(VOV5) - Ngọn lửa đam mê dân ca lúc nào cũng rực cháy trong Mai Văn Lạng. Anh luôn mong muốn làm tốt hơn công việc của mình để tiếp tục giữ được mạch đập của âm nhạc truyền thống trong cuộc sống hiện đại.
Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng, hiện đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), là một trong những người thành công với việc soạn lời mới cho dân ca và chèo. Lời ca do anh soạn giàu chất thơ, mộc mạc, giản dị, dễ thuộc, dễ nhớ nhưng cũng có ý tứ độc đáo, mang tính triết lý nhẹ nhàng. Mới đây, anh đã vinh dự được bình chọn là gương điển hình của Đài TNVN dự Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến năm 2017.
Nhà báo, soạn giả Mai Văn Lạng. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng sinh năm 1973 tại xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Hiện anh là Trưởng phòng Dân ca, Hệ Âm nhạc - Thông tin - Giải trí (VOV3), Đài TNVN. Bà ngoại anh là người rất yêu các loại hình nghệ thuật dân tộc như chèo, hát xẩm, hát văn… Anh sống với bà ngoại từ nhỏ nên những câu hát, lời ru của bà đã vào anh tự lúc nào. Khi ở nhà với bà, bà thường mở radio cho anh nghe những chương trình hát chèo của Đài TNVN, niềm đam mê những giá trị văn hóa trong từng làn điệu chèo thấm đẫm tâm hồn tuổi thơ anh. Được trời phú cho năng khiếu viết văn giỏi, sau khi học xong cấp 3, anh ấp ủ ước mơ trở thành biên kịch và thi đỗ vào trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Từ đó, Mai Văn Lạng vừa học vừa tập viết chèo cũng như học hỏi thêm bạn bè đồng trang lứa. Đến năm 19 tuổi, anh có tác phẩm chèo đầu tiên “Đi giữa rừng ngô” được phát sóng trên Đài TNVN. Đến nay, anh đã có hàng trăm tiết mục được thu thanh, phát sóng trên Đài TNVN, Đài truyền hình Việt Nam, Đài phát thanh truyền hình các tỉnh. Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng cho biết: “Lời cổ của dân ca vô cùng quý nhưng hạn chế về số lượng bài. Để làm phong phú đa dạng, góp phần vào việc bảo tồn dân ca thì phải làm lời mới để nhiều người hát được. Tuy nhiên, khó khăn nhất cho người làm lời mới là làm sao để lời mới dễ hát và đi vào lòng người. Lời mới phải thật hay, không kém gì lời cổ chứ nếu mà lời mới cứ viết theo làn điệu thì ai cũng làm được. Tôi cố gắng tìm tòi, học hỏi để làm sao lời mới của mình phù hợp với cuộc sống mới, con người mới nhưng vẫn phải giữ được nếp cổ, lề lối cổ.”
Là biên tập viên của Hệ Âm nhạc - Thông tin - Giải trí (VOV3), Đài TNVN, chính nghề báo đã giúp Mai Văn Lạng có cơ hội đến mọi miền quê của Tổ Quốc để thu thanh các làn điệu dân ca, phỏng vấn các nghệ nhân, nghệ sĩ, sưu tầm các làn điệu dân ca mới lạ. Từ Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang) đến đất mũi Cà Mau, từ những vùng đồng bằng đến những vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh… nơi nào cũng in dấu chân anh. Những chuyến đi đã tích lũy cho anh vốn sống cũng như những kiến thức chuyên môn vững vàng. Mai Văn Lạng am hiểu sâu sắc về các loại hình âm nhạc cũng như các nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Anh chỉ nghe qua bài hát là biết ngay đó là làn điệu gì, xuất xứ như thế nào, nói vanh vách về vùng đất, con người ấy, họ sinh hoạt như thế nào, hát ra sao, hát trong hoàn cảnh nào... Mai Văn Lạng thuộc hàng trăm làn điệu chèo, dăm bảy chục dân ca quan họ Bắc Ninh, mấy chục điệu hát văn, ca trù, tuồng, cải lương, ví dặm Nghệ Tĩnh, ca Huế, các điệu lý dân ca Nam bộ…Anh Mai Văn Lạng chia sẻ: “Dân ca nhạc cổ truyền Việt Nam vô cùng phong phú, độc đáo. Sự đa dạng, phong phú ấy biểu hiện ở từng vùng địa lý. Tôi được Đài TNVN, nơi tôi công tác 22 năm, tạo điều kiện để đi khắp các vùng miền của đất nước để tự học, tự góp vốn kiến thức về dân ca cho mình. Tôi viết lời mới cho dân ca khởi nguồn từ tâm hồn, trái tim mình. Bên cạnh đó, tôi cũng phải có kiến thức văn học thật sâu từ tiềm thức của mình.”
Mai Văn Lạng cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Anh mở trang Blog maivanlang.com và trang Youtube Soạn giả Mai văn Lạng để đăng tải hàng nghìn tiết mục dân ca và nhạc cổ truyền phục đông đảo người yêu dân ca; góp phần quảng bá, gìn giữ dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam. Anh Mai Văn Lạng cho biết thêm: “Mục đích của tôi là không chỉ người lớn tuổi tìm đến dân ca và nhạc cổ truyền mà các bạn trẻ cũng tìm đến. Tôi nghĩ rằng có thêm một người yêu dân ca là một điều quý. Vì vậy, bằng mọi cách từ phát thanh, truyền hình, bài viết, mạng internet…, tất cả đều tạo cho dân ca đến với thính giả, khán giả và dần dần họ hiểu, yêu dân ca.”
Ngọn lửa đam mê dân ca lúc nào cũng rực cháy trong Mai Văn Lạng. Anh luôn mong muốn làm tốt hơn công việc của mình để tiếp tục giữ được mạch đập của âm nhạc truyền thống trong cuộc sống hiện đại.