EU và bước chuyển cứng rắn trong vấn đề di cư

(VOV5) - Thoả thuận này đánh dấu bước chuyển cứng rắn mới của khối này trong vấn đề di cư nhưng cũng đặt ra nhiều dấu hỏi về chiến lược thực thi.

Theo thảo thuận được thông qua tại Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) mới đây, diễn ra từ 17/10-18/10 tại Brussels (Bỉ), các quốc gia thành viên EU sẽ đẩy nhanh quá trình trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp. Thoả thuận này đánh dấu bước chuyển cứng rắn mới của khối này trong vấn đề di cư nhưng cũng đặt ra nhiều dấu hỏi về chiến lược thực thi.

EU và bước chuyển cứng rắn trong vấn đề di cư - ảnh 1Tàu hải cảnh Ý chở những người di cư được giải cứu trên biển và các tàu du lịch di chuyển ở đảo Lampedusa (Ý) vào hôm 18/9/2024. Ảnh: Reuters

Theo kết luận được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels hôm 18/10, Hội đồng châu Âu kêu gọi hành động quyết liệt ở mọi cấp độ để tạo điều kiện, tăng cường và đẩy nhanh quá trình hồi hương của người di cư bất hợp pháp. Cơ quan này đồng thời yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) khẩn trương đưa ra đề xuất pháp lý mới về vấn đề này. Quyết định này cho thấy sự thống nhất này càng cao của các nước thành viên EU trong việc giải quyết vấn đề di cư vốn đã gây nhức nhối tại châu Âu trong suốt 1 thập kỷ qua.

Cơ chế và các biện pháp cụ thể của thoả thuận mới chưa được hoàn tất nhưng vào thời điểm hiện tại, “mô hình Italia” đang thu hút sự chú ý lớn tại châu Âu. Đây là mô hình được xây dựng dựa trên thoả thuận 5 năm mà chính phủ Italia theo đường lối cực hữu của nữ Thủ tướng Giorgia Meloni ký với chính phủ Albania vào tháng 11 năm ngoái, theo đó, Italia sẽ chi ra 650 triệu euro trong 5 năm cho Albania để đổi lại việc xây dựng 2 trung tâm tiếp nhận người di cư bất hợp pháp mà Italia chuyển sang Albania.

Các trung tâm này do Italia quản lý, vận hành theo luật pháp Italia và có thể đón tới 3.000 người di cư bất hợp pháp mỗi tháng. Đây là những người được lực lượng biên phòng Italia giải cứu trên các con tàu vượt biên trái phép trên biển và được gửi đến Albania để tạm giữ trong thời gian xét duyệt hồ sơ xin tị nạn. Nữ Thủ tướng Italia ca ngợi đây là mô hình có tính thực tiễn và hiệu quả cao bởi giảm bớt được gánh nặng tài chính và pháp lý cho chính quyền Italia, đồng thời có thể đẩy nhanh việc trục xuất những người di cư bất hợp pháp không đủ điều điện để duyệt đơn xin tị nạn. Dù còn nhiều tranh cãi liên quan đến vấn đề pháp lý và nhân quyền nhưng “mô hình Italia” đang được nhiều quốc gia thành viên khác của EU quan tâm và trở thành 1 trong những chủ đề chính được thảo luận tại Thượng đỉnh EU. Trong cuộc gặp Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Italia, Antonio Tajani, tại thành phố Menton (Pháp) nằm sát biên giới Italia hôm 18/10, tân Thủ tướng Pháp, Michel Barnier thừa nhận vấn đề di cư bất hợp pháp tại châu Âu đã trở nên cấp thiết hơn rất nhiều so với trước đây và đã có 1 nhận thức chung tại châu Âu về việc cần phải gấp rút xử lý vấn đề này: “Vấn đề di cư đã trở thành vấn đề có lợi ích chung với tất cả các nước châu Âu. Cách đây 5-10 năm, khi tôi còn là Uỷ viên Uỷ ban châu Âu thì vẫn còn có các tranh cãi nhưng bây giờ thì đã có một nhận thức chung cho phép chúng ta cùng nhau xử lý vấn đề này, thông qua Hiệp ước di cư và tị nạn”.

EU và bước chuyển cứng rắn trong vấn đề di cư - ảnh 2Thủ tướng Pháp Michel Barnier. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Camille Le Coz, chuyên gia Viện chính sách di cư tại Paris (Pháp), việc các chính phủ tại châu Âu ngày càng cứng rắn trước vấn đề di cư bất hợp pháp xuất phát chủ yếu từ sức ép đối nội, khi các đảng cực hữu tại nhiều quốc gia, như: Tập hợp quốc gia (RN, Pháp); Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD); Đảng tự do FPO (Áo), Đảng tự do PVV (Hà Lan) liên tiếp chiến thắng trong các cuộc bầu cử gần đây nhờ tận dụng tốt chủ đề chống di cư để thu hút sự ủng hộ của cử tri. Thực tế này buộc các chính phủ cầm quyền tại châu Âu phải thay đổi các quan điểm và chính sách về di cư theo hướng siết chặt, thâm chí cực đoan hơn, dù xét về số liệu, số lượng người di cư bất hợp pháp vào EU năm ngoái chỉ bằng gần 1/3 con số hơn 1 triệu người vào năm 2015, đỉnh điểm của khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu.

Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Gerald Knaus, đồng sáng lập Sáng kiến ổn định châu Âu (ESI), một quỹ nghiên cứu có trụ sở tại Berlin (Đức), nêu rõ tại Đức, chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz đã phải nối lại việc kiểm soát biên giới giữa Đức với tất cả các quốc gia láng giềng, gồm: Đan Mạch, Hà Lan, Áo, Ba Lan, CH Séc nhằm thể hiện quyết tâm không thua kém AfD trong việc ngăn chặn việc di cư bất hợp pháp vào nước này, trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa là diễn ra tổng tuyển cử liên bang (9/2025). Tuy nhiên, theo Gerald Knaus, các biện pháp này chỉ mang tính hình thức và không có hiệu quả thực tế bởi biên giới giữa Đức với các nước láng giềng không phải là điểm nóng di cư, đồng thời nước Đức cũng không có đủ nhân lực cảnh sát, hải quan và phương tiện giám sát để đảm bảo kiểm soát được việc làn sóng di cư. Điều đáng nói hơn, theo Gerald Knaus, đó là việc vội vã hành động vì sức ép chính trị dẫn đến thiếu vắng các chiến lược rõ ràng, đồng thời đe dọa sự đoàn kết tại châu Âu. Điều này thể hiện qua việc các chính phủ Ba Lan, Áo, CH Séc thời gian qua chỉ trích mạnh chính quyền Đức là “đã đi từ thái cực này sang thái cực khác”, ám chỉ việc nước Đức năm 2015 mở cửa biên giới đón hàng triệu người tị nạn Syria và Trung Đông và nay lại đơn phương kiểm soát biên giới, đi ngược lại với tinh thần mở của không gian Schengen. Chuyên gia Gerald Knaus nhận định: “Chiến lược hiện nay tại Đức không dẫn đến sự đoàn kết, cũng không dẫn đến sự kiểm soát tốt hơn mà tạo ra rủi ro đối với thành quả đã đạt được tại châu Âu, đó là một khu vực phi biên giới lớn nhất trên thế giới giữa nhiều quốc gia có chủ quyền”.

Một khía cạnh khác cũng tạo ra hoài nghi đối với chiến lược đẩy nhanh việc trục xuất người di cư của EU, đó là thách thức phải cân bằng giữa ngăn chặn di cư bất hợp pháp với nỗ lực phát triển kinh tế. Tại Thượng đỉnh EU, mặc dù đánh giá “mô hình Italia” có những điểm đáng lưu tâm nhưng Thủ tướng Đức, Olaf Scholz cho rằng nước Đức không thể áp dụng mô hình này vì số lượng người di cư bất hợp pháp vào Đức quá lớn, đồng thời Đức vẫn cần những người di cư có trình độ để phát triển kinh tế trong bối cảnh già hóa dân số. Thủ tướng Tây Ban Nha, ông Pedro Sanchez cũng có chung nhận định này khi cho rằng châu Âu không thể duy trì sự phát triển kinh tế nếu không có người di cư: “Nếu chúng ta muốn xử lý thách thức dân số tại châu Âu, muốn đảm bảo sự bền vững của hệ thống nhà nước phúc lợi, đồng thời vẫn giữ được tăng trưởng kinh tế tại Tây Ban Nha và châu Âu như hiện nay, chúng ta cần sự đóng góp của người di cư và vấn đề di cư cần phải được xử lý một cách đúng quy định, an toàn và trật tự”.

Một thách thức khác về di cư mà EU phải đối mặt là vấn đề nhân quyền. Theo nhiều chuyên gia pháp lý, việc EU đẩy mạnh việc từ chối đơn xin tị nạn có thể vi phạm hiến chương về các quyền cơ bản của EU, đồng thời việc lập danh sách "các quốc gia thứ ba an toàn được chỉ định", tức những nơi để EU xây dựng các trung tâm sàng lọc và hồi hươn người di cư, cũng gây nhiều tranh cãi.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác