(VOV5) - Phú Vinh là quê hương của nhiều thế hệ nghệ nhân tài hoa làm ra những sản phẩm mây tre đan độc đáo, tinh xảo.
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 25 km về phía Tây, làng Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ là một trong những cái nôi của nghề mây tre đan Việt Nam. Với bề dày nghề mây tre đan truyền thống hơn 400 năm, Phú Vinh là quê hương của nhiều thế hệ nghệ nhân tài hoa làm ra những sản phẩm mây tre đan độc đáo, tinh xảo.
Quang cảnh sản xuất ở xưởng của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh. Ảnh: Ngọc Anh/VOV5 |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Được hình thành từ năm 1700, làng Phú Vinh ban đầu có tên gọi là làng Phú Hoa Trang (tức là làng được Trời phú cho người dân có bàn tay lụa) bởi người dân rất giỏi đan lát mây tre. Vào năm 1800 làng Phú Hoa Trang đổi tên thành làng Phú Vinh. Vốn là một vùng thôn quê chiêm trũng thuận lợi cho việc trồng cây mây, cây tre, người dân Phú Vinh gắn bó với cây mây, cây tre ngay từ khi còn nhỏ. Nhiều người dân làm nghề thuộc tính từng cây tre, từng sợi mây. Theo nghề cha truyền con nối, dần dần nghề mây tre đan phát triển trở thành nghề truyền thống của làng. Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cho biết: “Việt Nam có rất nhiều làng nghề mây tre đan, nhưng Phú Vinh không phải là làng nghề bình thường mà là làng nghề lâu năm. Mây tre đan Phú Vinh đã đi vào nghệ thuật.”
Trước đây 100% các hộ dân trong làng làm nghề mây tre đan thì hiện nay vẫn còn khoảng 90% người dân theo nghề truyền thống này. Cả làng hiện có 8 nghệ nhân cấp quốc gia. Tính đến nay, các lớp nghệ nhân ở làng nghề Phú Vinh đã lan tỏa truyền nghề cho 12 tỉnh, thành phố cả nước. Nhiều thế hệ nghệ nhân cấp quốc gia như: Nguyễn Văn Khiếu, Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Văn Kiệu, Hoàng Văn Khu… đã qua đời, nhưng sử sách vẫn lưu danh tên tuổi các cụ. Trong đó nổi tiếng nhất là nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu (1905 - l983). Cụ là nghệ nhân đầu tiên đan thành công ảnh đan chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chất liệu dây mây truyền thống. Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, con trai nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu, kể lại: “Ông cụ thân sinh ra tôi là một trong 9 nghệ nhân mây tre đầu tiên được Nhà nước phong tặng từ năm 1961. Cụ là người đầu tiên được phong tặng nghệ nhân mây tre và cũng là người được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày xưa bố tôi đan một số sản phẩm tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh.”
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung trình diễn nghề. |
Làng Phú Vinh nổi tiếng với các sản phẩm mây tre đan đẹp mắt, tinh xảo, hàng trăm mẫu mã, thể loại khác nhau. Không chỉ làm ra những vật dụng gia đình, mộc mạc đậm chất làng quê như: khay, đĩa, rổ, rá… hay những sản phẩm nội thất, đồ trang trí như bàn ghế, bình hoa, chao đèn, lọ lộc bình, khung ảnh, người dân Phú Vinh còn làm ra những đồ lưu niệm đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao như mây trời, chim bay, cá lượn, tranh chân dung, hoành phi, câu đối. Nói về đặc sắc của làng nghề mình, nghệ nhân Nguyễn Văn Tình cho biết: “Nét độc đáo của làng nghề mây tre đan Phú Vinh nổi tiếng bởi vì chất, về kỹ năng, kỹ thuật cũng như là các đường đan rất đặc biệt, cầu kỳ, tỷ mỉ. Chúng tôi có các hoa văn đan tết mà chỉ có ở làng nghề Phú Vinh mới có. Các loại tết hoa văn ở Phú Vinh cũng rất đa dạng. Có tới hàng vài chục kiểu đan tết hoa văn mà đặc trưng chỉ có ở Phú Vinh không có ở làng nghề khác.”
Nhờ có kinh nghiệm đúc kết lâu năm, kết hợp với sự sáng tạo tinh tế, các nghệ nhân làng nghề Phú Vinh đã tạo ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị thẩm mỹ cao và từng nhận được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm. Nhiều nghệ nhân làng nghề Phú Vinh đã từng được mời ra nước ngoài trình diễn. Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, làng nghề Phú Vinh, cho biết: “Năm 1980 tôi được giải thưởng huy chương vàng cuộc thi tuổi trẻ sáng tạo các nước xã hội chủ nghĩa tổ chức ở Liên Xô. Tác phẩm của tôi là bức tranh “Dòng sông Vonga”. Năm 1982 tôi được cử đi dạy nghề ở Cuba, Lào và Angola. Tôi từng tặng Thủ tướng Pháp một bức tranh đan bằng mây tre phố cổ Hà Nội. Trong nghề thủ công mỹ nghệ rất đa dạng và phong phú. Làng Phú Vinh xuất khẩu bình quân 30 tỷ đồng/năm. Thị trường chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước châu Âu như Nga, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha.”
Trải qua hàng trăm năm phát triển, Phú Vinh luôn giữ được những giá trị truyền thống mà ông cha để lại. Sản phẩm làng nghề mây tre đan Phú Vinh đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật đan mây tre ở Việt Nam.