Phạm Hoài Nam – một giọng ca rất đời, rất riêng, ấm áp và rất tình. Mới đây khi từ Canada trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, anh đã có một tháng dành trọn vẹn cho âm nhạc, với những show diễn và những dự án lớn nhỏ. Đặc biệt, đêm nhạc riêng mang tên “Những khúc hát để dành” của anh đã thực sự gây thương nhớ. Trên trang cá nhân của người nghệ sỹ đầy ắp những xúc cảm của khán giả đến dự, bởi ở đó họ tìm thấy “tiếng hát quen thuộc sau ngần ấy tháng năm vẫn đong đầy cảm xúc như bao lần”; “một đêm nhạc mà khán giả trải rộng từ 92 tuổi xuống tới 18. Ai cũng nhẹ nhàng lịch sự, giản dị, thân thiết , gần gũi như đã quen biết nhau lâu lắm rồi... Đó không chỉ là đêm nhạc, mà là đêm của tỉnh yêu, đêm của mối liên kết gia đình bạn bè, đêm của các giá trị thật, của sự tôn trọng quý mến!”.
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
BTV Bảo Trang: Khi trở về TP Hồ Chí Minh để tham gia dự án âm nhạc mới “Những khúc hát để dành”, anh nói rằng một tháng chỉ dành cho âm nhạc, đời thật đẹp...?
Anh Phạm Hoài Nam: Đêm nhạc “Những khúc hát để dành” thực ra không phải dự án mới mà Phạm Hoài Nam đã ấp ủ trong vòng 4 năm không có hoạt động âm nhạc tại VN. Những album không thể ra mắt vì covid, những bản nhạc chưa bao giờ được trình diễn. Và đó là điều mà Phạm Hoài Nam nghĩ mình cần phải làm sau 4 năm xchowf đợi đó. Sau 1 tháng ở VN, ngoài đêm nhạc “Những khúc hát để dành”, tôi có tham gia thêm 2 dự án về âm nhạc, đó là thu âm 4 ca khúc cho album “Lụa – 10 năm” của nhạc sĩ Quốc Bảo, và hoàn thành 2 album cá nhân còn chưa thu âm xong. Một trong 2 album đó là album những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phối trên nền jazz cho nghệ sĩ trẻ Thái Lạc hòa âm và sản xuất, cũng đã kịp thu trong 1 tháng đó. Ngoài ra còn 2 bài hát phải thu nốt cho album cá nhân riêng mang tên “Luân vũ số 2” – gồm những bài valse. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thể ra mắt.
Được hát những bài hát mình yêu thích, được sống trong không khí âm nhạc, được biểu diễn cho những người yêu quý mình thì với một người yêu ca hát như Phạm Hoài Nam – đó là niềm hạnh phúc vô bờ.
BTV Bảo Trang: Trong đêm nhạc đó, anh nói rằng anh yêu ca hát và muốn trở thành ca sĩ từ thời trẻ. Vì sao anh đi tới “một vòng trái đất” và khoảng cách 20 năm về thời gian làm nhiếp ảnh gia, mới đến với âm nhạc?
Anh Phạm Hoài Nam: Tại sao phải đi đến 20 năm mới quay lại điểm khởi đầu. Câu hỏi hay thật đấy! Ngay cả cá nhân tôi cũng không có cách nào lý giải cho rõ ràng được. Có lẽ là thế này: Khi mới đầu hát thì tôi chú trọng giọng hát nhiều hơn, phải đi học hát rồi mới hát, và hát thì phải đúng kỹ thuật. Khi hát đúng kỹ thuật, tôi tự thấy dở và chưa đủ hay. Vì thế tôi tự dừng lại, để sống, để có thêm nhiều kinh nghiệm sống và nuôi dưỡng tình cảm bên trong của mình. Và đến một ngày của 20 năm sau, tôi thấy tình cảm nuôi dưỡng trong mình đã đủ lớn, tinh thần đã đủ tốt, và tôi hát lại. Tôi tự thấy yêu tiếng hát của mình. Không chỉ thế, nhiều người khác cũng yêu tiếng hát ấy – điều đó cũng hay đấy chứ!
BTV Bảo Trang: Ban đầu, khán giả nghe Phạm Hoài Nam hát tình khúc của Quốc Bảo, Đỗ Bảo, Việt Anh, Đức Trí… Nhưng gần đây, anh có góp giọng trong sản phẩm âm nhạc của ca sĩ tuổi teen, nhạc sĩ trẻ. Có phải Phạm Hoài Nam đang muốn 'trẻ hoá' giọng ca mình?
Anh Phạm Hoài Nam: Nói như vậy nghĩa là mọi người đã không nghe Phạm Hoài Nam theo trình tự âm nhạc Phạm Hoài Nam rồi. Ngay từ thời điểm khởi đầu, Phạm Hoài Nam đã không chỉ hát Quốc Bảo, Đức Trí, Việt Anh... đâu, mà Phạm Hoài Nam đã hát Châu Đăng Khoa, Kai Đinh, Phạm Hồng Phước... Khi mới bắt đầu hát, tôi cũng không nghĩ là mình sẽ tham gia thị trường âm nhạc đâu, nên tôi thường chọn những bài hát có câu chuyện của mình trong đó, có nỗi niềm của mình trong đó. Phạm Hoài Nam thấy trong thời điểm hiện tại, âm nhạc Việt Nam có nhiều dòng âm nhạc khác nhau, và nếu biết cách chọn lựa thì những người ở cùng độ tuổi của Phạm Hoài Nam cũng có thể nghe được âm nhạc của những bạn trẻ, vì âm nhạc của họ cũng khá sâu sắc và phù hợp với nhịp sống và cách suy nghĩ của những người lớn tuổi như Phạm Hoài Nam. Tôi nghĩ rằng có lẽ cách hát của mình là gạch nối giữa các thế hệ với nhau, cái gạch nối để những người lớn hơn hiểu được những tâm hồn trẻ hiện tại họ đang sống như thế nào, đang suy nghĩ gì, từ đó tìm được tiếng nói chung giữa các thế hệ.
BTV Bảo Trang: Việc hát, thu âm, biểu diễn trong những đêm nhạc ban đầu chỉ là sở thích cá nhân của anh. Nhưng anh nghĩ như thế nào khi mình còn được đón nhận và giọng ca Phạm Hoài Nam được nhiều người yêu thích?
Anh Phạm Hoài Nam: Việc được nhiều người đón nhận nằm ngoài suy nghĩ của Phạm Hoài Nam khi bắt đầu ca hát. Nó làm cho mình vui vì những suy nghĩ của mình, những tình cảm của mình, những thông điệp mình muốn gửi gắm trong lời hát được chia sẻ, được đón nhận. Thật ra điều này đến cũng chậm. Phạm Hoài Nam còn nhớ là bài hát đầu tiên tôi thu như Có lúc, Vội vàng, Chưa bao giờ... thì phải đến 2 năm sau mới được mọi người nghe nhiều, và đến bây giờ vẫn được tìm nghe – sau 9 năm Phạm Hoài Nam “quăng mình” vào cuộc chơi hát hò này. Tôi vẫn nghĩ rằng mọi thứ đến với mình chậm nhưng chắc, và những người đã nghe Phạm Hoài Nam được thì sẽ ở đây với Phạm Hoài Nam lâu hơn. Nó cũng là một kiểu khác của việc chia sẻ tình cảm. Nổi tiếng hay không thực ra không quan trọng. Quan trọng là mình có được người chia sẻ, và chung thủy với sự chia sẻ đó. Tôi nghĩ rằng mình đang được nhiều hơn.
BTV Bảo Trang: Không còn trẻ trung như nhiều ca sĩ khác, quay lại đam mê ca hát ở độ tuổi này, dù không còn lợi thế trẻ trung, nhưng anh có thấy mình cũng là một người đặc biệt và có nhiều thế mạnh mà người khác không có?
Anh Phạm Hoài Nam: Gì chứ là một “ca đặc biệt” là chắc chắn rồi! Ai lại một người mặt mũi không còn trẻ lắm mà hát “người yêu cũ có người yêu mới”, rồi “muốn được yêu ai đó cả cuộc đời”, rồi “tinh cầu cô đơn”... những thứ đấy lạ lắm so với độ tuổi. Nhưng tôi nghĩ là mình đang khai thác một góc độ khác của âm nhạc. Ví dụ như những người cùng độ tuổi sẽ hát Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, nhưng tôi lại tìm những bài hát mới để khai phá ra chiều sâu trong âm nhạc của các bạn trẻ, và dùng nó để biểu cảm cảm xúc bên trong của con người ở độ tuổi này – đó là cách làm riêng biệt và rất khác. Sự khác biệt đó lúc đầu có lẽ sẽ có người không thích, nhưng khi đã hiểu được, cảm nhận được câu chuyện thì chắc là mọi người sẽ còn nghe tiếp tục. Bằng chứng là trong những đêm nhạc tôi tham gia thì những bài hát được yêu cầu vẫn là “Người yêu cũ có người yêu mới”, “Đời có bao nhiêu ngày vui”... Đó là điều mà người ca sĩ nào cũng tìm kiếm!
BTV Bảo Trang: Hiện anh có tới 23 album rồi – gia tài khá lớn đối với những ca sĩ. Trong thời gian tới anh có dự định gì cho âm nhạc của mình hay có mong ước gì?
Anh Phạm Hoài Nam: 23 là con số để dành cho chính người sưu tập, tức là bao gồm cả những album Phạm Hoài Nam thu âm cho nhạc sĩ, những album thu âm với người khác, để cho những người thích Phạm Hoài Nam có thể tìm thấy Phạm Hoài Nam ở đó. 23 là những thứ mà Phạm Hoài Nam đã tham gia thì đúng hơn. Còn album riêng thì trong vòng gần 9 năm ca hát thì tôi cũng mới có 9 thôi (kể cả những album mới ra mắt). Nhưng 9 cũng là con số khá lớn đối với một người hát không chuyên phải không?! Cho đến giờ này nhìn lại, tôi thấy mình đủ. Tôi không nuối tiếc gì vì đã làm hết những gì có thể cho âm nhạc trong 9 album đấy. Còn những điều mơ ước dành cho âm nhạc thì nhiều lắm. Ví dụ như ước có show mời về Việt Nam hát để vợ cho vể, và có lý do để về Việt Nam hát một cách chính thức. Hay là có những dự định âm nhạc cho cá nhân khá nhiều, nhưng cũng không dám nói trước, sợ bước không qua (cười).
BTV Bảo Trang: Vâng xin cảm ơn "ca nhân" Phạm Hoài Nam về những chia sẻ của anh!