(VOV5) - Từ một ngư cụ bình dân, giờ đây, những chiếc đó, chiếc rọ trở thành một sản phẩm được ưa chuộng trong lĩnh vực mỹ thuật, nội thất...
Đó là loại ngư cụ truyền thống để bắt cá của người nông dân được sử dụng chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ của Việt Nam. Tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, có làng Thủ Sỹ được biết đến với nghề đan đó truyền thống. Từ đôi bàn tay khéo léo của người dân nơi đây, những chiếc đó được đem đi hầu khắp các tỉnh, thành của miền Bắc và xuất khẩu tới một số nước khác.
Chiếc xe đạp huyền thoại với những chiếc đó đã cũng ông Bạc đi khắp trong Nam ngoài Bắc để quảng bá về làng nghề Thủ Sỹ - Ảnh: Lan Anh/VOV5
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội khoảng 60 km. Từ tỉnh lộ rẽ vào, Thủ Sỹ hiện ra với hình ảnh làng quê đậm chất Bắc bộ với những mái ngói thâm nâu, nếp nhà ba gian xưa cũ và những lũy tre xanh, tạo nên một khung cảnh làng quê thanh bình, yên ả.
Ở Thủ Sỹ có khoảng 500 người làm nghề đan đó, trong đó hai thôn có nghề phát triển nhất là Nội Lăng và Tất Viên. Người dân Thủ Sỹ gắn bó với nghề đan đó từ rất lâu. Các bậc cao niên trong làng cho biết người Thủ Sỹ biết đến nghề đan đó từ cách đây khoảng hơn 2 thế kỷ. Bà Nguyễn Thị Dân, người dân Thủ Sỹ, kể: "Đình làng thờ Thành hoàng Nguyễn Thị Huệ. Tôi được nghe các cụ truyền lại bà là người mang nghề đan đó truyền lại cho tất cả nhân dân. Chúng tôi đan đó, đan cả rọ tôm".
Ông Lương Sơn Bạc nổi tiếng với nghề đan đó ở Hưng Yên (Ảnh: Lan Anh/VOV5)
|
Ghé thăm các gia đình trong thôn đều có thể thấy cảnh các cụ ông, cụ bà ngồi trước hiên, đôi bàn tay vừa thoăn thoắt đan đó, vừa vui vẻ kể cho nhau nghe những câu chuyện gia đình, làng xóm. Các cụ kể rằng trước kia, mỗi độ nông nhàn, ở Thủ Sỹ, nhà nào cũng đan đó, mọi người có thể ngồi đan đó cả ngày. Cả làng rộn ràng tiếng chẻ tre, chẻ nứa, khoảng sân rộng nhà nào cũng đầy những thân đó, những nan tre, những chiếc đó thành phẩm... Còn vào thời điểm thu hoạch mùa màng, người dân sẽ tranh thủ đan vào buổi chiều tối.
Nghề đan cần sự khéo tay và tỉ mỉ, thế nhưng ở Thủ Sỹ, ai cũng có thể tạo nên sản phẩm bởi vậy, người dân ở đây thường đùa rằng họ biết nghề từ khi còn nằm trong bụng mẹ, biết đan khi mới ẵm ngửa. Bà Đào Thanh Miên cho biết: "Ai cũng biết đan. Cả làng già trẻ lớn bé đều đan được. Lên 5 bà đã được học đan rồi".
Nguyên liệu để làm ra những chiếc đó là nứa được chuyển từ trên rừng về nơi đây. Nguyên liệu để làm những chiếc đó đan phải là tre hoặc nứa già. Đầu tiên, người thợ phải rất khéo léo, chẻ những loại nan khác nhau phục vụ cho việc đan đó. Mỗi loại nan có kích cỡ khác nhau, phải được vót thật đều và mỏng. Dùng tay và cằm vót nan được coi là cách làm phổ biến của người dân nơi đây. Đa phần công đoạn này do đàn ông thực hiện. Nan sau khi được chẻ gọn gẽ và chia ra từng loại, có độ dài vừa phải và kích cỡ tiêu chuẩn cho từng loại sản phẩm.
Bà Đào Thanh Miên gắn bó với nghề đan đó từ khi còn rất nhỏ và đến giờ bà vẫn làm đều đặn hàng ngày (Ảnh: Lan Anh/VOV5)
|
Kỹ thuật đan không chỉ cần sự khéo léo, tỉ mỉ để tạo ra những sản phẩm tinh tế, bền chặt mà còn cần sự kiên nhẫn, chăm chỉ và tình yêu nghề của người đan. Một sản phẩm đẹp phải được đan một cách cân đối, đường đan và các lớp đan phải đều nhau. Khi đan xong, sản phẩm được đặt lên gác bếp hun khô để tăng độ bền. Cụ ông Lương Sơn Bạc, người đan đó đẹp có tiếng ở Thủ Sỹ, cho biết: "Đó phải đan mượt mà, hun thẫm không cháy, 10 cái giống nhau. Nan phải chẻ ra phơi khô, nhúng nan vào nước vôi. Đó hun bằng rơm, lửa phải đều, không được cho lửa bùng. Phải hun 3 lửa mới đẹp được. Nghệ thuật hun rất khó, các cụ bà hun là đẹp nhất".
Hàng năm, Thủ Sỹ cung cấp khoảng 650.000 sản phẩm cho các tỉnh như Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang... nơi có những cánh đồng chiêm trũng và nhiều kênh mương, sông ngòi. Đó ở Thủ Sỹ có khoảng 3, 4 loại, trong đó, loại đó được hun màu nâu cánh gián có giá 30 - 40.000 đồng/chiếc, còn đó trắng 20.000 đồng/chiếc. Đan đó tuy chỉ là nghề phụ ở Thủ Sỹ mỗi khi nông nhàn, nhưng lại mang đến 50% thu nhập cho người dân trong xã, giúp người dân có một khoản thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống. Cụ Lương Sơn Bạc chia sẻ: "Các cụ ngày xưa đêm đan đó, sáng sớm mang đó ra chợ bán để nuôi con ăn học. Tôi cũng vậy. Bây giờ một tháng thu nhập được đôi triệu, cuộc sống đủ sinh hoạt. Nhờ cái đó này mà con cái trưởng thành".
Ngôi nhà của ông Lương Sơn Bạc (Ảnh: Lan Anh/VOV5)
|
Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, ngư dân cũng dần thay đổi cách đánh bắt cá hiện đại nên các ngư cụ như đó không còn được sử dụng rộng rãi. Tuy vậy, nghề đan đó ở Thủ Sỹ không vì thế mà bị mai một. Từ một ngư cụ bình dân, giờ đây, những chiếc đó, chiếc rọ trở thành một sản phẩm được ưa chuộng trong lĩnh vực mỹ thuật, nội thất, tạo nên một không gian độc đáo đậm chất thôn quê.
Đặc biệt, hiện nay, sản phẩm đó để trang trí nội thất không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài như Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ... Cụ Lương Sơn Bạc cho biết: "Khi đưa bóng đèn trang trí vào bên trong, có gió thổi đung đưa rất đẹp. Khách ở Mỹ hay nhiều nước khác họ rất thích. Khách ở Ấn Độ cũng mới về đây đặt hàng. Tôi phải chọn lọc hàng tốt nhất. Cầm cái đó phải mượt mà, khách họ rất thích".
Đến với Thủ Sỹ, khách phương xa sẽ cảm nhận được nét đặc sắc riêng có của làng quê này. Nhất là vào những ngày nắng đẹp, khắp các khoảng sân của mỗi nhà là những đóa hoa bằng tre, nứa thật bắt mắt được tạo nên từ những chiếc đó bình dị. Ghé thăm Thủ Sỹ, du khách sẽ được gặp gỡ những con người chất phác, hiếu khách và được trải nghiệm việc tự tay vót nan, đan đó từ người dân làng.