đến tận tuyến xã. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin của người dân ở nông thôn còn thấp, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đầu tư công nghệ thông tin vào nông nghiệp. Do đó, Chính phủ đã và đang định hướng phát triển vĩ mô, khuyến khích xã hội hóa thu hút các doanh nghiệp tham gia. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào trong lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ tạo điều kiện cho ngành công nghệ thông tin tiếp tục phát triển, mà còn tạo ra cơ hội rất lớn để phát triển nền nông nghiệp thông minh ở Việt Nam.