(VOV5) - Trong xu hướng chung, ngày càng có nhiều cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến tái chế rác thải.
Hiện nay, khối lượng rác thải xả ra trong đời sống sản xuất và sinh hoạt hàng ngày gây áp lực rất lớn lên môi trường sống. Bởi vậy mà xử lý rác thải thế nào cho hiệu quả vẫn luôn là thách thức rất lớn. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hiệu quả mô hình tái chế rác thải. Trong xu hướng chung, ngày càng có nhiều cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến tái chế rác thải.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 25 triệu tấn rác thải. Không chỉ có rác thải sinh hoạt mà phế thải xây dựng cũng tăng rất nhanh ở các thành phố lớn. Rác thải xây dựng với đặc điểm là khó phân hủy, tái chế. Tuy nhiên, hiện nay, các nhà khoa học Việt Nam đã tái chế một loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng, góp phần giải quyết các vấn đề môi trường, như: ngập úng đô thị, bổ sung mức nước ngầm. Với công nghệ này, thay vì vận chuyển ra các bãi tập kết phế liệu xây dựng thì chúng được chuyển sang hệ thống nghiền và tự động phân loại riêng, từ sắt đến các hạt cát mịn. Phó GS, Tiến sĩ Phạm Hoàng Giang, Trưởng Đại học xây dựng Hà Nội, cho biết: Chúng tôi đưa ra một số ứng dụng mà có thể sử dụng ngay cho chất thải rắn xây dựng này. Thứ nhất, đó là hệ thống sử dụng cho hệ thống đường, làm hệ thống lớp nền đường và móng đường. Ngoài ra, chúng tôi sử dụng vật liệu này làm bê tông thấm nước. Chúng tôi coi nguồn phát thải, chất thải rắn xây dựng là hệ thống nguồn tài nguyên, tạo ra những vật liệu tái chế phù hợp với các quy định và tiêu chuẩn tại Việt Nam.
Các chai nhựa được phân loại để đưa vào nhà máy tái chế. Ảnh minh họa: daibieunhandan.vn |
Những loại vật liệu mới này được nghiên cứu và phát triển trong khuôn khổ dự án do trường đại học Xây dựng Hà Nội và đại học Saitama của Nhật Bản hợp tác triển khai. Dự án hướng tới thiết lập hệ thống quản lý và xây dựng công nghệ thúc đẩy việc tái chế chất thải rắn tại Việt Nam. Giáo sư Kawamoto Ken, Đại học Saitama, Nhật Bản, cho biết:Chất thải rắn xây dựng tuy nặng nhưng dễ tái chế. Bê tông, nhựa đường hoàn toàn có thể được tái chế và được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Sau quá trình nghiên cứu, nguyên liệu từ nguồn tài nguyên này đều đảm bảo chất lượng và hoàn toàn có thể được tái sử dụng cho các công trình mới. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu các vật liệu mới nhằm góp phần gìn giữ môi trường sạch đẹp, giúp thoát nước và chống ngập úng, giảm thiểu hiện tượng đảo nhiệt đô thị.
Công nghệ xử lý phế thải xây dựng này nhận được sự đánh giá cao từ các chuyên gia. PGS, Tiến sĩ Trần Thị Việt Nga, Trưởng Khoa Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội, khẳng định:Cho đến nay, những kết quả nghiên cứu đã khẳng định đây là những sản phẩm mà an toàn và thân thiện đối với môi trường. Hơn nữa, tái chế từ phế thải xây dựng cũng góp phần quản lý chất thải rắn theo hướng thu hồi tài nguyên và giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Rác thải chỉ có thể xử lý triệt để khi được phân loại tại nguồn. Việc làm này sẽ góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm tải áp lực trong khâu thu gom xử lý rác thải.
PGS, Tiến sĩ Trần Thị Việt Nga, Trưởng Khoa Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: moitruongvadothi.vn
|
Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng có nhiều mô hình tái chế rác thải rất hiệu quả. Ví dụ như ở Hà Lan có công viên tái chế được làm hoàn toàn bằng nhựa và rác thải nổi trên sông. Công viên nổi được tạo ra để làm môi trường sống cho các sinh vật. Các loài thực vật phát triển đồng thời cả trên và dưới bề mặt sông, cung cấp nguồn thức ăn cho sinh vật biển và khuyến khích cá đẻ trứng bên dưới mặt nước.
Tại Nga, các nhà khoa học nước này đã nghiên cứu đưa rác thải nhựa thành nguyên liệu xăng. Khi vật liệu tái chế được đốt nóng đến nhiệt độ nhất định, các liên kết bị phá vỡ và chuyển sang dạng khí. Lúc này, khí thải tiếp tục được ngưng tụ thành chất lỏng xăng dầu. Trong khi đó, Bỉ áp dụng quy trình quản rác thải Ecolizer và sự kiện xanh. 75% rác của Bỉ được tái sử dụng, tái chế hoặc ủ phân.
Ở Châu Á, Nhật Bản cũng là quốc gia đi đầu trong việc phân loại rác và xử lý rác hiệu quả. Nhật Bản áp dụng đốt rác thải bằng công nghệ CFB (Công nghệ đốt hóa lỏng tầng sôi). Công nghệ này xử lý rác bằng cách vùi rác vào một lớp cát, sau đó sử dụng lưu lượng không khí trong quá trình nung lò, cùng một số hóa chất khác để tiêu hủy rác. Rác bên trong lò sẽ được đối lưu liên tục, và sẽ bị tiêu huỷ hết trong thời gian rất nhanh, kể cả những vật liệu cứng rắn nhất. Không chỉ vậy, công nghệ này cũng giúp lượng khí thải như NO và NO2 giảm đi rất nhiều, cùng giá thành rẻ hơn những loại hình khác. Lượng nhiệt năng sau khi đốt cũng được sử dụng để sản xuất điện.
Công cuộc tái chế rác thải là hướng đi thiết thực và bền vững của mỗi quốc gia trong việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Việc sử dụng chất thải ngành này làm đầu vào nguyên liệu sản xuất của ngành khác sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.