(VOV5) - Sáng 13/3, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách nhằm góp ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Tại đây, các đại biểu góp nhiều ý kiến vào những vấn đề lớn trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp như: Lời nói đầu, vai trò lãnh đạo của Đảng, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương… Liên quan đến công văn của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp khuyến khích nhân dân tiếp tục đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho đến ngày 30 tháng 9 năm 2013 trước khi dự thảo được trình Quốc hội thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: “Đây là thẩm quyền của Quốc hội được ghi rõ trong Nghị quyết 38. Đây cũng là nguyện vọng của nhân dân, các địa phương. Nếu dừng lại ở mốc 31/3 sau đó mọi người không có quyền đóng góp vào dự thảo Hiến pháp thì không dân chủ và không tiếp thu được đầy đủ ý kiến của nhân dân. Nên trong công văn đó nói rằng sau ngày 31/3 thì cơ quan tổ chức vẫn có quyền gửi ý kiến tham gia vào bản dự thảo. Tôi xin thông báo lại như thế chứ không phải là thay đổi nội dung và quyết định gì của Quốc hội cả.”
|
Tại tỉnh Hà Tĩnh, sau hơn 2 tháng tổ chức, đã có hơn 150.000 lượt cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Góp ý về Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, Thượng tá Võ Trọng Hải, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên Phòng Hà Tĩnh, cho rằng: quy định này là sự tất yếu cần phải có để duy trì sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm ổn định về chính trị để đất nước có điều kiện phát triển:“Lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong lực lượng vũ trang chúng tôi thì nhận thức của cán bộ chiến sỹ rất tốt. Vì anh em cũng xác định đất nước trải qua bao nhiêu thế hệ để xây dựng đất nước rồi, bây giờ theo quan điểm chỉ có một Đảng duy nhất thôi, để mà đa Đảng thực tế là rất phức tạp. Quan điểm của anh em chúng tôi, xác định lực lượng vũ trang đã đổ bao nhiêu xương máu qua các thế hệ rồi, chế độ đa Đảng là không chấp nhận được.”
Hội Luật gia Việt Nam ngày 13/3 cũng tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về những điểm mới, rất tiến bộ, cập nhật kịp thời các quan hệ xã hội hiện đại. Hội Luật gia VN đồng thời đề xuất: các quy định trong Hiến pháp cần được trình bày dưới dạng đặt tên từng Điều luật nhằm phù hợp với pháp luật hiện hành và thể hiện sự tiến bộ trong kỹ thuật lập pháp.