Tỉnh Hà Tĩnh - điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

(VOV5) - Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2024 tất cả các huyện, thị đều đạt chuẩn nông thôn mới.

Nghe âm thanh bài viết qua giọng phát thanh viên Minh Nguyệt:

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp, điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng với cách làm sáng tạo nên tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được kết quả ấn tượng, thay đổi hoàn toàn diện mạo khu vực nông thôn.

Tỉnh Hà Tĩnh - điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới - ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn trao bằng công nhận huyện NTM của Thủ tướng Chính phủ cho nhân dân và cán bộ huyện Can Lộc cuối năm 2019.  - Ảnh: Báo Hà Tĩnh. 

Kim Sơn 1 là xã biên giới, khó khăn nhất của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng nhờ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi rõ nét. Nhiều diện tích đất rừng trước đây vốn chỉ là cây tạp, nay đã trở thành những rừng keo bạt ngàn, trang trại chăn nuôi kết hợp với cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Hồ Văn Hai, xã Sơn Kim 1, cho biết được sự tư vấn, giúp đỡ của chính quyền địa phương và chuyên gia nông nghiệp, gia đình ông đã cải tạo thành công 7 ha trang trại với nhiều loại cây trồng mang lại thu nhập ổn định: "Nhà cửa thực hiện đứng năm không ba sạch. Cuộc sống nhân dân thay đổi, cải thiện rất nhiều. Ngày xưa vườn của nhiều hộ gia đình còn để trống những đến nay đã được cải tạo và trồng nhiều loại cây ăn quả, được sắp xếp lại, từ đó nhiều hộ kinh tế phát triển."

Tỉnh Hà Tĩnh - điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới - ảnh 2Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Can Lộc, Nghi Xuân; 155 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hàng trăm khu dân cư kiểu mẫu - Ảnh: Báo Hà Tĩnh. 

Không chỉ ở các địa bàn các huyện phía Tây của tỉnh như Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, tại các huyện đồng bằng, miền biển như Đức Thọ, Nghi Xuân… cũng thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới. Tại huyện Đức Thọ, huyện thuần nông, độc canh cây lúa, đã xác định xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cơ cấu một loại giống lúa có năng suất, chất lượng cao là hướng đi chính. Đến nay, toàn huyện Đức Thọ có 1.200 ha lúa, cơ cấu thành 35 cánh đồng lớn.

Nhiều cánh đồng, diện tích lúa ở xã Tân Dân, Bùi La Nhân… cho năng suất chất lượng cao; được liên kết sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp. Ông Võ Công Hàm, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, huyện Đức Thọ hình thành trên 500 mô hình nông nghiệp cho doanh thu từ 300 triệu đồng/năm trở lên, trong đó có 74 mô hình lớn, doanh thu trên 40.000 USD/năm…

Đến nay, Đức Thọ có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thị trấn Đức Thọ đạt chuẩn văn minh đô thị; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn toàn huyện đạt gần 2000 USD/năm: "Trong xây dựng nông thôn mới nó bao hàm nhiều việc. Tôi cho rằng cái được là hạ tầng được nâng lên, đời sống vật chất tinh thần nhân dân được nâng lên, đường đi lối lại, môi trường nông thôn được nhân dân khắc phục. Người dân khắp nơi rất phấn khởi."

Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, ngoài Bộ tiêu chí theo quy định của Trung ương (gồm 19 tiêu chí), tỉnh Hà Tĩnh còn bổ sung tiêu chí thứ 20  là khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu.

Qua 7 năm triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực, được người dân và cộng đồng tích cực hưởng ứng. Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Can Lộc, Nghi Xuân; 155 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hàng trăm khu dân cư kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng1.400 USD/năm.

Tỉnh Hà Tĩnh - điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới - ảnh 3 Sản phẩm đạt chuẩn OCOP của Hà Tĩnh được trưng bày tại các hội chợ, các loại cây ăn trái đem lại thu nhập ổn định cho người dân. - Ảnh: Báo Hà Tĩnh.

Bộ mặt nông thôn thay đổi hoàn toàn, đường làng ngõ xóm, các khu dân cư đều được chỉnh trang, cải tạo. Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, cho biết: "Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, gắn với vấn đề dịch vụ. Quan điểm rất rõ trong vấn đề này. Quan tâm đến phát triển kinh tế nhưng chúng tôi không quên chăm lo đời sống người dân, công tác an sinh xã hội. Hiện tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Tình đã bằng bình quân cả nước bởi GDP bình quân của Hà Tĩnh cũng bằng bình quân của cả nước, trong thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ quan tâm hơn nữa đến đời sống của các hộ nghèo trên địa bàn."

Với kết quả sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 có 100 số xã đạt chuẩn nông thôn mới; cuối năm 2024 tất cả các huyện, thị đều đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, Hà Tĩnh tiếp tục quan điểm chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tổ chức thực hiện toàn diện trên tất cả tiêu chí, gắn với xây dựng đô thị văn minh, hướng tới xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác