(VOV5) - Tỉnh Sơn La hiện là vựa quả lớn nhất miền Bắc và có diện tích trồng cây ăn quả lớn thứ hai cả nước.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhiều sản phẩm của Sơn La, như: nhãn, mận , thanh long ruột đỏ, xoài, chanh leo... được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và xuất khẩu đi nhiều thị trường lớn, như: Trung Quốc, Australia, Mỹ và New Zealand. Ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất chính là một trong những đòn bẩy thúc đẩy "vựa" hoa quả này bứt phá.
Gia đình ông Nguyễn Văn La ở huyện Sông Mã đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi phần lớn diện tích nhãn của gia đình sang mô hình nhãn chín sớm cho hiệu quả cao. Ảnh: VOV |
Gia đình ông Nguyễn Văn La ở bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã (Sơn La), có hơn 1,6 ha nhãn. Trước đây, gia đình ông chủ yếu canh tác vườn cây ăn quả theo cách truyền thống, đó là thâm canh giống cũ, không tạo tán, chăm sóc, cải tạo theo đúng kỹ thuật. Do đó, hàng chục năm trồng cây nhãn, nhưng thu nhập không cải thiện.
Giai đoạn 2017-2018, qua tìm tòi, học hỏi cách làm của một số thành viên trong các Hợp tác xã trồng nhãn trên địa bàn huyện; nhất là được cán bộ chuyên môn của xã, huyện, hướng dẫn kỹ thuật lai ghép để cải tạo, sản xuất mô hình nhãn chín sớm, thu nhập của gia đình ông La tăng lên đáng kể: “Năm 2019, diện tích cây nhãn chín sớm, còn gọi là giống T6, đã cho thu hoạch quả. Gia đình tôi thu được hơn 5 tấn quả, giá bán bình quân lúc đó được hơn 30 ngàn đồng/kg, so với nhãn chính vụ thì cao gấp 3 - 4 lần.”
Giống như gia đình ông La, trước đây, anh Lò Văn Thương, xã Mường Bú, huyện Mường La, cũng tự mày mò tìm cách trồng táo, mít, xoài… trên diện tích hơn 1,4 ha. Các loại cây đều là giống cũ, trồng và chăm sóc theo cách tự nhiên nên sản lượng thấp. Đến nay, nhờ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu từ làm đất, chăm bón, trừ sâu, bọc quả… anh đã mở rộng diện tích trồng cây ăn quả lên đến 12 ha với nhiều loại giống mới, cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Giá táo lai trong vườn của anh bán được gấp 2 – 3 lần giống cũ, trong khi đó, na và sầu riêng có thể bán được với giá 400 – 500.000/kg, nên tổng thu nhập của gia đình anh lên đến vài trăm triệu đồng mỗi năm: “Trước đây, khi chưa nghiên cứu về giống táo lai mới, gia đình tôi chỉ trồng táo giống bản địa, chất lượng và giá thành đều thấp. Sau này, gia đình được hỗ trợ kỹ thuật, cải tạo táo giống mới thì quả thu hoạch có mẫu mã đẹp, giá thành cao, nên thu nhập ổn định hơn so với trước.”
Nhiều hộ dân ở Sơn La đã thoát nghèo vươn lên làm giàu từ trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu. Ảnh: VOV |
Gia đình ông La và anh Thương chỉ là 2 trong số hàng trăm, hàng nghìn hộ trồng quả đang được tỉnh Sơn La hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ trong quá trình phát triển cây ăn quả. Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, cho biết những năm qua, toàn tỉnh đã cùng vào cuộc phát triển mạnh chương trình chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc. Nhiều hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn đã được triển khai tới từng hộ gia đình.
Ứng dụng khoa học công nghệ được xem là “đòn bẩy” để tỉnh Sơn La bứt phá trong phát triển cây ăn quả. Ở Sơn La, đến nay, địa phương đã có 24 sản phẩm nông sản, trong đó có 11 sản phẩm cây ăn quả, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; nhiều sản phẩm quả tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, với sự tham gia của hàng ngàn hộ nông dân trong tỉnh.
Trong đó, riêng sản phẩm xoài tròn Yên Châu nằm trong danh sách được bảo hộ tại Châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Việc sản phẩm của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ đã góp phần khẳng định thương hiệu, khẳng định xuất xứ nguồn gốc hàng hóa, qua đó, tạo thuận lợi cho trong khâu tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm nông sản.
Ông Nguyễn Duy Hoàng nhấn mạnh: “Chúng tôi tiếp tục tập trung vào tuyển chọn được các giống cây ăn quả có khả năng thích ứng và chống chịu được với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, cho ra được sản phẩm quả có chất lượng tốt hơn và năng suất cao hơn. Chúng tôi cũng tập trung nghiên cứu ứng dụng để thực hiện chuyển giao trong công tác nghiên cứu, chế biến, bảo quản đối với các sản phẩm cây ăn quả của tỉnh. Đây là các nhiệm vụ trọng tâm mà ngành khoa học tỉnh Sơn La hướng tới trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.”
Sơn La chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: VOV |
Để tiếp tục phát huy những thế mạnh của địa phương, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, Sơn La sẽ tập trung khai thác, tận dụng tốt lợi thế về điều kiện tự nhiên; xây dựng và phát triển các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp. Tất cả hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc trong thời gian tới.