(VOV5) - Những năm gần đây, Hội phụ nữ huyện Phong Điền luôn là đơn vị dẫn đầu về hiệu quả mô hình dân vận khéo vận động phụ nữ làm kinh tế, từ đó từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của chị em phụ nữ.
Chị Phan Tuyết Sương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền (bên phải) trao đổi với phụ nữ trong xã về sản xuất hàng thủ công xuất khẩu
Nghe nội dung bài viết tại đây:
Mỗi tháng một lần chị em hội viên phụ nữ ấp Trường Hòa, xã Trường Long, huyện Phong Điền lại nhóm họp tại nhà chị Nguyễn Thị Huệ , Chi hội trưởng để bàn kế hoạch hoạt động, chia sẻ kinh nghiệp giúp nhau làm kinh tế hộ. Những buổi họp như thế, chị em còn được nghe phổ biến chính sách pháp luật, được cung cấp thông tin thời sự trên địa bàn hay bàn chuyện góp vốn xoay vòng mở rộng sản xuất, nuôi dạy con ăn học… Những cuộc họp thường xuyên này ngày càng trở nên thiết thực, nên thu hút cả nam giới tham gia. Đặc biệt, những cuộc họp gần đây lại có thêm nội dung về kế hoạch, kỹ thuật chăm sóc, tiêu thụ chanh không hạt mà mỗi chị em là thành viên của Hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên do Hội phụ nữ thành lập.Trước đây, các hộ gia đình ở Trường Hòa chỉ trồng vườn tạp, thu hoạch riêng lẻ, hoàn toàn trông chờ vào thị trường tiêu thụ ở chợ, nên gặp nhiều khó khăn trong việc trao đổi kỹ thuật, cây giống, vốn sản xuất… Thu nhập từ vườn tạp chỉ đủ tiêu dùng hàng ngày chứ không có dư để cải thiện điều kiện sống. Kể từ khi thành lập Hợp tác xã chuyển đổi mô hình trồng chanh không hạt hoạt động hiệu quả, đời sống xã viên ngày càng được cải thiện khiến chị em rất phấn khởi. Bà Đặng Thị Thu, xã viên Hợp tác mới trồng chanh được gần 2 năm, nhưng đã cho thu hoạch những lứa trái đầu tiên. Bà Thu cho biết: "Thu hoạch được một lứa cũng được 3, 4 trăm kg, đầu năm tới giờ thu hoạch cũng được 55 ngoài triệu đồng. Đầu tư cũng không nhiều gì. Mình thấy tham gia hợp tác xã như vậy thì tốt hơn rồi, chứ mình trồng mà bán ở ngoài thì bấp bênh. Hợp tác xã phát triển thì mình vững bụng, yên tâm".
Chi hội trưởng ấp Trường Hoà là chị Nguyễn Thị Huệ cũng là một trong những hộ gia đình khó khăn nhất do con đông, đất ít, thiếu việc làm. Năm 2010, chị Huệ phá vườn tạp, đem thử giống chanh không hạt về trồng trên diện tích 3 công đất ( mỗi công đất 1000 m2) và chỉ 18 tháng sau, chanh đã cho trái, thu hoạch từ vườn chanh giúp chị thoát nghèo ngay từ những lứa trái đầu tiên. Từ thành quả bước đầu, chị đã chia sẻ kinh nghiệm và bàn với Hội cấp trên nhằm tạo điều kiện về việc vay vốn, tạo quỹ đất, giúp cho chị em cùng có cơ hội thoát nghèo như mình: "Mình làm công tác phong trào phụ nữ, nếu mình làm được thì phải vận động cho chị em người ta cùng làm để cho có thu nhập cho gia đình, có công ăn việc làm ổn định. Khi có Hợp tác xã thì mình thấy vai trò của mình. Thu hoạch trái cho bà con mình phải tới tận vườn do mình hợp đồng với công ty để có giá cả ổn định cho bà con, làm theo công ty người ta mới thu trái tại vì người ta xuất khẩu nước ngoài mà. Từ đó mình vận động chị em chấp nhận bán cho công ty thì làm tốt theo hướng dẫn của công ty. Trách nhiệm cao nhưng mà cũng phải cố gắng lo lắng cho chị em".
Tham gia vào mô hình, chị em còn được hỗ trợ về kinh nghiệm sản xuất, hùn vốn để mua phân bón, vật tư, giúp nhau qua quĩ tiết kiệm và được phòng nông nghiệp hỗ trợ một phần cây giống, kỹ thuật. Nếu năm 2012, Hợp tác xã có 10 thành viên với diện tích hơn 3 ha thì năm 2013, nhân lên 14 thành viên, đến nay là 30 thành viên với 15 ha trồng 13.600 cây chanh không hạt. Nhiều hộ còn trồng xen với rau màu ngắn ngày để tăng thu, giảm chi phí. Toàn bộ chanh được doanh nghiệp thu mua dễ dàng, tận vườn và thanh toán nhanh chóng. Nhiều hộ chỉ có 2, 3 công đất cũng bắt đầu tính được chi phí, khoản thu và lãi ròng hàng năm được từ 1 đến vài trăm triệu đồng.
Thay đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ qui mô hộ gia đình cá thể sang hình thức kinh tế tập thể ở mức cao cũng là một trong những tiêu chí quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới. Bà Võ Kim Thoa, Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ, cho biết: “Thời gian vừa qua Hội xây dựng được nhiều mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết, trong thời gian tới thì nâng lên thành hợp tác xã. Khả năng trong năm 2016 có từ 1 đến 2 hợp tác xã nữa có thể thành lập được. Cụ thể: chúng tôi đang tập trung cho mô hình tổ hợp tác làm cơm rượu của xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ; và mô hình tổ hợp tác trồng vú sữa của huyện Phong Điền lên thành 2 hợp tác xã trong năm 2016".
Các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ của các cấp Hội phụ nữ thành phố Cần Thơ ngày càng khảng định là hướng đi phù hợp. Mô hình này vừa hướng tới mục đích giúp đỡ chị em hội viên thoát nghèo bền vững, vừa góp phần tích cực cùng với địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.