(VOV5) - Tính đến cuối tháng 2, lực lượng Houthi đã thực hiện gần 100 cuộc tấn công nhằm vào tàu chiến các nước phương Tây và nhiều tàu hàng, bằng một loạt các loại vũ khí.
Căng thẳng tại Biển Đỏ, nảy sinh từ các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen nhằm vào tàu chiến và tàu hàng phương Tây từ tháng 11 năm ngoái, đang tiếp tục leo thang. Theo các chuyên gia, tình hình hiện nay đang đẩy vùng biển đến trước các nguy cơ thảm họa về an ninh và môi trường.
Lực lượng Houthi tại Yemen bắt đầu thực hiện các cuộc tấn công vào tàu chiến và tàu hàng của các nước phương Tây từ giữa tháng 11 năm ngoái, với lí do là ủng hộ người dân Palestine và gây sức ép để Israel chấm dứt các hành động quân sự tại dải Gaza.
Xuồng Houthi áp tải một tàu chở hàng ở Biển Đỏ. Ảnh: Truyền thông Houthi. |
Bất ổn an ninh
Tính đến cuối tháng 2, lực lượng Houthi đã thực hiện gần 100 cuộc tấn công nhằm vào tàu chiến các nước phương Tây và nhiều tàu hàng, bằng một loạt các loại vũ khí, gồm: phương tiện bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo chống hạm. Mặc dù chưa gây ra thiệt hại nào cho các tàu chiến phương Tây nhưng UAV và tên lửa của Houthi đã nhiều lần đánh trúng các tàu chở hàng trên Biển Đỏ, mới nhất là vụ tấn công tàu Rubymar mang cờ Anh hôm 18/02. Đáp trả các cuộc tấn công của Houthi, lực lượng hải quân Mỹ và Anh hôm 11/01 lần đầu tiến hành không kích vào các mục tiêu của Houthi trên đất Yemen. Đến giữa tháng 2, Liên minh châu Âu cũng chính thức khởi động sứ mệnh hàng hải mang tên “Aspides”, huy động hải quân các nước tham gia bảo vệ tàu hàng trên Biển Đỏ và phản kích Houthi. Bất chấp các lời kêu gọi từ nhiều bên, căng thẳng trên Biển Đỏ liên tục leo thang, với lời đe dọa gia tăng hành động từ cả 2 phía.
Theo Jon Alterman, chuyên gia an ninh toàn cầu và địa chiến lược, Giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược – CSIS (Mỹ), căng thẳng tại Biển Đỏ đe dọa an ninh, sự ổn định tại toàn bộ khu vực Trung Đông, cũng như an ninh thương mại quốc tế. Biển Đỏ và kênh đào Suez chiếm 12% vận chuyển thương mại toàn cầu, 20% vận chuyển container. Hiện hầu hết các hãng vận tải lớn trên thế giới đã phải chuyển hướng khỏi Biển Đỏ.
Jan Hoffman, chuyên gia của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), nhận định nếu căng thẳng Biển Đỏ kéo dài, thế giới có thể chứng kiến sự đứt gãy nghiêm trọng như trong đại dịch Covid-19: "Đáng lo ngại là vấn đề lạm phát. Việc gián đoạn kéo dài, đặc biệt là với vận chuyển container, có thể đe dọa và làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến việc giao hàng chậm trễ, làm tăng chi phí và tiềm ẩn lạm phát. Chúng ta đã thấy điều này có thể xảy ra trong cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng giai đoạn đại dịch Covid-19”.
Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hiệp quốc tại Yemen, ông Hans Grundberg.
Ảnh: Twitter |
Biển Đỏ còn quan trọng về địa chính trị, khi hàng loạt các quốc gia, gồm: Mỹ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Italy, Nhật, Saudi Arabia, UAE có các căn cứ quân sự quanh đây. Ngoài ra, Biển Đỏ nhiều năm qua là điểm nóng về an ninh, với các xung đột kéo dài tại 2 quốc gia ven biển là Yemen và Eritrea. Do đó, các bất ổn hiện nay ở Biển Đỏ tạo ra một các nguy cơ an ninh nghiêm trọng, trước hết là tại chính Yemen, nơi lực lượng Houthi vẫn đang nắm quyền kiểm soát.
Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hiệp quốc tại Yemen, ông Hans Grundberg, nhận định: “Căng thẳng gia tăng trong khu vực liên quan đến cuộc chiến tại Gaza, và đặc biệt là leo thang quân sự ở Biển Đỏ, làm chậm các nỗ lực hòa bình tại Yemen. Những gì xảy ra trong khu vực tác động đến Yemen và những gì xảy ra tại Yemen tác động đến toàn khu vực”.
Nguy cơ về môi trường
Không chỉ tạo ra các nguy cơ nghiêm trọng đối với môi trường an ninh khu vực và dòng chảy thương mại toàn cầu, bất ổn Biển Đỏ còn đang làm gia tăng rủi ro xảy ra các thảm họa môi trường, khi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào một số tàu chở dầu và hóa chất. Hôm 18/02, cuộc tấn công của Houthi đã gây ra thiệt hại nặng đối với tàu hàng Rubymar mang cờ Belize nhưng thuộc sở hữu của 1 công ty Anh, chở hàng chục ngàn tấn phân bón. Con tàu này đang chìm dần xuống biển và để lại vết loang dầu dài khoảng 28km. Theo các chuyên gia, nếu hàng chục ngàn tấn phân bón trên tàu tràn ra Biển Đỏ, đó sẽ là một thảm họa môi trường bởi loại phân bón mà Rubymar mang theo được Tổ chức Hàng hải quốc tế, cơ quan quản lý hoạt động vận chuyển toàn cầu của Liên hiệp quốc, phân loại là “hàng nguy hiểm có hậu quả cao”.
Đại diện Cơ quan bảo vệ Môi trường Yemen, ông Abdul Salam al-Gaaby, cảnh báo: "Do các cuộc tấn công của Houthi, đã có một lượng lớn dầu bị tràn. Ngoài ra, một vài con tàu chở các chất hóa học nguy hiểm, như trường hợp tàu Rubymar chở 22.000 tấn phân bón (amoni photphat) nên điều này đặt ra mối đe dọa thực sự cho môi trường biển. Nếu lượng hóa chất này tràn hết ra ngoài khơi Yemen và các đảo trên Biển Đỏ, tác động sẽ lan rộng đến cả các quốc gia láng giềng trên Biển Đỏ”.
Theo các chuyên gia môi trường của Green Peace, trong trường hợp xấu nhất, lượng phân bón tràn ra từ tàu Rubymar có thể sẽ phá hủy các rặng san hộ hiện vẫn đang được bảo vệ tương đối tốt tại Biển Đỏ, đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng cho lĩnh vực đánh bắt cá trong khu vực.
Trước khi lực lượng Houthi tiến hành các vụ tấn công từ tháng 11 năm ngoái, Biển Đỏ vốn đã phải đối mặt với đe dọa về môi trường nghiêm trọng trong nhiều năm, khi con tàu mang tên FSO Safer chở theo hàng triệu thùng dầu bị hư hỏng và mắc kẹt ngoài khơi Yemen, buộc LHQ phải triển khai một sứ mệnh nhằm vận chuyển hết số dầu này khỏi con tàu trước khi tàu chìm.