Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

(VOV5) – Ngày 19/02, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các thành viên trong ban thường trực, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ; Ban chủ nhiệm các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Gần 40 ý kiến đóng góp tập trung vào các vấn đề như: Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam; Vị trí, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên; quyền con người, quyền và và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo vệ tổ quốc, v.v.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - ảnh 1
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992


Về quyền con người, quyền công dân, các đại biểu phân tích: Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã quy định nhiều về quyền con người. Song, cần bổ sung việc thực hiện hóa các quyền, đặc biệt cần quan tâm đến quyền tồn tại con người, đó là, quyền ăn, quyền ở, từ đó mới có cơ sở để thực hiện các quyền đi lại, học hành, làm chính trị và làm nghệ thuật. Góp ý cho điều 9 về vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam”, nhiều đại biểu cho rằng vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam chưa được làm rõ. Ông Hoàng Thái, nguyên Ủy viên Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nêu ý kiến: “Khi nói liên minh chính trị là nói đến tổ chức có cương lĩnh, đường lối chính trị khác nhau thì mới liên minh mới nhau, còn giống nhau liên minh vô nghĩa. Trong MTTQ Việt Nam có Đảng lãnh đạo, và các đoàn thể nhân dân đều do Đảng lập ra để thực hiện cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị của Đảng đề ra, chứ không có tổ chức nào có cương lĩnh, có quan điểm khác Đảng cả. Do đó, nói liên minh chính trị là vô nghĩa.”

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm nhấn mạnh: Những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu sẽ được MTTQ tổng hợp và báo cáo đến cơ quan của Quốc hội. Chủ tịch Huỳnh Đảm cũng mong muốn các đại biểu tiếp tục nghiên cứu và có những ý kiến đóng góp nâng cao chất lượng Hiến pháp 1992 sửa đổi./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác