(VOV5) - Tại Festival nghề truyền thống Huế không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và làng nghề… thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm dệt zèng của Thừa Thiên-Huế. - Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Mỗi không gian làng nghề là một câu chuyện về nghề, giới thiệu tập trung những sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn Việt cũng như sự hội nhập quốc tế. Sản phẩm gốm Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho ra mắt nhiều sản phẩm truyền thống mang đậm bản sắc quê hương. Phước Tích vốn được biết với nghề gốm hơn 500 tuổi, từng là sản phẩm nổi tiếng khắp miền Trung với những sản phẩm gia dụng như chậu, om, niêu, ấm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè, thạp, thống…
Các sản phẩm gốm truyền thống được tạo bởi bàn tay khéo léo và tài nghệ của các nghệ nhân, gốm Phước Tích trở nên nổi tiếng bởi độ bền và tinh xảo, mang nét đẹp dân dã của làng quê Việt.
Với tác phẩm gốm Hương Sa, được tạo tác từ những bàn tay vàng của nghệ nhân gốm Bát Tràng và phù sa sông Hương. Bà Hồ Đăng Ngọc Hạnh, Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật thêu XQ Huế cho biết, XQ Việt Nam kết hợp với Gốm Bát Tràng Hà Nội sẽ tạo ra sản phẩm mới, đó là gốm Hương Sa, nguyên liệu lấy từ phù sa Sông Hương của Huế với nguyên liệu gốm Bát Tràng. Những ưu điểm mà gốm Hương Sa vượt trội hơn các dòng sản phẩm gốm khác đó là đa dạng về mẫu mã, được thiết kế bởi một ý tưởng riêng biệt.
Bên cạnh đó, loại đất để tạo ra gốm Hương Sa nhẹ hơn nhiều so với sản phẩm khác.: "Lần đầu tiên, chúng tôi tham gia Festival làng nghề năm nay, mong muốn đưa sản phẩm hoa đến với du khách quốc tế và trong nước hiểu rõ hơn văn hóa ngành nghề truyền thống của dân tộc. Mong muốn du khách đến đây hiểu rõ các thiết chế văn hóa, sự kết hợp hài hòa của các làng nghề, những sản phẩm tinh túy nhất, tinh hoa nhất của người Việt".
Một không gian hoa rực rỡ với nhiều loài hoa nổi tiếng của Đà Lạt và khắp mọi vùng miền đất nước được các nghệ nhân mang về sắp đặt, triển lãm tại Festival làng nghề truyền thống Huế năm nay. Đây là hoạt động góp phần tri ân và tôn vinh các làng nghề, các nghệ nhân gắn bó với môn nghệ thuật hoa.
Lần thứ 4 tham dự Festival nghề truyền thống Huế, Họa sỹ, nghệ nhân Thân Văn Huy làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, cho biết qua các kỳ tổ chức sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên được nhiều người trong nước và quốc tế biết đến: "Làng nghề thủ công truyền thống tôi gắn liền với du lịch và thông qua du lịch để phát triển nghề truyền thống. Du khách đến sẽ mang về sản phẩm của làng nghề đặc biệt là hoa sen được nhân dân bầu chọn là Quốc hoa của Việt Nam. Các kỳ festival tinh hoa nghề Việt đã mở ra cơ hội cho nhiều làng nghề trong đó có nghề hoa giấy thanh tiên. Dịp như thế này bà con bán được nhiều sản phẩm và hứa hẹn nhiều sản phẩm lớn".
Không gian làng nghề mang tính nghệ thuật đặc trưng với 30 ngôi nhà rường, vốn là kiệt tác của nghề chạm khắc gỗ Huế và những những ngôi nhà tre mang dấu ấn của nghề mây tre đan. Lần đầu tiên tham dự Festival nghề truyền thống Huế, các sản phẩm mây tre đan tỉnh Hưng Yên được trưng bày tại đây đã níu chân du khách.
Nghệ nhân Huỳnh Thị Trung, làng nghề truyền thống mây tre đan tỉnh Hưng Yên, hy vọng sản phẩm của mình sẽ được nhiều người biết đến: "Làng nghề của tôi đã được hơn 20 năm rồi, chủ yếu tất cả các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây tre đan xuất khẩu. Thị trường chúng tôi đang bị canh tranh rất nhiều mặt hàng. Lần đầu tiên dự Festival nghề, chúng tôi hy vọng quảng bá được nhiều sản phẩm để cho khách thập phương biết đến được nhiều sản phẩm của mình. Chúng tôi cũng mở mang và phát triển được nhiều hơn".
Trong nhiều gian trưng bày tại Festival Nghề truyền thống 2019, không gian dành cho trưng bày sản phẩm thổ cẩm được du khách trong và ngoài nước đặc biệt chú ý. Đây vốn là những nghề truyền thống đặc sắc đang được lưu giữ, phát triển. Tại đây có nhiều sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc được trưng bày, biểu diễn, từ những làng lụa nổi tiếng trong cả nước như: Dệt Zèng của dân tộc Tà Ôi, A Lưới, Thừa Thiên Huế, Di sản phi vật thể quốc gia; Thổ cẩm dân tộc H’Re làng Teng, Ba Tơ, Quảng Ngãi; Thổ cẩm Chăm từ Mỹ Nghiệp, Ninh Thuận…
Các sản phẩm thổ cẩm trưng bày tại đây là những bộ quần áo, vật dụng túi, địu, khăn…làm hoàn toàn bằng tay do chính cách nghệ nhân thực hiện được. Chị Ka Thoa, người dân tộc Mạ, ở làng Đạ Nghịch, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: "Qua Festival này, chúng tôi mong muốn có nhiều người biết đến thổ cẩm của chúng em để những người phụ nữ có công ăn việc làm đều hàng tháng. Muốn có đầu ra tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi. Bởi ở làng có 350 hộ thì cả 350 hộ đều tham gia làm dệt".
Tại không gian trưng bày các sản phẩm làng nghề, du khách còn được tận mắt nhìn thấy những loại thổ cẩm thuộc dạng hiếm, lần đầu tiên tham dự Festival Nghề truyền thống như trang phục truyền thống của người K’ho và người Châu Mạ.
Đây là hai trong số ít tộc người vẫn còn bảo lưu được nhiều nét độc đáo trong trang phục truyền thống của dân tộc mình. Chỉ bằng những bộ khung dệt làm bằng thanh gỗ, thanh tre hay những ống lồ ô, người K’ho, Châu Mạ đã tạo ra những sản phẩm thổ cẩm nhiều màu sắc, đẹp mắt với nhiều công dụng như tấm đắp, khố, váy, túi xách, những đồ dùng trang trí.