Sinh kế bền vững gắn với bảo tồn văn hóa làng chài trên vịnh Hạ Long

(VOV5) - Là một trong số 7 làng chài thủy cư trên vịnh Hạ Long và cũng là nơi có quy mô, cảnh quan đẹp nhất, hiện mỗi ngày, Cửa Vạn thu hút khoảng 200-400 lượt du khách tới tham quan. 

Nghe âm thanh tại đây:

Từ hàng trăm năm trước, những làng chài trên vịnh Hạ Long đã tồn tại, hình thành nên một góc văn hóa rất riêng của người dân vùng biển Quảng Ninh. Trong xu thế hội nhập và phát triển, những làng chài lênh đênh trên sóng nước Hạ Long không còn nữa, nhưng nét độc đáo của văn hóa vạn chài vẫn được bảo tồn và phát huy, gắn với việc đảm bảo sinh kế bền vững, góp phần nâng cao đời sống cho ngư dân.

Sinh kế bền vững gắn với bảo tồn văn hóa làng chài trên vịnh Hạ Long - ảnh 1 Điệu hát giao duyên truyền thống của ngư dân vạn chài vịnh Hạ Long được tái hiện giữa không gian biển trời độc đáo. - Ảnh: truyenhinhdulich.vn

Những câu hát giao duyên ngọt ngào, đằm thắm giữa mênh mông đá núi, biển trời của vịnh Hạ Long tái hiện một phần không gian văn hóa đặc trưng của người dân làng chài xưa. Đó là trải nghiệm độc đáo dành cho du khách khi đến với Trung tâm văn hóa nổi tại làng chài Cửa Vạn nằm giữa vịnh Hạ Long. Điều đặc biệt, những chàng trai, cô gái đang say sưa trong điệu hát giao duyên này đều là người dân làng chài nổi, trước khi di dân lên bờ theo đề án của tỉnh Quảng Ninh năm 2014.

Chị Nguyễn Thị Hằng, thuyết minh viên tại Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn, chia sẻ: “Mình sinh ra lớn lên ở làng chài Cửa Vạn. Chính vì thế mình rất vui khi được giới thiệu về cuộc sống sinh hoạt của bà con ngư dân, chính bản thân gia đình mình cho du khách trong nước và ngoài nước. Khi mới làm cũng rất bỡ ngỡ vì chưa va chạm với du khách, nhưng được các anh chị đi trước đào tạo nên mình học hỏi được nhiều kinh nghiệm thuyết minh bằng tình cảm chân thành nhất của mình, tự tin giới thiệu về chính cuộc sống của mình.”

Sinh kế bền vững gắn với bảo tồn văn hóa làng chài trên vịnh Hạ Long - ảnh 2

Chị Nguyễn Thị Hằng tự tin giới thiệu cho du khách quốc tế về đời sống của chính cha ông mình trên vịnh Hạ Long. - Ảnh: truyenhinhdulich.vn

Là một trong số 7 làng chài thủy cư trên vịnh Hạ Long và cũng là nơi có quy mô, cảnh quan đẹp nhất, hiện mỗi ngày, Cửa Vạn thu hút khoảng 200-400 lượt du khách tới tham quan. Những thuyết minh viên bản địa như chị Hằng không chỉ là người giới thiệu, thuyết minh tại bảo tàng mà còn tạo ấn tượng sâu sắc bằng những màn trình diễn hát giao duyên, đan ngư cụ, đem đến cho du khách cái nhìn chân thực, mộc mạc về cuộc sống của ngư dân làng chài.

Bên cạnh công ăn việc làm ổn định tại Trung tâm văn hóa nổi trên vịnh Hạ Long, ngư dân các làng chài trước kia còn được tạo điều kiện tham gia nhiều mô hình kinh tế, du lịch khác. Tại làng chài Vung Viêng, nhiều ngư dân đã trở lại nuôi trồng thủy sản theo quy trình thân thiện với môi trường, kết hợp đón khách du lịch. Được hỗ trợ ban đầu về kỹ thuật nuôi, đầu ra sản phẩm, việc nuôi cá lồng bè với nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá vược, cá song, cá giò đem lại thu nhập ổn định cho nhiều ngư dân với 60-70 triệu đồng mỗi năm.

Sinh kế bền vững gắn với bảo tồn văn hóa làng chài trên vịnh Hạ Long - ảnh 3 Các hoạt động du lịch cộng đồng có sự tham gia của người dân đặc biệt hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. - Ảnh: truyenhinhdulich.vn

Bên cạnh hơn 50 xã viên nuôi trồng thủy sản, làng chài Vung Viêng trên Vịnh Hạ Long còn có 70 xã viên hoạt động chèo đò chở khách tham quan, trải nghiệm một ngày cùng ngư dân.

Ông Phạm Văn Năng và ông Vũ Văn Hồng, xã viên Hợp tác xã Vạn Chài, làng chài Vung Viêng cho biết, mỗi khi có khách du lịch, mặc dù không biết ngoại ngữ, song bằng tấm lòng hiếu khách, người dân ở đây vẫn niềm nở tiếp đón, giới thiệu về cuộc sống vạn chài với bạn bè quốc tế: “Tôi trước làm nghề nuôi trồng trên vịnh, được lên bờ giờ lại được quay lại tái nuôi trồng, chúng tôi vừa có sinh kế ổn định rồi cả đón khách du lịch quảng bá Hạ Long nữa. Tôi thấy rất phấn khởi.””Chúng tôi giờ dưới làng chài có thêm dịch vụ chở đò, 1 tháng cũng được 3,5 triệu, thêm một phần thu nhập nguồn sống.”

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và truyền thống văn hóa lịch sử được cư dân vạn chài tạo dựng qua hàng trăm năm, Ban quản lý vịnh Hạ Long đã phối hợp với nhiều tổ chức trong nước, ngoài nước đến từ Mỹ, Nhật Bản nghiên cứu, khám phá và phục dựng nhiều điểm đến độc đáo liên kết với du lịch cộng đồng ở làng chài như hang Tiên Ông, Cửa Vạn, lễ hội rước nước, đền Cậu Vàng, Bà Men...

Bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết: “Các sản phẩm văn hóa được khách du lịch, nhất là khách quốc tế yêu thích, họ rất mong muốn trải nghiệm văn hóa của ngư dân ở đây. Chúng tôi đang nhân rộng các hoạt động hát giao duyên, nâng cấp những khu vực lớp học, thư viện,... của con em làng chài khi xưa. Đây là nét văn hóa độc đáo của ngư dân vùng vịnh, rất cần bảo tồn, giữ gìn cho những thế hệ mai sau và trở thành sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long.”

Việc đa dạng hóa các dịch vụ, sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long bằng các hoạt động cộng đồng vừa giúp chuyển đổi, tạo sinh kế bền vững cho người dân, vừa phục vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của di sản. Đây sẽ là điểm nhấn hấp dẫn, tạo thêm lựa chọn cho du khách bên cạnh việc tham quan, chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt vời của vịnh Hạ Long./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác