(VOV5) - Khi đưa các ca khúc này ra với công chúng, tôi muốn bày tỏ tình cảm của mình để tri ân đến các anh hùng liệt sỹ...
Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Hồng được người dân Thái Hòa, Nghĩa Đàn Nghệ An gọi là nghệ nhân hát dân ca hay nhất miền Tây xứ Nghệ. Đam mê những làn điệu dân ca của quê hương, nghệ nhân Trần Văn Hồng vừa hát, vừa truyền dạy cho biết bao thế hệ những điệu hò, ví giặm… Anh cũng là người đã soạn lời cho nhiều làn điệu dân ca, và gần đây anh đã sáng tác những ca khúc mang nặng tình quê, tình người…
Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Hồng |
Chương trình giới thiệu một số ca khúc của nghệ nhân Trần Văn Hồng, viết về sự hy sinh của những người chiến sĩ đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc và những nỗi đau còn ở lại…
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
BTV: Xin chào nghệ nhân ưu tú Trần Văn Hồng. Anh là một người hát dân ca, sau này lại bắt tay vào sáng tác. Những giai điệu đã đến với anh từ bao giờ?
NNƯT Trần Văn Hồng: Năm 2008 thị xã Thái Hòa nơi tôi sinh ra và lớn lên được chia tách từ huyện Nghĩa Đàn, lúc bấy giờ Thái hòa là đơn vị hành chính mới các ca khúc trước đây thì đều viết về Nghĩa Đàn còn Thái Hòa thì không có. Vì vậy, là người làm công tác trong ngành văn hóa tôi suy nghĩ mình phải viết một ca khúc về Thái Hòa, trước hết để cho mọi người có thể hiểu về mạnh đất và con người Thái hòa như thế nào. Rất nhanh chóng, ca khúc này đã thẩm thấu và lan tỏa khắp bản làng khối xóm và được người dân quê tôi xem như bài Thị xã ca.
BTV: Được biết ca khúc Nỗi nhớ xa quê là một trong những sáng tác mới nhất của anh, viết về đề tài tri ân các anh hùng liệt sĩ. Anh đã sáng tác ca khúc này như thế nào?
NNƯT Trần Văn Hồng: Bài hát Nỗi nhớ xa quê là một câu chuyện có thật, khi tôi được nghe mẹ vợ của tôi là bà Lê Thị Điềm kể lại rằng chồng bà là Ông Lê Đức Soạn ra chiến trường thì bà ở nhà nuôi 2 con nhỏ, cuộc sống cuộc sống rất vất vả trong thời ký chiến tranh. Những người con của bà chỉ biết mặt cha qua lời ru của mẹ, giai đoạn đó cũng có hàng ngàn gia đình giống như vậy - nuôi con, mòn mỏi chờ chồng nhưng không thấy chồng trở về. Khi nghe mẹ kể tôi đã khóc và trong lòng tôi ấp ủ viết ca khúc về đề tài này. Ca khúc Nỗi nhớ xa quê tôi viết xong vừa tròn 4 tháng, khi tôi viết xong ca khúc này lúc đó là 4h chiều tôi đang đi làm và tôi chạy về gọi "mẹ ơi, con đã viết xong ca khúc Nỗi nhớ xa quê rồi..." Tôi và bà đã khóc khi tôi cất tiếng hát. Tôi đặt tên bài hát là Nỗi nhớ xa quê vì nhân vật đứa con chỉ biết mặt ba qua lời ru của mẹ đó là chị Lê Thị Thanh Giang, con của liệt sỹ Lê Đức Soạn, hiện đang sinh sống tại Cộng hòa Sec. Đây là món quà tri ân đến các anh hùng liệt sỹ và các người mẹ đã mòn mọi chờ chồng chờ con nhưng chẳng thấy ai trở về.
BTV: Anh cũng có một ca khúc nữa, với tựa đề Truông Bồn tên em đó. Địa danh Truông Bồn đã có nhiều người viết, với những cảm xúc rất thật, và rất thiêng liêng. Khi viết ca khúc này, anh có lý do nào đặc biệt không?
NNƯT Trần Văn Hồng: Địa danh Truông Bồn được ví như một huyền thoại. Nơi đây 13 chiến sỹ TNXP của đại đội 317 đã ngã xuống trong đó có 11 cô gái không tiếc tuổi thanh xuân của mình, anh dũng hy sinh và cũng được rất nhiều nhạc sỹ viết về họ. Có một lần tôi được nghe câu chuyện có một cô gái tuổi tròn đôi mươi viết thư về cho gia đình nhưng chưa kịp gửi thì đã hy sinh, chỉ nghe đến đó thôi, lòng tôi như nghẹn lại, cảm xúc trong tôi dâng trào nên tôi đã viết lên ca khúc này.
BTV: Ca khúc viết về đề tài thương binh liệt sĩ là một mảng đề tài mang đến nhiều cảm xúc cho cả người sáng tác và người thưởng thức. Anh đã viết những ca khúc này với mong muốn gì lớn nhất?
NNƯT Trần Văn Hồng: Khi đưa các ca khúc này ra với công chúng, tôi muốn bày tỏ tình cảm của mình để tri ân đến các anh hùng liệt sỹ, tri ân đến các gia đình chính sách, những người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh chị thương bệnh binh, mong rằng thông qua các ca khúc của tôi sẽ là món quà tinh thần và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, cũng là dip để thế hệ trẻ ôn lại lịch sử truyền thống đấu tranh anh dũng bất khuất kiên cường của biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống cho quê hương đất nước...