(VOV5)- Sáng 4/3, Học viện chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Giáo sư – Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, chuyên viên cao cấp của Quốc hội, Thường trực Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp 1992, nêu rõ bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã có nhiều đổi mới so với Hiến pháp hiện hành. Đó là những quy định phát huy và làm sâu sắc hơn chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, huy động sức mạnh và trí tuệ của toàn thể nhân dân vào quản lý nhà nước và xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng phát huy hơn nữa nhân tố con người, tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân.
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Kim Thanh/cpv.org.vn
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường phân tích: “Nhân dân là chủ thể tối cao quyền lực Nhà nước. Nhân dân phải kiểm soát được quyền lực Nhà nước là tất yếu, một đòi hỏi chính đáng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ xác định kiểm soát quyền lực Nhà nước là một nguyên tắc tổ chức quyền lực của Nhà nước. Do đó, nó đòi hỏi hình thành một cơ chế bao gồm kiểm soát quyền lực Nhà nước ở bên trong bộ máy Nhà nước giữa 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong mỗi quyền này phải tạo ra cơ chế kiểm soát từ bên ngoài, tức là của nhân dân thông qua các tổ chức chính trị xã hội.”
Cũng trong sáng 4/3, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức hội nghị toàn thể lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến thảo luận tập trung vào nội dung liên quan đến khoa học, công nghệ và môi trường được quy định trong chương 3 của dự thảo Hiến pháp. Chương 3 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được xây dựng trên cơ sở gộp Chương 2 - Chế độ Kinh tế và Chương 3 - Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của Hiến pháp hiện hành nhằm thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ.