Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Con đò về chốn an yên

(VOV5) - Người nhạc sĩ tài ba Phó Đức Phương đã góp phần tạo diện mạo cho nền âm nhạc đại chúng mang đậm chất Việt...

Những ngày này, tên tuổi nhạc sĩ Phó Đức Phương xuất hiện nhiều trên những trang báo, trên mạng xã hội với biết bao lời ngợi ca và thương nhớ của bạn bè đồng nghiệp, những khán thính giả yêu mến âm nhạc của ông. Với hơn 50 năm tận hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, giờ đây khi đã ra đi về miền thanh thản, những sác tác của ông vẫn còn đó sức sống mãnh liệt, lưu truyền đến thế hệ sau. Chảy đi sông ơi, Hồ trên núi, Trên đỉnh Phù Vân, Một thoáng Tây Hồ, Huyền thoại hồ núi Cốc, Khúc hát phiêu ly, Về quê, Không thể và có thể... sẽ còn mãi trong lòng khán giả yêu nhạc Việt.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Con đò về chốn an yên - ảnh 1

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

 

Mỗi khi những giai điệu của nhạc phẩm Về quê được vang lên, dù là có ca sĩ thể hiện ca khúc, hay chỉ là một bản nhạc không lời, chắc hẳn ai cũng nhận ra tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Có lẽ không chỉ với Về quê, nhiều ca khúc khác của nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng được người yêu nhạc nhận diện một cách dễ dàng như vậy.

Theo lời nhạc sĩ Cát Vận: "Phó Đức Phương được anh em trong nghề biết tới rất sớm. Ông là nhạc sĩ được công nhận đi theo dòng nhạc dân gian rất đúng hướng. Cả cuộc đời sáng tác âm nhạc của Phó Đức Phương đều đi theo dòng nhạc này. Ông cũng là người có tác phẩm được thu thanh trên Đài TNVN  trẻ nhất trong thế hệ sau chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Khi ấy Phó Đức Phương mới hơn 20 tuổi, và đó là ca khúc Những cô gái quan họ. Đối với chúng tôi, người ở tầm tuổi đó mà có tác phẩm trên Đài thì chúng tôi coi như là một thần tượng vậy".

Giờ đây, khi nhớ về nhạc sĩ Phó Đức Phương, ca sĩ Trọng Tấn nhắc nhiều đến sự kỹ tính và nghiêm khắc của ông - người anh gọi là chú. Anh kể: "Trước mỗi đêm nhạc, chú trực tiếp 'gò' bài cho ca sĩ, ngân nga ca khúc bằng giọng của mình. Tất nhiên, giọng ông không chuẩn, nhưng nhờ đó, chúng tôi cảm nhận được cái hồn của bài hát, hát đúng tinh thần tác phẩm".

Cũng giống như Trọng Tấn, nhiều thế hệ ca sĩ gọi nhạc sĩ Phó Đức Phương là thầy, dù có hát hay thậm chí chưa từng thể hiện ca khúc của ông trên sân khấu.

Ca sĩ Bách Nguyễn chia sẻ: "Tôi chưa hát chính thức một ca khúc nào của nhạc sĩ Phó Đức Phương cho dù cũng khá thân với ông. Chúng tôi vẫn gọi nhau một cách trừu mến là “bạn bè”. Tôi mong lắm được hát một ca khúc mà ông dạy cho tôi một cách hoàn chỉnh, nhưng giờ không còn cơ hội nữa. Cầu mong hương linh nhạc sĩ Phó Đức Phương tái sinh trong cảnh an nhàn".

Còn ca sĩ Hà Lê, cơ duyên đã cho anh gặp nhạc sĩ Phó Đức Phương - dù không nhiều nhưng đó thực sự là những kỉ niệm ghi dấu ấn. Nam ca sĩ nhớ lại: "Vào một ngày hè 2018, sau khi làm xong Diễm xưa, tôi có lên gặp chú để nhờ chú tư vấn thêm cho dự án Trịnh Contemporary – khi đó mới chỉ nhen nhóm hình thành. Chú đã nghe demo và bằng tất cả sự nhiệt thành đã góp ý chỉ bảo thêm cho tôi về dự án. Bài hát Huế Sài gòn Hà Nội, bài kết của album Ở trọ cũng là sự gợi ý của chú. Chú bảo 'Hà về nghiên cứu bài này đi, tớ thấy bài này rất ý nghĩa đấy'. Ngày 12/9/2019, cả nhóm may mắn hẹn được chú đi cà phê. Chú lúc này rất hừng hực cảm hứng sáng tạo. Chú nghe thêm demo Biển nhớ và Huế Sài gòn Hà Nội của chúng tôi và hào hứng chia sẻ thêm mấy demo mới của chú. Những nụ cười của chú hôm ấy sẽ là những kỉ niệm để chúng tôi luôn mang theo bên mình. Chúng cháu sẽ rất nhớ chú – nhạc sĩ Phó Đức Phương".

Cũng chung dòng cảm xúc ấy, Nghệ sĩ ưu tú Minh Thu - người được coi là "người tình âm nhạc" của nhạc sĩ Phó Đức Phương tâm sự, cô không khỏi bất ngờ khi nghe tin nhạc sĩ tài ba đã ra đi. Dù biết bệnh tình của ông khó có thể qua khỏi, nhưng sự ra đi của ông vẫn để lại biết bao tiếc thương, trống trải. "Thật sự tôi không muốn tin, nhưng từ giờ tôi sẽ phải chấp nhận một sự thật là sẽ không còn một người thầy vẫn chỉ dạy mình từng ly từng tí, một người đập nhịp phách và hướng dẫn mình nhập hồn vào trong từng ca khúc. Phải chấp nhận mất đi một người bạn lớn, một người thầy lớn của tôi…" - NSƯT Minh Thu bày tỏ.

Với ca sĩ trẻ Phan Quỳnh Anh, ca khúc Cũng một con đò của nhạc sĩ Phó Đức Phương đã giúp cô giành ngôi Á quân dòng nhạc dân gian tại cuộc thi Sao Mai 2019. Quỳnh Anh bồi hồi xúc động: "Như vừa mới đây thôi, tôi đến gặp bác và xin bác cho phép được hát ca khúc "Cũng Một Con Đò" để dự thi Sao Mai toàn quốc 2019. Tôi nhớ như in hình ảnh của bác lúc ấy! Một người nhạc sĩ tài hoa mà tôi luôn kính trọng, ngưỡng mộ và còn là một người Thầy rất nhiệt huyết chia sẻ cho thế hệ trẻ hiểu thế nào là âm nhạc thực sự. Ca khúc Cũng Một Con Đò mà tôi đã hát có câu: "Một ngày một tháng một năm/ Một đời hòn đất sủi tăm mặt hồ/ Nắng soi cái tổ tò vò/ Dọc ngang cũng một con đò ấy thôi!”. Lúc ấy tôi còn chưa hiểu hết ý nghĩa! Bác đã phân tích cho tôi hiểu về hành trình trên cõi nhân gian của cuộc đời mỗi con người! Dù ta có trải qua hết thảy những hỷ nộ ái ố trong cuộc đời này thì lúc cuối đời ai ai cũng chỉ còn lại một đò có thể mang chúng ta đi mà thôi. Chắc là bây giờ bác đã ở trên con đò của mình về với chốn an yên. Bác từng nói muốn được nghe ca khúc này lúc ra đi. Giờ tôi xin gửi đến bác, bằng cả tấm lòng thương nhớ và biết ơn một người thầy lớn của tôi...".

Với nhạc sĩ Phó Đức Phương, âm nhạc là lẽ sống. Những giây phút cận kề bên giường bệnh, ông vẫn nói say mê về âm nhạc, về những dự định, về giấc mơ sau này. Điều đó làm xúc động những người đến với ông, như lời nhạc sĩ Lân Hùng: "Khi tôi đến thăm anh lần ấy, anh đã rất yếu nhưng vẫn tỉnh táo. Tôi nghĩ anh sẽ không qua được, nên cả đêm ấy tôi ngồi sáng tác ngay bài hát Nhớ anh. Rất buồn là chỉ vài hôm sau anh đã ra đi. Phó Đức Phương là một tấm gương làm việc cần cù, chịu khó, nghề thuật bậc cao. Phải nói rằng mọi người hầu như ai cũng thuộc một trong những ca khúc của Phó Đức Phương. Những bài hát của anh rất hay, hay đến nỗi hát không chính xác nhạc cũng vẫn hay… Anh đã để lại một kho tàng lớn các ca khúc, cho nên sự ra đi của anh là một mất mát lớn. Tôi rất buồn, và gửi đến anh bài hát này để tưởng nhớ tới người nhạc sĩ tài ba".

Trước sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đã viết: "Với những sáng tác của mình, người nhạc sĩ tài ba Phó Đức Phương đã góp phần tạo diện mạo cho nền âm nhạc đại chúng mang đậm chất Việt; một nhạc sĩ đa tài, yêu quê hương Việt Nam, yêu vùng quê đồng bằng Bắc bộ và yêu quê ngoại Kinh Bắc trong từng nốt nhạc, lời ca; một nhạc sĩ không ngại tiếp nạp những mới mẻ của âm nhạc đương thời mà giới trẻ đang tiếp nối và sáng tạo".

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác