(VOV5)- Mục tiêu chính của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang được triển khai rộng rãi ở Việt nam là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Để thực hiện mục tiêu đó, 3 năm qua huyện Cư M’ga, tỉnh Đắc Lắc đã làm tốt việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất theo hướng phát triển bền vững.
Xã Quảng Hiệp, Cư Mga, Đắc Lắc
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Qua 3 năm triển khai, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, huyện Cư M’ga đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện có 15 xã, trong đó nhiều xã còn nhiều khó khăn có đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng đến nay tất cả các xã đều hoàn thành đề án xây dựng nông thôn mới. Trong đó có 3 xã thuộc huyện Cư M’ga là: Quảng Tiến, Eatul và EaKpam đã được chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đắc Lắc. Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Cư M’ga, cho biết:Ngay từ ngày đầu thành lập, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện đã chỉ đạo xuyên suốt triển khai các nội dung của chương trình nông thôn mới và 15 xã đã thành lập Ban chỉ đạo cấp xã, ngoài ra còn 182 thôn, buôn cũng có ban chỉ đạo cấp thôn, buôn. Công tác tuyên truyền được chú trọng ngay từ đầu với việc phát động các phong trào thi đua, nên có sự hưởng ứng đồng lòng của người dân.
Trong xây dựng nông thôn mới, Cư M'ga luôn xác định cây cà phê là cây trồng chủ lực. Với định hướng đó, huyện chỉ đạo đầu tư phát triển cây cà phê một cách bền vững bằng việc nâng cao năng suất, chất lượng. Đến nay, toàn huyện đã có 9.400 hộ nông dân sản xuất cà phê có chứng nhận đạt tiêu chuẩn thương phẩm với diện tích 15.380 ha cà phê. Bên cạnh đó, huyện còn vận động nhân dân trồng xen trong vườn cà phê các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Hồ tiêu, sầu riêng, bơ ghép, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất. Trong lĩnh vực chăn nuôi đã hình thành các trang trại tập trung chăn nuôi heo, bò, gia cầm, hàng năm đem lại nguồn thu nhập khá lớn cho các hộ gia đình. Cùng với các hoạt động đó huyện đã phối hợp tổ chức 74 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, thu hút hơn 3.800 lượt người tham gia. Huyện cũng đã xây dựng được 2 mô hình tưới nhỏ giọt cho cây cà phê, 1 mô hình trồng nấm, 2 mô hình nuôi ngan, nuôi bò cái sinh sản ở các xã như: Quảng Tiến, Quảng Hiệp, Quỳnh Nga, EaTul, EaKpam, Ea Mnang... Các hoạt động thiết thực đó đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho người nông dân trồng cà phê theo hướng sản xuất hiệu quả, bền vững.. Ông Y tê, nông dân ở xã Quảng Tiến tâm sự:“ Trước đây tôi cũng làm cà phê, nhưng không biết nên đầu tư thế nào. Cũng nghe nói làm cà phê bền vững, nhưng bền vững thế nào thì đến lớp tập huấn mới biết. Đợt này có tài liệu về biến đổi khí hậu, trồng cây trong vườn, rồi tiết kiệm nước. Những gì học được tại lớp tập huấn, tôi về truyền đạt lại cho bà con trong buôn.
Cà phê Cư M'ga hướng đến sản xuất bền vững - Ảnh: caphesach.vn
Qua triển khai thực hiện các dự án xây dựng nông thôn mới đã tạo chuyển biến trong việc tăng thu nhập cho người dân, một trong những tiêu chí quan trọng nhất trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ông Phạm Quang Mười, cho biết thêm: “Trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất đã hoàn thành ở xã Quảng Tiến. Nhờ tổ chức sản xuất tốt, nên thu nhập của người dân tăng lên. Bên cạnh đó mô hình hoạt động với các mối liên kiến kết chặt chẽ đã góp phần tăng hiệu quả hoạt động, giúp bà con tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm tối ưu hơn, hoạt động sản xuất mang tính đồng nhất, đời sống ổn định hơn.”
Đến nay huyện Cư M’ga đã có 1 xã đạt 17 tiêu chí, 5 xã đạt từ 9 – 15 tiêu chí, 7 xã đạt từ 5 – 8 tiêu chí và 2 xã đạt 4 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Riêng xã Quảng Tiến là xã điểm của huyện đã đạt 17/19 tiêu chí, còn 2 tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng văn hoá cũng sẽ được hoàn thành trong năm nay. Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn ở Cư M’ga đang phát triển thuận lợi nhờ sự chung sức, đồng lòng của người dân. Hàng trăm hộ gia đình đã không ngần ngại hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công xây dựng giao thông nông thôn. Ông Y Sui, một người dân ở xã Quảng Tiến, cho biết: “Tôi nghĩ đây cũng là quyền lợi của người nông dân, mình hiến đất cho nhà nước làm đường, nhưng mình cũng là người trực tiếp hưởng lợi. Trước đây đường lầy lội, gió bụi, nhưng bây giờ làm đường đi lại sạch sẽ hơn nữa giá trị con đường, gia trị nhà cửa của mình nó tăng lên.”
Với sự chung sức đóng góp của người dân, huyện Cư M’ga đã có trên 171 km đường giao thông liên xã được bê tông hoá, được trải nhựa chiếm tỷ lệ 97%. Trên 196 km đường giao thông liên thôn, buôn và 652 km đường ngõ xóm trong huyện đã được xây dựng khang trang. Kinh tế phát triển, bộ mặt nông thôn được cải thiện cũng góp phần nâng cao đời sống văn hóa, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, các lễ hội truyền thống của bà con các dân tộc. Đây là động lực quan trọng để các xã trong huyện Cư M’ga hoàn thiện các tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./.