UNDP hỗ trợ người dân Quảng Ngãi phòng tránh thiên tai

(VOV5) - Dự án “ nhà an toàn” tập trung hỗ trợ cho người nghèo, phụ nữ đơn thân, người có hoàn cảnh khó khăn và người khuyết tật. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Sau bão Molave, chính quyền và người dân xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đang nỗ lực khắc phục các thiệt hại và ổn định cuộc sống. Mô hình "nhà an toàn" do Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam" do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), Chính phủ Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hỗ trợ đã phát huy hiệu quả, giúp người dân an toàn trong cơn bão mạnh nhất trong vòng 10 năm qua ở khu vực này.

UNDP hỗ trợ người dân Quảng Ngãi phòng tránh thiên tai - ảnh 1Những ngôi nhà ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tan hoang sau bão Molave. Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Bà Huỳnh Thị Phượng, ở khu dân cư số 9, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, năm nay đã gần 80 tuổi, nói rằng bà chưa gặp cơn bão nào to như bão Molave, đổ bộ vào Quảng Ngãi những ngày cuối tháng 10/2020. Chỉ trong vài giờ, bão làm cây cối gãy đổ, nhà cửa bị sập, hoa màu thiệt hại.

Ông Nguyễn Bóng, cũng là người dân xã Bình Thuận, là chủ nhân căn nhà tình nghĩa được xây dựng từ vài năm trước. Do mái tôn của nhà bay hết trong bão nên ông đang lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất, phải ở nhờ nhà của người cháu. Chi phí để lợp lại mái tôn cho gia đình vào khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, do bão làm nứt tường, nên ông Bóng chưa dám lợp lại mái tôn vì lo sợ không an toàn.

Ông Nguyễn Long, người dân cùng xã, cho biết gia đình ông cũng bị ảnh hưởng bởi bão, tuy nhiên, do thiệt hại nhẹ hơn nên gia đình tự khắc phục, nhường phần hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại nặng. Bão cũng khiến gia đình ông Long và các hộ dân khác không thể đi biển, nên cuộc sống sinh hoạt cũng khó khăn hơn vì nguồn thu nhập bị giảm sút.

UNDP hỗ trợ người dân Quảng Ngãi phòng tránh thiên tai - ảnh 2Qua cơn bão Molave, tất cả các ngôi nhà an toàn chưa có căn nhà nào bị bay tốc mái hay hư hỏng do bão và thiệt hại về người, tài sản. - Ảnh: Báo Tài nguyên môi trường. 

Trong khi nhiều gia đình trong thôn bị thiệt hại khá nặng nề, thì gia đình bà Phạm Thị En, sinh năm 1961, lại hầu như không bị thiệt hại, do ngôi nhà của bà là "nhà an toàn". Ngôi nhà của bà En được bàn giao từ tháng 6/2020, được xây dựng với sự hỗ trợ của Chính phủ, GCF-UNDP. Bà En cho biết, trước đó, một cơn bão trong 2019 làm cho nhà bà bị bay hết nóc, chỉ còn vách.

Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo nên được dự án hỗ trợ xây "nhà an toàn”: “Hồi đó cái nhà của tôi bị sập, bị gãy cây ngang. Trong khu dân cư, trong thôn họ thấy họ xét cho thấy mình đơn chiếc không người nương tựa thì họ xét cho. Làm được cái nhà này thiệt cũng cảm ơn nhà nước chứ không cơn bão này chắc cũng sập luôn đó. Nhà nước cho cái nhà này cũng đỡ. Vừa rồi bão mấy chị em ở gần cũng chạy lại đây trú bão chứ không đi trú bão xa nữa.”

UNDP hỗ trợ người dân Quảng Ngãi phòng tránh thiên tai - ảnh 3 Sự khác biệt của ngôi "nhà an toàn" là có thêm một gác lửng trên cao, trường hợp có nước dâng thì chủ nhà có thể di chuyển lên gác lửng trên cao để đảm bảo an toàn cho người, tài sản. - Nguồn: Báo tài nguyên môi trường.

Sự khác biệt của ngôi "nhà an toàn" là có thêm một gác lửng trên cao, trường hợp có nước dâng thì chủ nhà có thể di chuyển lên gác lửng trên cao để đảm bảo an toàn cho người, tài sản. Ông Vũ Thái Trường, cán bộ dự án của UNDP cho biết: “Tiêu chuẩn rất quan trọng là phải đảm bảo ba cứng, nghĩa là nền cứng, móng cứng và khung cứng. Ngoài ra, nhà phải có sàn chống lụt cao hơn mức lụt từ 1,5 mét trở lên tính từ nền nhà. Cầu thang đi lên sàn chống lụt phải có tay vịn và phải làm bàng nguyên vật liệu bền chắc. Cái nữa là cửa đi và cửa sổ cũng phải làm bằng vật liệu bền chắc, phải có then cài và chốt cửa chắc chắn để đảm bảo độ kín, khít khi có gió bão xảy ra và chống được nước mưa.Mái nhà là mái ngói hoặc mái tôn, được gia cố bằng các thanh giằng chắc chắn. Hệ thống thoát nước quanh nhà phải được lưu thông tốt để đảm bảo vệ sinh môi trường.”

Dự án “ nhà an toàn” tập trung hỗ trợ cho người nghèo, phụ nữ đơn thân, người có hoàn cảnh khó khăn và người khuyết tật. Chi phí cho các ngôi nhà tương đối phù hợp và sử dụng được các kinh nghiệm truyền thống của địa phương. Thiết kế của nhà có sự tham gia của cộng đồng địa phương, được thẩm định bởi Viện khoa học công nghệ của Bộ Xây dưng và Sở xây dựng ở các địa phương có dự án.

Chia sẻ với phóng viên, ông Ngô Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho biết, các “ngôi nhà an toàn” đã phát huy tốt tác dụng trong bão Molave, thực sự mang lại an toàn cho người dân. Phía địa phương cũng đang khuyến khích người dân có điều kiện tự xây nhà theo kiểu “ nhà an toàn”. Trường hợp không đủ điều kiện thì có thể bố trí vài mét vuông làm kiên cố (có thể dạng hầm) để phòng chống bão: “Mình tuyên truyền, vận động người dân khi bão lũ đến thì xã tích cực di dời người dân. Chỉ di dời chứ không còn cách nào khác. Và hiện nay có cái thuận là có một số người có tiền, trong nhà đỡ hơn chút thì họ làm nhà kiên cố. Mình vận động hàng xóm láng giềng tá túc ở các nhà kiên cố đó. Chứ thực ra mình di chuyển rất lớn. Như cơn bão này xã phải di chuyển toàn bộ những người đi sơ tán tập trung là trên 1 ngàn người. Tập trung cho người già và trẻ em. Còn lại những người khác tập trung ở những nhà cứng cáp để mình đỡ phải di chuyển. Điều đáng mừng là bão vào không thiệt hại về người.”

Do nằm trong vùng bị thiên tai nhiều nên chính quyền xã Bình Thuận rất tích cực hỗ trợ người dân kiến thức, kỹ năng phòng tránh thiên tai và hỗ trợ người dân di dời đến vùng an toàn trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tình huống. Giải pháp bền vững là người dân phải được an toàn trong những ngôi nhà an toàn trong mùa bão lũ. Vì vậy, UNDP đã và đang tích cực cùng chính quyền các địa phương ven biển miền Trung của Việt Nam triển khai dự án Nhà an toàn cho người dân trong khu vực này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác