(VOV5) - Tôi nghĩ rằng nhạc Trịnh đủ tầm vóc để được các nhà nghiên cứu khai thác, và một ngày nào đó tôi tin rằng âm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ có giải Nobel hòa bình.
Nguyễn Hữu Thái Hòa, Việt kiều ở Canada, hiện là một trong những chuyên gia chiến lược hàng đầu Việt Nam. Được nhắc tới như là một doanh nhân tài giỏi và thành đạt, anh còn nổi tiếng là người hát nhạc Trịnh đầy chất du ca, lãng đãng. Anh chia sẻ: “Điều mà tôi cố gắng thể hiện trong từng ca khúc, từng kỷ niệm với nhạc Trịnh chỉ đơn giản là tình yêu nồng nàn đối với cuộc sống này. Để qua từng lời ca tiếng hát có thể tôn vinh những giá trị nghệ thuật và tính nhân văn của người nhạc sĩ mà mình yêu quý”.
Nguyễn Hữu Thái Hòa và ca sĩ Hồng Hạnh
|
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
"Tôi bắt đầu ngấm nhạc Trịnh từ những năm tháng trong bụng mẹ. Khi ấy mẹ tôi ở Đại học Văn khoa, đã từng đi chăng biểu ngữ và tổ chức những đêm nhạc của Trịnh Công Sơn, cả trước khi biết Khánh Ly. Âm nhạc Trịnh Công Sơn đã thấm vào cuộc sống của tôi từ bé qua những lời ru của mẹ và những bài hát trong giai đoạn sau năm 1975. Bố mẹ tôi là những trí thức trong Hội trí thức yêu nước, cùng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tham gia những chương trình hát ca khúc chính trị. Từ đó, nhạc Trịnh đã đi vào cuộc sống một cách nhẹ nhàng, và sau khi lớn lên, hiểu biết và nghiên cứu về Trị Công Sơn, thì âm nhạc Trịnh Công Sơn đã trở thành người bạn đồng hành với tôi trong cuộc sống hôm nay"...
Đêm nhạc Này em có nhớ sẽ diễn ra ngày 28/4 tới tại phòng trà We, Thành phố Hồ Chí Minh
|
"Với những tác phẩm của Trịnh Công Sơn, sau nhiều năm lập thư viện, đi đúc kết từng bài viết và những nghiên cứu về Trịnh Công Sơn của rất nhiều bạn bè xung quanh ông, tôi ngộ ra một điều là âm nhạc Trịnh Công Sơn là âm nhạc của đời sống. Âm nhạc Trịnh Công Sơn gần gũi với những doanh nghiệp trách nhiệm xã hội ngày nay. Nó muốn đem sự tinh hoa của nghệ thuật vào âm nhạc, rải đều cho cộng đồng. Đó là lý do 5-7 năm nay tôi không thích tham gia những chương trình hoành tráng nhưng không có giá trị nhân văn. Tôi không ủng hộ những người kể cả là những người thân đang tìm cách thu tiền tác quyền của Trịnh Công Sơn bởi nó đi ngược lại thái độ, cách sống, cách hành xử của Trịnh Công Sơn trong chuyện rải những tinh hoa âm nhạc qua ông đến với cộng đồng. Giấc mơ của tôi với âm nhạc Trịnh Công Sơn rất lớn. Tôi nghĩ rằng nhạc Trịnh đủ tầm vóc để được các nhà nghiên cứu khai thác, và một ngày nào đó tôi tin rằng âm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ có giải Nobel hòa bình. Tôi còn nhớ trong thời chiến tranh, những người bạn của bố mẹ tôi, những vị Tiến sĩ ở Mỹ, sau khi phân tích những bài hát của Trịnh Công Sơn đã từng nói rằng những ca từ trong các bài hát đó có giá trị bằng hàng trăm cuộc biểu tình chống chiến tranh của người Mỹ. Tính tả thực, nỗi đau và tính nhân văn trong những bài hát yêu hòa bình của Trịnh Công Sơn có ý nghĩa rất lớn và nó xứng đáng được đứng ngang với những giải thưởng hòa bình của Hiroshima, Nagasaki và cách mà thế giới yêu hòa bình, chống chiến tranh"...