(VOV5) - Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du khi kể - tả về "nỗi tương tư" của chàng Kim Trọng với nàng Kiều, có một câu thơ thật ý nhị: "Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình". Có hai từ chỉ chung một khái niệm… mùi, một gốc Hán - "hương", hai thuần Việt – "mùi". Nghĩa và phạm vi cách dùng hai từ này đôi khi rất khác nhau, tạo nên vẻ tinh tế có phần đặc biệt.
Mùi - từ thuần Việt, theo cách hiểu thông thường là có một làn hơi lan tỏa theo gió đến với khứu giác con người, mang theo một thứ "mùi" nào đó, gây ra cảm giác khoan khoái, thích thú như mùi hoa bưởi vườn xuân, mùi hoa sen đêm hè, hoa nhài khuya khoắt, hoa sữa vào thu…; hoặc gây ra một cảm giác khó ngửi, thậm chí "không thể chịu nổi" như đủ thứ mùi uế khí, tục lụy. Đứng trước danh từ chỉ loài hoa nào đó đặc trưng ở một vùng miền nào chẳng hạn, ví như nhắc "mùi hoa sữa" người Hà Nội nhớ ngay đến hương thơm nồng nàn tỏa bát ngát hồ Thiền Quang - đường Nguyễn Du mỗi độ thu về. Lại ví như ai "đi xa Hà Nội" nhắc tới "mênh mang Tây Hồ" là tưởng như hương sen mùa hè theo gió chiều thơm thoảng đâu đây.
|
Sen nở rực sắc một góc trời. |
Cũng có khi khái niệm "mùi" không chỉ mùi của một vật, một loài nào cụ thể mà là mùi của cả một không gian rộng lớn, trừu tượng. Ai đã từng sống ở làng quê nguyên bản vùng châu thổ sông Hồng ba, bốn thập kỷ trước chẳng hạn, có thể nhận ra "mùi đồng quê" vừa quen vừa lạ, là tổng hòa của đủ thứ mùi cụ thể như hương lúa non, hương lúa chín hay mùi đất ải, hương cây trong vườn, mùi thơm rơm rạ trên đường mùa gặt …". Nàng cùng tôi đi giữa đường thơm"(Huy Cận), đường thơm nên thơ ấy chỉ là mùi rơm và hoa dại! Tất cả hòa hợp thành một thứ "hương quê" trừu tượng, cũng như mùi biển cả có mùi mặn mòi của muối, mùi tanh nồng của bến cá chợ chiều, mùi không gian mênh mông rất khó gọi tên, nhất là trong ngữ cảnh nên thơ nên nhạc "biển một bên và em một bên". Còn có một loại mùi đặc sệt trừu tượng, trừu tượng toàn tòng như "mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ" (cụ Nguyễn Gia Thiều). Mùi tục lụy! Những kẻ sĩ nhân cách cao vời xưa nay thường rất kị cái mùi tưởng trừu tượng vô hình nhưng thực ra lại có thể chỉ mặt đặt tên hữu hình, cụ thể, ám ảnh nhân gian - mùi tục lụy.
Còn từ gốc Hán Việt "hương" cũng có nghĩa là mùi nhưng phạm vi sử sụng hạn hẹp hơn. Nói hương hoa hay mùi hoa cũng được song phần lớn hương chỉ dùng để kể - tả về các mùi thơm thảo sang quý gây mỹ cảm cho người thưởng thức. Ví như người ta nói hương cau, hương bưởi, hương đồng gió nội… chứ ai nói hương… bùn! Ca dao cổ có câu nói về hoa sen "lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng" là loài hoa "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".
Lan man tạp cảm như thế về "hương" với "mùi" để thấy trong "nỗi tương tư" nàng Kiều của chàng Kim đa tình, "Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình", thì hương để chỉ những mùi vừa cụ thể vừa trừu tượng. Có thể đấy là hương hoa trong vườn xuân khi hai người hội ngộ "hữu duyên thiên lý" hay hương thanh tân bao bọc và lan tỏa quanh người thiếu nữ khuê các thời xưa. Còn trừu tượng đến như sự rung động nhớ mong, chờ trông diễn ra tinh tế trong tâm cảm con người thì thơ cổ lai chỉ có thể dùng từ "mùi" thuần Việt để kể - tả. Mùi nhớ, không ai lại đi nói hương nhớ bao giờ! Hương chỉ gây mùi nhớ lạ lùng mà thôi. Ca dao có câu phiếm chỉ "Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ - Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai".
Người mình thường tự hào về sắc độ tinh tế trong ngôn ngữ dân tộc. Đọc thơ Kiều, mỗi khi bắt gặp một câu thơ ví như "Hương gây mùi nhớ…" người viết hay nghĩ lan man và mong được trình làng một trang tạp cảm về chữ - nghĩa./.