Xuân về trên cánh đồng công nghệ cao dưới chân núi Langbiang

(VOV5) - Cao nguyên Lang Biang không chỉ nổi tiếng là một địa danh du lịch nổi tiếng mà nơi đây còn được biết đến với mô hình nông nghiệp công nghệ cao và là hình mẫu về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lâm Đồng. Nhờ áp dụng những công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi đây không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày.


Nghe nội dung chi tiết tại đây
:



Xuân về trên cánh đồng công nghệ cao dưới chân núi Langbiang - ảnh 1
Ảnh: trangvangnongnghiep.vn


Nhìn căn nhà mới khang trang, đầy đủ tiện nghi của ông Cill Nôm, dân tộc K’Ho ở buôn Bon Đưng 1, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), khó có thể tin rằng 7 năm về trước gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Ông Cill Nôm kể: 1ha lúa nước một vụ/năm lúc bấy giờ không thể đảm bảo cuộc sống gia đình. Nhờ chính quyền địa phương giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển giao kỹ thuật canh tác luân canh theo hướng công nghệ cao, gia đình chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang trồng rau, hoa các loại… Từ đó, bình quân mỗi năm gia đình ông Cill Nôm thu nhập 300 triệu đồng. Riêng trong 2 năm qua, nhờ đầu tư được hệ thống tưới phun tự động, cộng với 500m2 nhà kính sản xuất các loại hoa chất lượng cao, mức thu nhập của gia đình đã được nâng lên tới 500 triệu đồng/năm. Ông Cill Nôm phấn khởi cho biết:Trước thì làm ruộng một năm có một vụ, tình trạng thiếu đói vài tháng là thường xuyên, phải liên tục đi làm thuê làm mướn. Từ khi chuyển diện tích này sang trồng rau, hoa các loại thì tình trạng thiếu ăn đã không còn. Thu nhập tăng lên cao, có tiền mua sắm đầy đủ các vật dụng trong nhà, cả các phương tiện đi lại nữa. Giờ đời sống kinh tế đã phát triển đi lên rất nhiều so với trước. Gia đình tổ chức đón Tết đầy đủ như nhiều bà con khác ở trong buôn.

Không chỉ làm chủ công nghệ sản xuất theo phương thức hiện đại để đạt sản lượng, chất lượng cao, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương còn đổi mới phương thức canh tác theo mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đi đầu trong sự nhạy bén này là ông Păng Ting Sin, ở thôn Đan Kia, thị trấn Lạc Dương. Sau khi ký kết hợp đồng với đầu mối tiêu thụ sản phẩm hoa, ông Păng Ting Sin chuyển 5/8 sào sản xuất rau xanh của gia đình sang trồng hoa hồng. Với giá thu mua ổn định theo cam kết là 1.000 đồng/bông, hiện bình quân mỗi tháng gia đình ông thu lãi hơn 50 triệu đồng. Ông Păng Ting Sin cho biết: Mình trồng hoa thì khó khăn hơn ở chỗ là số tiền vốn đầu tư nhiều hơn so với canh tác cây rau, từ đó đòi hỏi mình phải có kiến thức về kỹ thuật nhiều hơn, túc là mình phải áp dụng kỹ thuật công nghệ cao hơn. Vấn đề thứ hai nữa là so về đầu ra sản phẩm thì cây rau còn khá bấp bênh, thu nhập cũng thấp hơn so với trồng hoa.

Đến nay, đã có 70% trên tổng số 1.500ha đất sản xuất nông nghiệp của thị trấn Lạc Dương đã được nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trong đó phần lớn là sản xuất rau xanh, hoa, dâu tây và Atisô, với sản lượng và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Theo ông Nguyễn Duy Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, những kết quả bước đầu cho thấy sự chuyển biến nhận thức trong cách nghĩ, cách làm của bà con người đồng bào dân tộc thiểu số đã có thay đổi tích cực. Trong thời gian tới, địa phương sẽ có những chính sách cụ thể để chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao lan tỏa trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương. Ông Nguyễn Duy Hải cho biết: Hiện nay địa phương đã có những mô hình khá rõ ràng, cho thu nhập tương đối và làm thay đổi cuộc sống của người dân tộc thiểu số ở đây. Trước hết là trồng rau theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và trồng hoa hồng, các loại hoa khác nữa đã triển khai khá tốt, nhiều mô hình được bà con thực hiện có hiệu quả ở Lạc Dương. Cho nên chúng tôi xác định trong thời gian tới sẽ có những chương trình cụ thể làm sao để nhân rộng các mô hình, điển hình này lên, bởi đối với bà con dân tộc thì vấn đề chuyển đổi giống cây trồng là cả một quá trình. 

Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của người đồng bào dân tộc thiểu số trên cao nguyên Lang Biang đang ngày càng phát huy hiệu quả, đời sống người dân không ngừng nâng cao. Từ đó, công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn sẽ sớm hoàn thành mục tiêu, để mỗi mùa xuân, vùng đất này lại càng thêm ấm no, hạnh phúc./.

 

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác