(VOV5) - Bằng các giải pháp linh hoạt, sáng tạo của chính quyền và sự quyết tâm, chung tay góp sức của nhân dân các dân tộc địa phương, xã San Thàng, Thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu, đã hoàn thành 19/19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. San Thàng cũng đã trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh Lai Châu cán đích xây dựng nông thôn mới.
|
Đường nội đồng ơt bản Cắng Đắng. Ảnh: laichau.dcs.vn |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Con đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ, hai bên nhà cửa mọc lên san sát là bộ mặt mới của xã San Thàng từ khi phong trào nông thôn mới đi vào cuộc sống. Với 11 bản, 5 dân tộc, trên 1.500 hộ sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, thu nhập bình quân hiện nay trên địa bàn xã đã đạt hơn 18 triệu đồng/người/năm. Tuy chưa phải là cao nhưng đối với một xã vùng cao, còn gặp khó khăn trong lao động sản xuất thì đây là một sự nỗ lực rất lớn của địa phương và người dân xã San Thàng.
Xã San Thàng II, nơi có đông đồng bào dân tộc Giáy sinh sống, những năm trước đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao vì diện tích sản xuất nông nghiệp hạn hẹp do địa hình địa hình đồi núi chi cắt. Từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng của Nhà nước, đồng bào các dân tộc nơi đây tích cực mở rộng đất sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Nhiều gia đình còn vay vốn, đầu tư phát triển các mô hình làm kinh tế mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như gia đình anh Thào Văn Hoan, bản San Thàng II, đã mạnh dạn đưa cây ngô sang trồng trên diện tích trồng lúa 1 vụ trước kia. Mỗi năm anh thu hoạch 3 vụ ngô để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và tận dụng cây ngô khô để phát triển mô hình trồng nấm. Đến nay, gia đình anh không chỉ thoát được nghèo mà còn vươn lên làm giàu, tạo việc làm thường xuyên cho từ 3 – 5 lao động trong bản. Anh Thào Văn Hoan cho biết: “Trước đây gia đình tôi làm ruộng, sau này chuyển sang trồng nấm với lại trồng ngô, mỗi năm cũng thu được khoảng vài tấn. So với cái ngành nghề trồng trọt khác thì trồng nấm hiệu quả cao hơn nhiều, có thể làm giàu được cho gia đình và cho mọi người. Trước đây, những con đường trong xã lầy lội, khó khăn, đi lại nó vất vả nhưng mà hiện nay rất thuận tiện cho việc đi lại, buôn bán. Đời sống bà con trước đây so với bây giờ khác xa nhiều”.
Còn với gia đình anh Lê Văn Tỉnh, bản San Thàng II, lại quyết định chuyển đổi 3 héc ta đất trồng lúa 1 vụ sang trồng hoa từ nguồn gia đình có và vay Ngân hàng chính sách xã hội. Sau hai năm triển khai, các loại hoa phát triển tốt và gia đình anh là nguồn cung cấp chính cho thị trường thành phố Lai Châu, Hà Nội và các vùng lân cận. Hiện thu nhập của gia đình anh Lê Văn Tỉnh đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên hơn chục lao động địa phương. Anh Lê Văn Tỉnh cho biết: “Đầu tiên lên là mình cũng gặp nhiều khó khăn, thời tiết mới lạ mình cũng chưa biết cây hoa sẽ phát triển như thế nào. Sau khi làm một thời gian mới thấy thời tiết địa phương rất hợp cho hoa phát triển. Hiện nay thì gia đình chủ yếu trồng hoa hồng, còn đến dịp Tết sẽ trồng thêm một vài loài hoa khác như: hoa ly, hoa lan. Trồng hoa hồng sau khi trừ chi phí, cũng lãi được 100 triệu/1 héc ta/năm”.
Chú trọng xây dựng đề án phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển, xã San Thàng đã đầu tư xây dựng các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, trồng chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm…. Đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, phục vụ dân sinh. Để có được kết quả đó, xã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động các tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Ông Trương Thanh Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã San Thàng, cho biết: Đến nay xã đã xây dựng hơn 16km đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng; phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung và giảm tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2%. Bên cạnh đó, xã cũng xây dựng mới 8 phòng học, 19 phòng chức năng, 1 nhà văn hóa xã, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của con em và nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp của nhân dân trong xã. Ông Trương Thanh Nam cho biết: “Từ năm 2010 cho đến nay, cuộc sống của bà con ở đây đã có chuyển biến tích cực. Đặc biệt là sản xuất, lúc đầu diện tích tăng vụ chỉ 75ha năm 2010, nhưng đến nay là trên 238ha. Trên địa bàn xã chúng tôi còn có trên 200ha chè. Đây cũng là một cây chủ lực để xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho bà con trên địa bàn xã. Về lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội trong năm nay và những năm tiếp theo, sau khi đạt nông thôn mới, chúng tôi cũng xác định là phải bám sát cái nội dung đã quy hoạch để chỉ đạo bà con, đặc biệt là quy hoạch chi tiết khu vực sản xuất”.
Bộ mặt nông thôn ở San Thàng đang từng ngày khởi sắc, đời sống người dân phát triển ổn định nhờ những thành quả từ xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy trong những năm tiếp theo, xã San Thàng quyết tâm duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt được, đồng thời đề ra những hướng phát triển mới giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hoá, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho giáo dục và y tế./.