UNESCO vừa công bố danh sách 55 thành phố được công nhận tham gia vào "mạng lưới thành phố sáng tạo", trong đó Đà Lạt là thành phố sáng tạo âm nhạc đầu tiên của Việt Nam. Đây là một sự kiện đặc biệt trong năm kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893-2023).
Tham gia chương trình hôm nay, Tiến sỹ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chia sẻ niềm vui này tới quý thính giả nghe Đài. Cũng nhân đây, Tiến sỹ Phạm S gửi tặng quý vị một số ca khúc được phổ từ những bài thơ mà ông đã viết bằng xúc cảm của một người yêu thành phố cao nguyên, yêu đất nước Việt Nam tha thiết.
BTV Bảo Trang: Thưa TS Phạm S, tôi còn nhớ trong một chuyến công tác tại thành phố Đà Lạt, đã có lần tôi được phỏng vấn ông trong vai trò là Giám đốc Sở khoa học công nghệ Lâm Đồng. Lần này thật vinh dự được đón ông tới phòng thu của Đài TNVN, và cũng thật thú vị khi nội dung buổi trò chuyện hôm nay lại liên quan đến âm nhạc!
TS Phạm S: Phải nói rằng đây là một sự khích lệ đối với bản thân tôi. Tôi là một nhà quản lý, một nhà khoa học nhưng với những cảm xúc với cuộc sống mà tôi đã có những bài thơ ghi lại những tình cảm cũng như những gì xảy ra trong đời thường, đặc biệt là tính nhân văn của con người. Từ những suy nghĩ đó mà tôi đã sáng tác bài thơ đầu tiên mang tên “Hãy nói lời yêu thương”, sau này được nhóm FM phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Ca khúc này được mọi người đánh giá cao.
BTV Bảo Trang: Có thể nói rằng âm nhạc có khả năng kết hợp một cách hài hòa vẻ đẹp của thiên nhiên, khí hậu và cả lối sống thanh lịch của con người Đà Lạt. Và dường như khi đến Đà Lạt thì con người ta cũng có thêm chất thơ, chất nhạc trong tâm hồn... Có phải vì thế mà TS Phạm S – một người từng được vinh danh là kỷ lục gia thế giới khi tạo ra những công nghệ mới, sản phẩm mới mang tính đột phá phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, rồi mới đây nhất lại được ghi nhận là “nhà khoa học có đóng góp kiệt xuất cho ngành trà thế giới”... Một chuyên gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ lại có những bài thơ chạm tới cảm xúc của các nhạc sỹ đến thế!
TS Phạm S: Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tôi còn nhớ một nhà soạn nhạc nổi tiếng đã nói rằng “họa sỹ biến thơ thành tranh, còn nhạc sỹ thì biến tranh thành nhạc”. Lúc trước tôi cũng không biết điều đó, nhưng sau khi đã có những bài thơ được phổ nhạc thì tôi nghĩ rằng đó là sự ngẫu nhiên trong cuộc sống nhưng được sắp xếp trước vậy. Đà Lạt có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, tích hợp giữa kiến trúc độc đáo và tính nhân văn của con người hiền hòa, thanh lịch, mến khách. Đà Lạt là một trong 5 thành phố được du khách mến mộ, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Chính vì vậy đã thôi thúc tôi làm những bài thơ, tiếp sau đó là làm thành những ca khúc dành tặng cho mọi người khi đến với Đà Lạt, Lâm Đồng.
Đối với một tác giả thơ, khi bài thơ của mình được phổ nhạc thì đó là sự kết hợp tinh túy giữa tác giả bài thơ và nhạc sỹ. Tôi nghĩ rằng các nhạc sỹ cũng rất đồng cảm với một nhà khoa học có cái tâm, có tình cảm và có “tính nghệ thuật” để mang âm nhạc đến với công chúng. Do đó, sự hòa quyện giữa lời thơ cộng với cái tâm và hòa quyện với nốt nhạc sẽ tạo nên một bài hát rất hài hòa về Đà Lạt.
BTV Bảo Trang: Thưa TS Phạm S, Đà Lạt đã có cho riêng mình rất nhiều bài thơ và ca khúc, được công chúng đón nhận bởi vẻ đẹp của giai điệu và ca từ mà các nhạc sỹ đã gửi gắm khi viết về một vùng đất xinh đẹp. Vậy khi trải lòng mình qua những bài thơ về Đà Lạt, sau này được chắp cảnh bởi những nốt nhạc, ông có khi nào sợ là những tác phẩm của mình sẽ bị lạc giữa rừng hoa ấy không?
TS Phạm S: Khi tôi làm thơ, được các nhạc sỹ quan tâm tạo nên những ca khúc độc đáo và khác biệt. Đó là niềm vui và hạnh phúc, chia sẻ với những nhạc sỹ trước đó đã viết nên những bài ca ca ngợi tình yêu thiên nhiên, vẻ đẹp và tính nhân văn của Đà Lạt.
Trong quá trình sáng tác, vì tình yêu với Đà Lạt lớn quá nên tôi viết nhiều về thành phố này. Nhưng khi đi đến những vùng miền khác của Tổ quốc, tôi cũng thấy trào lên trong lòng những cảm xúc nên tôi cũng có thêm những bài thơ, sau này được phổ nhạc thành ca khúc với các đề tài khác như về biển, về cội nguồn của con người, cảm ơn quê hương, cha mẹ, thầy cô... Tôi có một ca khúc dành cho quê hương Phú Yên đã được coi như một bài “tỉnh ca”, thường được hát trong những sự kiện chính trị, văn hóa du lịch và thu hút đầu tư của tỉnh. Hay như có một bài về Hà Nội với tiêu đề “Hồ Gươm trong tim miền Nam”, được nhạc sỹ Hoàng Anh Tuấn phổ nhạc, tạo nên một sự rung động cho những người con của Hà Nội.
BTV Bảo Trang: Thưa TS Phạm S, mới đây khi Đà Lạt được UNESSCO vinh danh là thành phố sáng tạo âm nhạc - điều này chắc hẳn rất có ý nghĩa đối với thành phố này phải không ạ?
TS Phạm S: Đó không chỉ là niềm mong đợi của chính quyền và người dân Đà Lạt, mà còn là niềm vui đối với người dân cả nước và bạn bè quốc tế. Được UNESCO vinh danh là niềm hạnh phúc và tự hào, để rồi Đà Lạt cùng với các thành phố khác trên thế giới thực hiện sứ mệnh đem những lời ca tiếng hát đến với mọi người, để Đà Lạt thực sự là thành phố sáng tạo về lĩnh vực âm nhạc.
BTV Bảo Trang: Tỉnh Lâm Đồng cũng như thành phố Đà Lạt đã có những kế hoạch gì để phát huy danh hiệu này trong việc bảo tồn, thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình âm nhạc?
TS Phạm S: Việc xây dựng để trở thành thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc đã khó, và việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển còn khó hơn. Nhận thức rõ vấn đề này nên Ban chỉ đạo của tỉnh Lâm Đồng đã luôn quan tâm và rà soát các nội dung. Theo cam kết với UNESCO, sau khi được công nhận sẽ có 6 cam kết ban đầu. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo và trực tiếp tôi đã làm việc với thành phố Đà Lạt rằng chúng ta không thể chỉ dừng lại ở 6 cam kết đó mà sẽ xây dựng 10 cam kết. Trong đó, những cam kết mới là tạo điều kiện giao lưu quốc tế giữa âm nhạc của Đà Lạt với các quốc gia khác; tạo sức hấp dẫn, coi âm nhạc là một lĩnh vực công nghiệp văn hóa vốn có thế mạnh như chưa được khai thác; tạo điều kiện tối đa để thu hút các nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực âm nhạc để thực hiện đầu tư các dự án về âm nhạc, tạo luồng gió mới, khẳng định một thành phố sáng tạo về lĩnh vực âm nhạc.
BTV Bảo Trang: Vâng, xin cảm ơn TS Phạm S về những chia sẻ của ông!