(VOV5)- Sau 3 năm thực hiện ( 2009-2011), chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được triển khai và cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Một trong những mục tiêu quan trọng trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới là vận động nông dân tiến hành dồn điển, đổi thửa, sắp xếp lại ruộng đồng. Đây là khâu quan trọng để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa ổn định, lâu dài, là yếu tố quyết định thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
Chăm sóc rau an toàn tại xã Song Phượng - huyện Đan Phượng (Ảnh Hà nội mới)
Xã Song Phượng huyện Đan Phượng là một trong những xã đi đầu trong xây dựng nông thôn mới ở ngoại thành Hà Nội. Điểm rõ nét nhất ở Song Phượng đó là đường làng, ngõ xóm được bê-tông hóa, khang trang, sạch đẹp. Tuy nhiên, ấn tượng hơn cả đó là nền nông nghiệp công nghệ cao đang hình thành ở nơi đây. Cánh đồng trồng hoa thôn Tháp và thôn Thu Quế đi mỏi chân vẫn thấy ngút ngàn hoa.
Bà Tạ Thị Hải, Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Song Phượng cho biết: Xã đã thực hiện xong dồn điền đổi thửa từ nhiều năm trước, mỗi hộ gia đình bây giờ chỉ còn một, hai thửa rộng hàng nghìn m2. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng những mô hình trồng hoa cao cấp. Nhưng mô hình trồng hoa cao cấp này cho giá trị gấp cả trăm lần so với trồng lúa, trong khi chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng trồng rau sạch cũng cho thu nhập cao gấp bảy, tám lần so với cấy lúa.
Để có kết quả như trên, đó là cả quá trình vận động, bởi người nông dân bao đời gắn bó với mảnh đất cha ông để lại, lại quen với tập quán canh tác cũ.. nên việc thuyết phục không dễ dàng. Ông Chu Đức Trí Bí thư huyện Hoài Đức, cho biết: “Cái khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi đó là việc dồn điền đổi thửa là liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người dân, nhất là phần ruộng của những gia đình sau khi đo đạc lại dư thừa, thứ hai là quyền lợi của những hộ nhân ruộng gần, ruộng tốt.. do vậy việc vận động người dân là quá trình khó khăn”.
Nuôi bò thịt ở Minh Châu - huyện Ba Vì cho hiệu quả kinh tế (Ảnh: Hà nội mới)
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phải đi trước một bước và là điều kiện tiên quyết để xây dựng nông thôn mới. Trong đó việc vận động nhân dân cùng họp bàn quy hoạch sắp xếp lại đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tiến tới một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn có giá trị kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, vấn đề quan trọng nhất trong dồn điền đổi thửa xây dựng nông thôn mới vẫn là nhận thức của người dân. Nông dân chính là người đưa ra sự lựa chọn tốt nhất, hiệu quả nhất trên mảnh đất của mình, nhưng muốn như vậy, nhà nước phải có định hướng và lãnh đạo các cấp huyện, xã phải gương mẫu đi đầu trong cuộc vận động này.
Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông Hà Nội, cho rằng:“Dồn điền đổi thửa đi kèm với việc phân chia lại đất của một số hộ, khi chia lại đất có chuyện bốc thăm chia ở vùng sâu vùng xa, thì xảy ra những tranh luận trong nhân dân. Nếu như cán bộ gương mẫu đi trước và sẵn sàng bỏ đi phần đất dư thừa, đồng tình với cơ chế dân chủ cơ sở tiến hành bốc thăm thì sẽ thực hiện được, ví dụ ở xã Hợp Thanh ( huyện Mỹ Đức), đội ngũ cán bộ ở đây đã gương mẫu đi đầu.
Câu chuyện ở xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức cũng cho thấy khi có chủ trương đúng, lòng dân thuận thì kể cả những việc khó như là phân chia đai đai cũng trở nên dễ dàng hơn. Bà Dương Thị Ân, một nông dân ở xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức chia sẻ: “ Ngày xưa chúng tôi nhận ruộng chưa có thước gì để đo, chỉ áng chừng, nên có khi đất nhà mình có khi được dôi ra một ít. Nhưng bây giờ quy hoạch nông thôn mới dồn điển đổi thửa chia lại ruộng đo bằng máy, bằng dây chuẩn hơn, nhưng nếu dư được ít nào, thì mình trả lại cho hợp tác xã, chứ chẳng so đo làm gì”
Hơn 2 năm qua, thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới tại các huyện ngoại thành. Cùng với xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) được Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trung ương chọn làm điểm, các xã Đại Áng (huyện Thanh Trì), Song Phượng (huyện Đan Phượng) và Mai Đình (huyện Sóc Sơn) là các xã làm điểm của thành phố, đồng thời các huyện khác cũng đều tích cực triển khai các bước xây dựng nông thôn mới.
Đến nay xã Thụy Hương đã hoàn thành 18/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, trong đó tăng trưởng kinh tế đạt 23%/năm; thu nhập đầu người đạt 21 triệu đồng/người/năm (tăng hơn hai lần so năm 2009). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng thương mại dịch vụ, công nghiệp, xây dựng; giảm nông, lâm, ngư nghiệp. Với những kết quả bước đầu đạt được, Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2012 sẽ hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, làm nền tảng trong việc nâng cao giá trị đất canh tác. Cùng các địa phương khác trong cả nước, phong trào dồn điển đổi thửa ở Hà Nội đã và đang là điểm nhấn quan trọng, mà hiệu ứng thành công bước đầu có sức lan toả đến nhiều địa phương trong cả nước./.