(VOV5) - Sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của tỉnh Bình Phước có nhiều đổi thay. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 24 triệu đồng/người năm 2010 lên gần 43 triệu đồng/người năm 2015. 20 xã của tỉnh hiện đã đạt bình quân 15/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Điều đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới ở Bình Phước đã phát huy được tinh thần đoàn kết và chủ động của người dân.
|
Nông thôn mới Bình Phước (Ảnh: baoapbac.vn) |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Con đường bê tông rộng rãi đưa tôi đến trung tâm xã Minh Thành, huyện Chơn Thành. Hai bên đường là những ngôi nhà khang trang cùng vườn cây xanh tốt, hoa trái trĩu cành. Đến nay, toàn bộ 18km đường giao thông nông thôn của xã Minh Thành đều được trải bê tông. Hệ thống trường học, trạm y tế được xây dựng hoàn chỉnh. Ngoài việc hiến đất làm đường, góp công sức, người dân nơi đây còn đóng góp hơn 2 tỷ đồng cùng với chính quyền địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng. Minh Thành là 1 trong 3 xã của tỉnh Bình Phước đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Ông Phan Văn Hành, người dân ở tổ 3, ấp 5, xã Minh Thành, cho biết: "Người dân được Chính quyền tin tưởng giao cho xây dựng công trình đã tổ chức họp, chia ra từng tổ, bầu ra những người trong ban giám sát để quản lý tất cả nguyên vật liệu mà địa phương phân bổ về. Được sự đồng tình của bà con nên tất cả đều tập trung vào làm đường, không có vướng mắc. Người dân ở đây rất hồ hởi, làm công trình nào là thành công công trình đó".
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tỉnh Bình Phước huy động mọi nguồn lực cho công tác xây dựng nông thôn mới. Tổng vốn huy động 5 năm qua của tỉnh đạt gần 6.000 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 220 tỷ đồng. 20 xã được tỉnh Bình Phước chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới đã cơ bản hoàn thành các nhóm tiêu chí về kinh tế và phát triển sản xuất; nhóm tiêu chí về văn hóa, xã hội, môi trường… Ông Hoàng Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh, cho rằng: "Đây là kết quả đáng ghi nhận bởi Bình Phước còn là tỉnh nghèo, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Đối với các công trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Lộc Ninh, nhận thấy chỗ nào thuận lợi, người dân đồng tình là chúng tôi làm trước. Chúng tôi thực hiện theo Đề án của huyện là nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư. Người dân quyết định con đường dài, ngắn, rộng, hẹp và người dân tự thi công. Với tinh thần đó, nhiều công trình ở các xã nông thôn mới của huyện đã làm xong với chất lượng rất tốt".
Triển khai xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bình Phước thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Trong đó, hàng ngàn đoàn viên, thanh niên làm nòng cốt vận động bà con hiến đất làm đường, bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Ở tất cả các xã của tỉnh Bình Phước, tổ chức Đoàn thanh niên đảm nhận từ 2 đến 4 tiêu chí trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các tổ chức Đoàn và đoàn viên thanh niên đã thành lập được nhiều hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho thanh niên nông thôn như: Hợp tác xã chế biến gạo, Hợp tác xã in ấn, quảng cáo; Hợp tác xã dệt thổ cẩm, đan, lát... Chị Tôn Ngọc Hạnh, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước, cho biết: "Tuổi trẻ của Bình Phước tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới với những hoạt động cụ thể và đều khắp. Hầu như cơ sở đoàn thanh niên nào cũng đăng ký làm theo năng lực của mình. Đối với những cơ sở có nguồn lực ít thì làm những công trình nhỏ, ở những cơ sở đoàn cấp huyện, thị, tỉnh có nguồn lực nhiều hơn thì làm những công trình lớn hơn".
Là một tỉnh nghèo với đông đồng bào tộc sinh sống, công tác xây dựng nông thôn mới đang đặt ra cho Bình Phước những nhiệm vụ nặng nề. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước và huy động nguồn lực trong nhân dân, các địa phương cũng kêu gọi sự ủng hộ từ các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phấn đấu đến năm 2020, 46 xã của tỉnh Bình Phước đạt chuẩn nông thôn mới.