Cái gương soi thường nhật và giá trị biểu cảm của từ "gương"

(VOV5) - Gương - danh từ chỉ một đồ trang sức dùng để soi vào mặt người khi trang điểm, ai cũng hiểu như thế. Nếu gương chỉ làm chức năng thông thường thông dụng ấy thì danh từ gương chẳng có gì đáng nói.

Có lẽ cũng do cái tiện ích soi vào mặt người giúp con người chỉnh trang làm đẹp cho mình mà từ xa xưa, danh từ gương đã nhanh chóng được cấu tạo thành những câu thành ngữ để nêu cao giá trị tinh thần đạo đức của người Việt. 

Cái gương soi thường nhật và giá trị biểu cảm của từ
Mặt gương Tây Hồ

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Ta có câu "sáng như gương", "gương tầy liếp" (gương to như cái giại cửa), hay như câu ca dao quen thuộc: Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Giá gương ở ngữ cảnh này không phải đồ dùng để soi trang điểm thuần túy mà được coi như biểu tượng cao sang tôn quý khi giá gương được phủ nhiễu điều. Giá gương trong sáng; nhiễu điều đẹp; câu ca dao hàm ý tình người trong một nước với nhau, nghĩa  đồng bào cùng chung giống nòi con Lạc cháu Hồng máu đỏ da vàng, cũng phải được coi trọng  tôn quý như thế.

Không chỉ là biểu tượng, cái gương soi còn được nhà thơ ví như đời người và mở rộng nghĩa là số phận dân tộc, số phận đất nước. Câu thơ " Đời ta gương vỡ lại lành - Cây khô cây lại đâm cành nở hoa" trong bài thơ dài "Ba mươi năm đời ta có Đảng" của nhà thơ Tố Hữu viết năm 1960 thì gương vỡ gương lành trong ngữ cảnh này không phải là cái gương soi thông dụng nữa, mà là một hình ảnh ẩn dụ: dân tộc mất nước đã giành được độc lập tự do, người dân nô lệ cùng khổ đã trở nên công dân của một nước dân chủ cộng hòa. Cũng tương tự như khi ta nói với nhau : "Anh ấy là tấm gương của lòng chung thủy" chẳng hạn thì tấm gương ở đây không phải là mặt kính tráng bạc mà phải được hiểu là tư chất tốt đẹp của một con người về một phương diện tinh thần đạo đức nào đó ,ví như lòng chung thủy trước sau như một "bần tiện bất năng di" - nghèo khó chẳng đổi lòng, thay dạ, chẳng hạn.

Người ta còn thường thấy trong văn học nghệ thuật, nhất là trong thơ và ca từ ca khúc, gương soi được mở rộng nghĩa dùng chỉ mặt nước hồ. Người ta có thể ca ngợi Hồ Gươm, Hồ Tây như tấm gương thiên tạo giữa đất trời thủ đô. Ca dao xưa có câu: Gió đưa cành trúc la đà / Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương / Mịt mù khói tỏa ngàn sương / Nhịp chầy Yên Thái mặt gương Tây Hồ.

Như vậy cũng như nhiều tiếng, nhiều từ khác của ngôn ngữ Việt, gương không chỉ là một danh từ thuần túy chỉ một vật dụng trang điểm thường ngày mà đã được người Việt quen dùng hình tượng để  nói và viết "biểu cảm hóa"  thành như một ẩn dụ, một nghệ thuật tu từ làm phong phú nghĩa của nó trong đời sống thường nhật cũng như trong  văn nghệ./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác