(VOV5) -Với sự đoàn kết đang thể hiện quanh bà Kamala Harris hiện nay, cơ hội chiến thắng của đảng Dân chủ là không hề nhỏ, dù bà Harris nhập cuộc đua muộn hơn ông Donald Trump.
Nhằm lựa chọn ứng cử viên chính thức ra tranh cử Tổng thống, đảng Dân chủ Mỹ quyết định tổ chức bỏ phiếu trực tuyến từ ngày 01/08-05/08. Theo giới chuyên gia, đây là lựa chọn hợp lý với đảng Dân chủ vào thời điểm này bởi hầu như toàn bộ sự ủng hộ của đảng này đều đang dồn cho Phó Tổng thống, Kamala Harris.
Phó Tổng thống Kamala Harris. Ảnh: Getty Images |
Hôm 22/07, tức chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua tái cử Tổng thống Mỹ, giới chức cấp cao đảng Dân chủ Mỹ thông báo đảng này sẽ bầu chọn ứng cử viên tổng thống trước ngày 07/08, tức 2 tuần trước khi diễn ra Đại hội toàn quốc của đảng này, dự kiến được tổ chức tại thành phố Chicago từ ngày 19- 22/08. Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ (DNC) Jaime Harrison sau đó xác nhận cuộc bỏ phiếu trực tuyến diễn ra từ 9h ngày 01/08 và kết thúc 18h ngày 05/08, theo giờ địa phương.
DNC áp dụng một hệ thống bỏ phiếu điện tử để các đại biểu bầu cho các ứng cử viên (ƯCV) đáp ứng 3 tiêu chí: Chính thức đăng ký ứng cử với DNC, đáp ứng các tiêu chuẩn của đảng và các quy định pháp lý để trở thành tổng thống Mỹ và nhận được sự tán thành của ít nhất 300 đại biểu (trong đó không một bang nào được có hơn 50 đại biểu). 3.923 đại biểu đảng Dân chủ đủ điều kiện bỏ phiếu và ứng cử viên chiến thắng sẽ cần ít nhất 1.976 phiếu ủng hộ. Các đại biểu nhận phiếu bầu qua thư điện tử (e-mail) và có thể gửi lại phiếu bầu qua e-mail hoặc thông báo trực tiếp cho DNC.
Bảo vệ cho quyết định bỏ phiếu trực tuyến sớm, Chủ tịch Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ, Minyon Moore cho rằng một cuộc chiến đề cử gây tranh cãi với các thủ tục bỏ phiếu phức tạp và mất thời gian tại Đại hội toàn quốc của Đảng là không cần thiết. Chia sẻ quan điểm này, Giáo sư lịch sử Allan Lichtman tại Trường Đại học Mỹ, cho rằng vào thời điểm hiện nay, điều quan trọng nhất đối với đảng Dân chủ là xây dựng được 1 khối đoàn kết xung quanh 1 ứng cử viên có tiềm năng nhất, do đó, việc tổ chức bỏ phiếu trực tuyến sẽ giúp đảng Dân chủ tránh được các rắc rối không cần thiết: “Đảng Dân chủ cần phải ra một quyết định lớn, và chỉ có 1 quyết định là đúng đắn. Họ có thể đợi đến Đại hội toàn quốc để tổ chức một cuộc đấu lớn và chọn ra ứng cử viên, hoặc có thể tạo sự đồng thuận quanh Phó Tổng thống Kamala Harris, người đã được ông Joe Biden đề cử.
hủ tịch Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ Mỹ (DNC) Jaime Harrison phát biểu tại Columbia, South Carolina, Mỹ, ngày 27/1/2024.
Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN |
Lựa chọn đầu tiên, tức bầu chọn mở tại Đại hội toàn quốc, có thể sẽ là thảm họa cho đảng Dân chủ”.Do không có ƯCV nào khác đáp ứng được cả 3 tiêu chí của DNC, đặc biệt là việc có được ít nhất sự tán thành của 300 đại biểu nên khi cuộc bỏ phiếu trực tuyến bắt đầu hôm 01/08, Phó Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris là ứng cử viên (ƯCV) duy nhất. Đảng Dân chủ không yêu cầu các đại biểu bầu đích danh cho bà Harris mà có thể lựa chọn bầu cho 1 ƯCV khác không đủ điều kiện, hoặc không bầu cho bất cứ ai. Trong trường hợp này, lá phiếu sẽ chỉ được tính là “có mặt”. Vì thế, chiến thắng của bà Kamala Harris gần như chắc chắn được bảo đảm, trừ khi có sự phản kháng bất ngờ trong nội bộ đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng không đánh giá cao kịch bản có bất ngờ. Theo John Mark Hansen, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Chicago (Mỹ), những đại biểu đảng Dân chủ tham gia bỏ phiếu trực tuyến về cơ bản cũng chính là những đại biểu đã được chỉ định để bỏ phiếu cho Tổng thống Joe Biden tại Đại hội toàn quốc của Đảng. Do đó, các đại biểu này hầu hết trung thành với ông Joe Biden và đảng Dân chủ, từ đó cũng sẽ ủng hộ người được ông Joe Biden lựa chọn thay thế là bà Kamala Harris.
Giáo sư John Mark Hansen nhận định:“Tôi nghĩ bà Kamala Harris đã khóa chặt cuộc đua bởi bất cứ ai có thể tạo nên thách thức với bà ấy thì đều đã ủng hộ bà ấy”.
Đánh giá về những thay đổi trong sự ủng hộ mà cử tri Mỹ dành cho các ƯCV sau khi ông Joe Biden rút khỏi cuộc đua Tổng thống và dành sự ủng hộ cho bà Kamala Harris, các chuyên gia cũng cho rằng bà Harris cùng đảng Dân chủ đang dần lấy lại lợi thế nhờ có động lượng tốt hơn, trong khi phía đảng Cộng hòa và ông Donald Trump rơi vào thế bị động do buộc phải thay đổi toàn bộ chiến lược tranh cử, vốn được thiết kế với mục đích đánh bại ông Joe Biden.
Theo Giáo sư John Mark Hansen, đây không phải là điều quá bất ngờ bởi trên thực tế bộ máy tranh cử của đảng Dân chủ đã hoạt động ráo riết từ hơn 1 năm rưỡi nên khi có sự đổi vai giữa ông Joe Biden và bà Kamala Harris, đảng Dân chủ vẫn có thể tiến hành việc vận động một cách suôn sẻ. Bên cạnh đó, đảng Dân chủ cũng được xem là có cơ chế gây quỹ trực tuyến tốt nhất hiện nay, thể hiện ở việc chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris nhận được tới 200 triệu USD đóng góp chỉ trong vòng 1 tuần sau khi bà Harris ra tranh cử thay ông Joe Biden. Đối với các lo lắng về việc bà Kamala Harris có quá ít thời gian vận động tranh cử, Giáo sư John Mark Hansen cũng nhận định điều này không quá đáng ngại. “Chúng ta có thể nhìn lại năm 2016 và thấy rằng vào thời điểm ông Donald Trump chính thức được nhận đề cử Tổng thống vào tháng 5 năm đó, ông ấy chỉ nhận được sự ủng hộ của chính xác là 2 Thống đốc và 1 Thượng nghị sĩ Mỹ. Thế nhưng ông ấy vẫn có thể tiến hành cuộc vận động tranh cử thành công vào mùa Hè và mùa Thu năm đó”.
Đồng quan điểm với John Mark Hansen, Giáo sư Allan Lichtman cho rằng với sự đoàn kết đang thể hiện quanh bà Kamala Harris hiện nay, cơ hội chiến thắng của đảng Dân chủ là không hề nhỏ, dù bà Harris nhập cuộc đua muộn hơn ông Donald Trump.
Giải thích cho nhận định này, Giáo sư Lichtman nêu rõ lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ từ năm 1900 đến nay cho thấy trong các tình huống Tổng thống đương nhiệm không ra tranh cử, tức tình huống “ghế mở”, và nội bộ đảng cầm quyền tranh đấu nội bộ thì ƯCV của đảng cầm quyền chưa bao giờ chiến thắng. Ngược lại, nếu nội bộ đảng thống nhất quanh 1 ƯCV thì cơ hội chiến thắng cao hơn, như trường hợp Tổng thống Herbert Hoover năm 1928 hay George H.W.Bush năm 1988.