(VOV5) - Điểm chung của các học viên là mọi người đều là lao động chính trong gia đình, ban ngày họ lao động sản xuất, làm nương rẫy, chỉ buổi tối tranh thủ rảnh rỗi họ đi học.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc Hoàng Sang:
Tiểu khu Pa Khen, thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có hơn 500 hộ dân sinh sống, chủ yếu là dân tộc Mông. Nơi đây có một lớp học đặc biệt xóa mù chữ dành cho với các học viên đều là dân tộc Mông ở các độ tuổi khác nhau.
Lớp học đặc biệt thường được tổ chức vào buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Ảnh: VOV |
Lớp học xóa mù chũ ở Tiểu khu Pa Khen được mở từ tháng 4 năm 2021 tại 2 điểm trường Pa Khen 1 và Pa Khen 2. Hầu hết giáo viên được tuyển từ Trường Tiểu học và Trung học cơ sở 19/5. Điểm chung của các học viên là mọi người đều là lao động chính trong gia đình, ban ngày họ lao động sản xuất, làm nương rẫy, chỉ buổi tối tranh thủ rảnh rỗi họ đi học. Tham gia lớp học, các học viên được truyền đạt các kỹ năng cơ bản nghe, nói, đọc, viết chữ và một số phép tính cơ bản.
Đã thành thông lệ, tối thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, chị Sồng Thị Vàng, 41 tuổi, lại cùng chị em phụ nữ ở tiểu khu Pa Khen đến lớp học xóa mù chữ do Trường Tiểu học và Trung học cơ sở 19/5 tổ chức. Dù nhà ở xa trường, nhưng hôm nào chị cũng là người tới lớp sớm nhất.
Chị Sồng A Vàng chia sẻ: “Do trước đây gia đình khó khăn nên tôi không được đi học. Khi biết có lớp dạy xóa mù và phổ biến kiến thức, tôi đã xin đi học. Hàng ngày, dù việc nương rẫy rất bận rộn, nhưng tôi vẫn thu xếp để đến lớp đúng giờ, cố gắng nhớ từng con chữ. Từ khi biết đọc, biết viết, tôi học được thêm nhiều kiến thức cho cuộc sống hàng ngày. Các cô giáo dạy nhiệt tình, quan tâm đến học sinh. Giờ thì tôi đã viết được chữ rồi, mừng lắm.”
Đã có chồng và con nhỏ, nhưng chị Giảng Thị Ly vẫn hăng hái đến lớp học với khát khao biết chữ. Cũng giống như các học viên khác trong lớp, do gia đình nghèo, lại đông anh em, nên hồi nhỏ chị không được đi học, ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy. Bây giờ được tham gia lớp học xóa mù chữ, chị đã biết viết, biết đọc và làm những phép tính đơn giản, giúp ích cho chị rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày: “Khi được đi học tôi đã biết tính toán, khi mình bán cái gì mà người ta đưa tiền cho mình, mình biết lấy bao nhiêu và trả lại bao nhiêu, rất thuận lợi. Có ai nhờ viết gì tôi cũng viết được, nếu phải ký tên thì tự mình viết được, không cần nhờ người khác như trước. Có lớp học xóa mù chữ này tôi rất vui vì mình không còn mù chữ nữa.”
Dù bận rộn với việc nương rẫy, nhưng các học viên vẫn nỗ lực đến lớp đều đặn, đúng giờ. Ảnh: VOV |
Nhìn những bàn tay chai sần vì cầm cuốc, vụng về cầm bút nắn nót từng nét chữ, ai nấy đều cảm phục ý chí, quyết tâm của những học sinh đặc biệt này. Anh chị em học viên ai cũng rất chăm chỉ đi học bất kể trời mưa rét hay nắng nóng. Vì vậy, các thầy, cô giáo đều cố gắng xây dựng giáo trình linh hoạt, phù hợp, để học viên dễ tiếp thu.
Cô giáo Trần Thị Huy, giáo viên lớp học, cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi nhận dạy lớp xóa mù chữ. Do đó, lần này tôi đã có kinh nghiệm giúp học sinh tiếp thu bài nhanh hơn. Đó là dùng biện pháp gần gũi, động viên học sinh để họ đi học chuyên cần hơn, gặp gỡ gia đình họ làm công tác tư tưởng cho họ đến lớp học thường xuyên. Các bài giảng dạy cũng cần có phương pháp ngắn gọn, xúc tích nhất để các học viên dễ tiếp thu.”
Trong số những người hiện không biết chữ cũng có người đã từng đi học nhưng bị tái mù chữ vì học rồi mà không thường xuyên sử dụng. Bởi vậy, địa phương có kế hoạch mở các lớp học xóa mù chữ, đồng thời tuyên truyền tới từng gia đình để học viên tham gia lớp học thường xuyên và có hiệu quả.
Thầy giáo Phạm Minh Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở 19/5, cho biết: “Trong quá trình dạy học người giáo viên chủ động, linh hoạt, đổi mới phương pháp dậy học, phù hợp với khả năng tiếp thu của từng học viên. Khuyến khích giáo viên đăng ký tình nguyện tham gia dạy các lớp học xóa mù chữ. Trong quá trình dạy chữ, kết hợp thêm các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống hàng ngày để bản thân họ và gia đình biết như phòng chống dịch COVID-19, kỹ năng phòng chống cháy nổ, phòng đuối nước. Đồng thời, tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao. Như vậy mới thắp sáng được niềm tin, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu tại địa phương một cách sâu rộng và thiết thực.”
Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, cuộc sống tự cấp, tự túc, nên đồng bào không mấy ai mặn mà với việc học chữ. Mù chữ đồng nghĩa với mù kiến thức, khiến đời sống của bà con đã nghèo, càng nghèo thêm. Nhờ mở các lớp học xóa mù chữ, hiện nay tỉ lệ mù chữ trên địa bàn huyện Mộc Châu giảm đi rất nhiều.
Ông Vương Văn Học, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu, cho biết: “Thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo huyện Mộc Châu tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội tăng cường điều tra nhu cầu của người dân để mở các lớp giáo dục xóa mù chữ, giáo dục sau biết chữ. Phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng số người độ tuổi từ 15 - 60 tuổi chuẩn biết chữ đạt trên 97%, đặc biệt các xã khó khăn sẽ phấn đấu tỷ lệ người biết chữ mức độ 2 trong độ tuổi 15 - 35 là trên 95%. Với kết quả đạt được trong thời gian qua, chúng tôi hy vọng công tác xóa mù chữ ngày càng hiệu quả và góp phân nâng cao hơn nữa đời sống người dân trên địa bàn huyện Mộc Châu.”
Cùng với dạy xóa mù chữ, các thày cô giáo còn kết hợp tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, khuyên nhủ bà con bài trừ các hủ tục lạc hậu, gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp dân tộc. Kết thúc khóa học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu cấp giấy chứng nhận cho các học viên đủ tiêu chuẩn. Việc mở các lớp học xóa mù chữ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Mộc Châu./.