(VOV5) - Thú thật, tôi không dám nhận mình là nhà thơ. Tôi chỉ là một người rất yêu thơ và với tôi, thơ là một giải pháp cho sự tĩnh lặng tâm hồn...
Nguyễn Hoàng Yến là một giọng thơ đặc biệt - nữ tính và đầy cảm xúc. Nhiều bài thơ của chị đã được chắp cánh bởi những giai điệu, trở nên bay bổng và gần gũi hơn với những tâm hồn yêu nghệ thuật. Và mới đây, bài thơ “Áo dài Việt Nam” của chị đã được nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện phổ nhạc thành ca khúc “Duyên dáng Việt Nam ơi”, với chất liệu âm nhạc mới mẻ, trẻ trung, tựa như sự cách tân với chiếc áo dài truyền thống bằng âm nhạc – một món quà đặc biệt đúng vào dịp Quốc tế Phụ nữ mùng 8/3 và Tuần lễ Áo dài Việt Nam.
Tác giả Hoàng Yến (bên phải) và BTV Bảo Trang trong phòng thu của VOV5 |
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
BTV Bảo Trang: Duyên dáng Việt Nam ơi là ca khúc được nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện phổ từ bài thơ Áo dài Việt Nam của nhà thơ Hoàng Yến. Có lẽ đây cũng là một tác phẩm thơ được phổ nhạc mới nhất của chị phải không?
Chị Hoàng Yến: Vâng. Duyên dáng Việt Nam ơi là một trong hai ca khúc mới được nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện phổ nhạc từ bài thơ: Áo dài Việt Nam. Mình đã viết bài thơ này dành tặng Câu lạc bộ di sản Áo dài Việt Nam nhân dịp thành lập và ra mắt Câu lạc bộ dịp Tết Quý Mão. Thực ra thì mình rất yêu áo dài và vì yêu nên mình đã gửi tình yêu vào thơ và mong muốn sẽ góp phần lan tỏa hơn nữa tình yêu này. Sau khi mình chia sẻ với nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, ông đã rất thích bài thơ và ông nói rằng ông sẽ phổ nhạc ngay. Thật bất ngờ là nhạc sĩ đã phổ thành hai phiên bản khác nhau hoàn toàn. Ông cho biết bản nhạc Áo dài Việt Nam được ông giữ nguyên toàn bộ 5 khổ thơ và phổ theo nhịp trống chầu hào hùng cho lễ hội truyền thống. Bài hát Áo dài Việt Nam được ông dành tặng Câu lạc bộ Áo dài Việt Nam. Còn bài hát Duyên dáng Việt Nam ơi là một phiên bản R&B tươi trẻ và hiện đại. Ông sử dụng 4 khổ trong bài thơ và mong muốn đây sẽ là bài hát gần gũi với giới trẻ. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, bài hát viết về đề tài chiếc áo dài thì đã có rất nhiều bài hay của các nhạc sĩ trước đó rồi. Nhưng đó là những tà áo dài nền nã trên nền nhạc truyền thống. Còn theo trào lưu quốc tế, trên sàn catwalk, vẫn tà áo dài ấy nó được biến tấu rất đẹp, hợp với thị hiếu và thời đại bây giờ. Nên nhạc sĩ nghĩ phải có một chất liệu âm nhạc mới mẻ, trẻ trung hơn, phù hợp với bước catwalk áo dài trên sân khấu trình diễn áo dài hiện đại.
Tôi rất vui khi nhạc sĩ ra mắt sáng tác về áo dài của ông đúng dịp 8/3, tuần lễ áo dài Việt Nam như một quà tặng đặc biệt gửi tặng phái đẹp.
BTV Bảo Trang: Chị có nhớ bài thơ đầu tiên của mình được nhạc sĩ đồng cảm và thổi hồn bằng âm nhạc?
Chị Hoàng Yến: Đây là một kỷ niệm vô cùng sâu sắc với tôi. Đó là một bài thơ về đề tài chống dịch Covid - 19 trong những tháng ngày lịch sử cả nước, đặc biệt là TP.HCM đang phải trải qua giai đoạn khốc liệt. Bài thơ này có tên là “Con sẽ về”, được tôi lấy nguyên mẫu nhân vật trong bài là một người bạn của tôi, một bác sĩ đi chi viện TP.HCM. Thực ra thì thương lắm. Trước khi vào TP.HCM, người bạn của tôi đã phải xa gia đình, ở trong viện Quân y 103 1 tháng trời chưa về nhà. Bất chợt hôm đó là thứ 7, tôi có gọi điện hỏi thăm, người bạn nói là ngày mai tớ đi TP.HCM rồi mà chưa được về nhà. Bạn tôi có mẹ già, hai con nhỏ. Bạn tôi bảo tớ không cho vợ tớ nói với mẹ tớ. Tớ sợ mẹ tớ sẽ khóc. Sau này, vợ bạn ấy có nói với tôi là em khóc lắm chị ạ. Bài thơ đã được nhạc sỹ Vũ Quốc Nam phổ nhạc, giữ nguyên tên gốc và nhạc sỹ Trịnh Xuân Hảo phổ nhạc, lấy tên là Hẹn ngày chiến thắng. Bài hát cũng đã được ca sỹ, NSƯT Đăng Dương thể hiện rất đẹp và xúc động.
Tác giả thơ Hoàng Yến |
BTV Bảo Trang: Có thể thấy rằng với Hoàng Yến thì mỗi ca khúc phổ thơ đều mang tới những điều bất ngờ thú vị!
Chị Hoàng Yến: Trong cuộc sống hàng ngày, có những lúc, tôi vẫn nổi hứng đăng thơ lên facebook. Và cũng thật tình cờ, từ facebook, tôi đã gặp những người bạn, những nhạc sĩ, những nhà thơ và những con người rất thú vị khác. Trong số đó, có một nhạc sĩ cũng không phải là chuyên nghiệp, chỉ là vì say mê mà sáng tác, giống như tôi. Thú thật, tôi không dám nhận mình là nhà thơ. Tôi chỉ là một người rất yêu thơ và với tôi, thơ là một giải pháp cho sự tĩnh lặng tâm hồn, là nơi tôi ghi chép, cất giấu những cảm xúc sau một ngày làm việc. Tôi muốn nhắc tới nhạc sĩ Vũ Công Minh, một Việt kiều đang định cư tại Đức. Do đặc thù công việc, tôi đa số quanh quẩn ở Hà Nội, Hà Nội là cả một trời thương nhớ nên tôi hay viết về Hà Nội. Nhạc sĩ Vũ Công Minh đã phổ nhạc tặng tôi bài hát Hà Nội nhớ em. Đây cũng là một ca khúc trữ tình da diết nhớ thương về Hà Nội của nhạc sĩ Vũ Công Minh qua phần trình bày của nữ ca sĩ Sao Mai. Tôi đã rất xúc động khi nhận được MV ca khúc Hà Nội nhớ em của nhạc sĩ Vũ Công Minh và rất cảm ơn anh đã dành cảm xúc cho thơ của tôi.
BTV Bảo Trang: Khi đọc thơ của Hoàng Yến, tôi thấy những câu thơ thật nữ tính và giàu cảm xúc. Và lẽ thường thì người ta thường nói là âm nhạc chắp cánh cho thơ. Chị có thấy vậy không?
Chị Hoàng Yến: Vâng. Chắc chắn rồi. Tôi gần như không biết gì về âm nhạc. Tôi vẫn nói đùa là tôi mù âm nhạc. Nhưng tôi là người yêu âm nhạc. Âm nhạc được tôi coi là một món ăn tâm hồn trong cuộc sống hàng ngày. Thật vui khi những bài thơ của tôi đã được các nhạc sĩ đồng cảm và thổi hồn vào các ca khúc. Nhờ có âm nhạc, lời thơ mới được cất cánh, bay bổng và tới gần hơn với khán thính giả, độc giả. Mỗi nhạc sĩ lại mang đến cho bài thơ một giai điệu khác nhau theo cảm xúc và cá tính của từng cá nhân. Ca từ không phải tự nhiên mà trở nên vấn vít, giao hòa với nhạc. Đó phải là khi hồn thơ và âm nhạc của người nhạc sĩ được quyện vào làm một. Nhạc dìu thơ cất cánh lên. Thơ cùng nhạc thăng hoa. Là tôi cứ mạo muội nghĩ thế. Qua đây, tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn các nhạc sĩ đã dành tình cảm cho những bài thơ của tôi. Những nhạc sĩ như nhạc sĩ Giao Tiên, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, nhạc sĩ Lê Trung Tín, Nguyễn Tiến Mạnh, Vũ Quốc Nam, Võ Xuân Hùng, Phạm Quang Dụ, Kiều Tấn Minh… Tôi xin được cảm ơn và chúc các nhạc sĩ thật nhiều sức khỏe và thêm nhiều sáng tác tuyệt vời cho cuộc đời này.
BTV Bảo Trang: Đến bây giờ, chị đã có trong tay bao nhiêu bài thơ được phổ nhạc? Và nếu để nói tác phẩm nào để lại nhiều ấn tượng nhất, thì chị có thể nói với ca khúc nào?
Chị Hoàng Yến: Thực ra thì tôi chẳng bao giờ đếm xem mình đã có bao nhiêu tác phẩm. Mỗi ca khúc là một mạch nguồn cảm xúc, một câu chuyện riêng. Tôi trân trọng từng tác phẩm đã được các nhạc sĩ phổ nhạc. Tôi rất vui khi có dịp được hàn huyên với Bảo Trang và gặp gỡ khán thính giả của Giai điệu quê hương. Cũng rất tình cờ, tôi vừa thấy nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đăng trên facebook của ông ca khúc ông vừa phổ nhạc của tôi mang tên Phố Vắng. Bài thơ được ông phổ nhạc vào những giờ phút cuối cùng của ngày 30 Tết Quý Mão và đã được hoàn thiện để ra mắt dịp 8/3 như một món quà nữa ông gửi tặng một nửa thế giới. Ông đã viết thế này: “Mừng ngày 8/3 bằng một bài hát phổ thơ Nguyễn Hoàng Yến để thấy sự quan trọng của nửa nhân loại: vắng phụ nữ là mùa Đông sẽ ngự trị mãi mãi”.
BTV Bảo Trang: Vâng, xin cảm ơn Hoàng Yến, và rất mong sẽ sớm được thưởng thức những ca khúc tiếp theo được các nhạc sĩ phổ từ thơ của chị!