(VOV5) - Thờ phụng tổ nghề, người ta mong cho ngành nghề phát triển, cuộc sống sung túc, ấm no, hạnh phúc.
Tục thờ tổ nghề là truyền thống tốt đẹp ở các làng nghề Việt Nam, thể hiện sự biết ơn những vị sáng lập, mở mang tri thức ngành nghề cho dân làng. Thờ phụng tổ nghề, người ta mong cho ngành nghề phát triển, cuộc sống sung túc, ấm no, hạnh phúc. Mỗi năm, tại các làng nghề đều có ngày giỗ tổ nghề để tôn vinh, tạ ơn tổ nghề.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tổ nghề còn được gọi là Đức Thánh tổ hay Tổ sư, là một hoặc nhiều người có công sáng lập hay truyền bá cho dân làng một nghề nào đó. Vì thế, Tổ nghề được các thế hệ sau suy tôn, thờ cúng. Tổ nghề thường là những người có thật trong lịch sử nhưng cũng có khi là những nhân vật được hư cấu theo truyền thuyết dân gian.
Miếu thờ cụ tổ làng nghề là Trương Công Thành. Sử sách còn ghi cụ Trương từng làm Phó tướng cho Lý Thường Kiệt. Ảnh: vnexpress.net |
Việt Nam có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2000 làng nghề truyền thống. Đa số các làng nghề ở Việt Nam dân làng đều thờ tổ nghề, nhất là ở các làng nghề truyền thống, có lịch sử lâu đời. Tuy nhiên, có một số ít làng nghề do hoàn cảnh khách quan, lịch sử không ghi lại “tích của tổ nghề” nên dân làng không biết ai là tổ nghề để thờ cúng. Ở các làng nghề Việt Nam, dân làng có thể lập bàn thờ vị tổ nghề tại gia, nhưng phổ biến vẫn là lập miếu, đền, đình để thờ tổ nghề riêng của làng nghề mình. Đặc biệt, ở nhiều làng, có những vị tổ nghề còn được dân làng tôn làm Thành Hoàng làng, tức là vị thần linh cai quản làng, là thần hộ mệnh, phù hộ và che chở cũng như ban phúc cho dân làng. Tiến sĩ Nguyễn Vi Khải, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cho biết:
“Làng nghề và phạm trù thờ cúng tổ nghề có liên quan mật thiết với nhau. Bởi vì từ làng nghề ra phố nghề và trở lại cội nguồn của mình đó là một dòng khép kín mà có thể nói đó là sự tích tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Việc thờ tổ nghề không chỉ có ở Việt Nam mà còn có ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Thờ tổ nghề ở Việt Nam có đặc trưng đặc biệt là thờ tổ nghề gắn với các lễ hội, gắn với những hoạt động giao lưu giữa các phường, hội và nghề khác nhau để cùng tồn tại và phát triển.”
Đình Kim Ngân ở hà nội nơi thờ tổ nghề bách nghệ. Ngọc Anh/VOV5 |
Các nghề đều có tổ nghề, có khi nhiều người là tổ cùng một nghề hoặc cùng một nghề nhưng mỗi nơi thờ một vị tổ khác nhau nhưng cũng có khi một người là vị tổ của nhiều nghề khác nhau. Chưa có số liệu thống kê có bao nhiêu vị tổ nghề nhưng ước tính ở Việt Nam khoảng 130 vị tổ nghề. Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề nhất cả nước. Ví dụ như làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ có tổ của nghề này là ông Trương Công Thành, một vị tướng thời Lý; Bà tổ nghề dệt lụa ở làng Vạn Phúc có tên là A Lã Thị Nương, thế kỷ thứ 9; làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá cụ Khánh Ký tổ nghề. Vị tổ nghề bách nghệ, tổ nghề đầu tiên chính là Vua Hùng, người có công dựng nước. Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Nguyễn Đức Tố Lưu, cho biết:“Chúng ta có 2 vị bách nghệ tổ sư, một nam và một nữ. Nam là Hiên viên Hoàng Đế tức vua Hùng, nữ là vợ Vua tức Hoàng hậu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu. Về sau có thêm những vị tổ nghề khác như tổ nghề kim hoàn, đúc đồng, thủ công… Đình Kim Ngân ở Hà Nội là nơi thờ tổ bách nghệ vua Hùng, người có nhiều sáng chế thời cổ đại, dạy dân nhiều nghề như làm nhà, làm nông, viết chữ.”
Tục thờ tổ nghề là phong tục tập quán, nghi lễ linh thiêng của dân làng. Hàng năm, lễ cúng tổ nghề thường được tổ chức vào ngày sinh hoặc ngày mất của vị tổ nghề, nếu không biết được ngày sinh, ngày mất của vị tổ nghề, thì dân làng tổ chức vào ngày hội làng. Dân làng tin rằng thờ tổ nghề sẽ được tổ nghề phù hộ cho dân làng bảo tồn và phát triển nghề nghiệp của mình. Tục thờ tổ nghề cũng chính là đạo thờ tổ tiên, trở thành sợi dây liên kết, gắn bó mọi người lại với nhau, thể hiện đạo hiếu trong nhân sinh quan của người Việt Nam. Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Ngọc Khôi, cho biết:“Đạo hiếu gắn với thờ cúng tổ nghề. Chuyện thờ các vị tổ nghề chứng tỏ là chúng ta thể hiện thái độ tri ân của những kẻ hậu sinh, nhớ công lao những người đi trước đã khai thông, mở lối cho mình. Nếu như chúng ta không có thái độ biết ơn, tri ân như thế chắc chắn sau này chúng ta không thể mở mày mở mặt ra được.”
Tục ngữ, dân gian Việt Nam có câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ly hương, bất ly tổ”. Những nghệ nhân, thợ nghề gắn bó với nơi mình sinh ra và được học nghề khi họ vì lý do nào đó mà rời làng quê đến nơi khác sinh sống thì họ luôn ý thức việc giữ nghề. Lòng tri ân những vị tổ nghề trong họ không hề mất đi mà trái lại họ gieo vào nơi họ đến những hạt giống của lòng biết ơn bằng cách hành nghề, tạo lập nghề mới và thiết lập truyền thống thờ vị tổ nghề. Tục thờ tổ nghề ở các làng nghề Việt Nam thể hiện đạo hiếu của người Việt Nam.