Sóc Trăng: Hiệu quả từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)

(VOV5) - Sóc Trăng là một trong những tỉnh có chương trình OCOP phát triển mạnh, với số lượng sản phẩm được chứng nhận OCOP đứng nhóm đầu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Các sản phẩm OCOP tại Sóc Trăng được đánh giá có chất lượng cao, đa dạng về mẫu mã, bao bì. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP được kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá rộng khắp thị trường trong nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, tạo thế cạnh tranh cho các sản phẩm.

Sóc Trăng: Hiệu quả từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) - ảnh 1Các sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: VOV

Công ty TNHH Cầm Thiều, ở thị xã Ngã Năm chuyên sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cây mãng cầu, là một trong 52 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tại tỉnh Sóc Trăng được chứng nhận sản phẩm OCOP. Để có được sản phẩm tốt, công ty đã đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và sản xuất thực phẩm nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, công ty còn xây dựng và sử dụng nguyên liệu sạch, đảm bảo trồng theo quy trình VietGAP. Hiện tại, các loại sản phẩm của công ty gồm Trà Mãng cầu hương vị đậm đà, Trà Mãng cầu hương vị thuần túy và Trà Mãng cầu túi lọc, đều được xếp hạng OCOP 4 sao. Đáng nói hơn, các sản phẩm Trà Mãng cầu của công ty hiện đã có mặt ở nhiều địa phương trên cả nước và được đưa vào một số siêu thị.

Thông qua việc phát triển sản phẩm OCOP, công ty đã liên kết, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho các hộ trồng mãng cầu ở địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Bên cạnh đó, công ty cũng đang hợp tác với một số đối tác thương mại để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc…

Anh Dương Minh Trung, Giám đốc Công ty TNHH Cẩm Thiều, cho biết:“Các sản phẩm muốn xuất khẩu được thì cần một số giấy chứng nhận để đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn. Được sự hỗ trợ của sở Khoa học – Công nghệ, sở Nông nghiệp, sở Công thương, Cẩm Thiều đã thực hiện được quy trình chứng nhận ISO 2000. Các chương trình khuyến công cũng hỗ trợ về máy móc, thiết bị. Nhưng mà để các sản phẩm mãng cầu đi xa hơn thì cần phải xây dựng một vùng nguyên liệu tiêu chuẩn hóa hơn, bên cạnh đó có các tiêu chuẩn chứng nhận của nước xuất khẩu”.

Tương tự, chị Phạm Thị Mới, chủ cơ sở chế biến ba khía muối Cô Mới ở phường 3, thành phố Sóc Trăng, cho biết, từ khi trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm ba khía muối của doanh nghiệp ngày càng mở rộng thị trường và tạo được uy tín tốt. Hiện cơ sở đã có trên 30 đại lý cả trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, doanh thu đã tăng lên khoảng 30% so với thời điểm trước khi được công nhận sản phẩm OCOP.

Chị Phạm Thị Mới chia sẻ:“Sau khi tham gia chương trình OCOP thì sản phẩm ba khía của tôi được nhiều người biết đến, các thị trường cũng rộng hơn. Một phần là do cá nhân mình kết nối, thông tin, quảng bá của địa phương, và các chương trình kết nối của các sở, ban, ngành giúp mình được giao lưu, kết nối với nhiều doanh nghiệp, như cơ sở và địa điểm trong và ngoài tỉnh. Hiện nay ở cơ sở của tôi cũng có trên 30 đại lý trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm tiêu thụ cũng tốt. Do đạt được chương trình OCOP thì mình cũng tạo được uy tín ở khách hàng hơn”.

Để khai thác hiệu quả đề án “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” trong hơn 2 năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã ưu tiên các ý tưởng sản phẩm mới, sản phẩm chế biến chuyên sâu, sản phẩm truyền thống gắn với tiềm năng lợi thế của địa phương, nhất là lĩnh vực nông nghiệp như gạo, tôm, trái cây, hành tím, khô cá…

Sóc Trăng: Hiệu quả từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) - ảnh 2Hội nghị kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ảnh: VOV

Các địa phương đã tập trung hỗ trợ hình thành các phương án kinh doanh để phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề, nâng cao năng lực phát triển OCOP. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động về xúc tiến thương mại, thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất gắn với tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng sản phẩm.

Kết quả là đến nay, toàn tỉnh có 99 sản phẩm OCOP của 52 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh được công nhận, trong đó có 24 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 75 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Trong những năm tới, Sóc Trăng xác định mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến việc nâng hạng cho các sản phẩm OCOP, đồng thời tăng cường kết nối để sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng mở rộng thị trường, được người tiêu dùng biết đến ngày càng rộng rãi.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Hiện nay tỉnh đã phát triển được 99 sản phẩm OCOP. Chúng tôi sẽ có kế hoạch cụ thể để nâng cấp lên các sản phẩm này từ loại 3 lên loại 4, loại 5, để đáp ứng nhu cầu trong nước và thế giới. Ngoài 99 sản phẩm này, chúng tôi tiếp tục xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP tạo ra sản phẩm phong phú, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng, nhất là đối với trong sản xuất nông nghiệp”.

Tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu cho 5 năm tới sẽ phát triển mới và tiêu chuẩn hóa thêm ít nhất 35 sản phẩm OCOP. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cán bộ quản lý, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại như tham gia các hội chợ, hội thảo, tập trung giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương song song với việc cải thiện đời sống người dân.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác