(VOV5) - Tôi là một người lính trong quân đội, đã thấm nhuần những tư tưởng và ý chí của những người lính.
Những ngày tháng 7 này, khắp nơi trên cả nước đang có nhiều chương trình, hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày thương bình liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2024). Hòa chung vào rất nhiều sự kiện có ý nghĩa, tri ân những người đã ngã xuống vì dân tộc, cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, ca sỹ - nhạc sỹ Phan Anh Vũ – Nhà hát chèo quân đội gửi tặng chương trình chùm 3 ca khúc mà anh đã viết bằng tất cả sự biết ơn, tri ân của mình.
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
“Về thôi mẹ ơi” là ca khúc tôi vừa hoàn thiện, dù đã viết cách đây 6 năm. Thế nhưng mỗi khi vào phòng thu và thu âm ca khúc này, những cảm xúc dâng lên khiến tôi trào nước mắt. Ý thơ của Ngô Xuân Khang nói về câu chuyện một người mẹ già đến thăm con nằm ở nghĩa trang Trường Sơn, và từ dưới nấm mộ, linh hồn người chiến sỹ hát cho mẹ nghe. Ngay cả bây giờ khi ngồi ở đây nói về ca khúc, tôi cũng thấy rất xúc động. “Về thôi mẹ ơi, đường xa lắm mẹ ơi...”. Khi quý vị nghe thì chắc hẳn cũng sẽ hiểu được tại sao tôi không hát được. Cho đến vừa rồi, tôi đã phải thật kìm nén sự xúc động và hoàn thiện bản ghi âm bài hát này.
Ca sĩ, nhạc sĩ Phan Anh Vũ |
Tôi là một người lính trong quân đội, đã thấm nhuần những tư tưởng và ý chí của những người lính. Tuy nhiên để viết một tác phẩm bộc lộ tâm can mình, viết về sự hi sinh của người lính thì một người còn trẻ có lẽ sẽ không viết được. Khi đọc được ý thơ của Ngô Xuân Khang, tôi thấy câu chuyện trong đó khá lạ, dường như trước kia chưa ai viết về một linh hồn liệt sỹ hát cho mẹ cả. Tôi cũng có người cậu ruột đã hi sinh, nên tôi cũng rất đồng cảm với ca khúc này – như là mình viết cho cậu mình vậy.
Những ca khúc tôi viết về đề tài cách mạng luôn có thông điệp rõ. Ví dụ như bài “Về thôi mẹ ơi” tôi muốn nhắn nhủ thế hệ trẻ luôn phải nhớ tới sự hi sinh của cha ông đi trước, để chúng ta được sống trong đất nước Việt Nam yên bình. Không được lãng quên lịch sử, lãng quên những gì cha ông để lại cho chúng ta.
“Xin các anh yên lòng” tôi viết khi một hôm đọc được tin về sự hy sinh của các anh công an khi đang làm nhiệm vụ ở Tây Nguyên. Tôi là bộ đội, còn các anh là công an – chúng tôi cùng trong lực lượng vũ trang nên có lẽ vì thế mà sự đồng cảm rất lớn. Tôi muốn nhắn gửi tới các bạn trẻ, nhất là những bạn đang công tác trong ngành công an về những chiến công quả cảm của các anh: “Xin các anh hãy yên lòng, đã có chúng tôi - những người ở lại sẽ làm nốt nhiệm vụ cao cả là gìn giữ sự bình yên cho nhân dân, cho đất nước”.
Ca khúc “Những bước chân lịch sử” là tác phẩm mới nhất của tôi, trong đó viết về những bước chân của những người lính xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước “đi đến đâu rừng lá thay màu – màu xanh hòa bình, chân lý sáng soi”. Đó là những bước chân giải phóng, dựa trên chân lý của Đảng để thống nhất non sông.