(VOV5) - Khởi công xây dựng năm 1898, hoàn thành năm 1902, cầu Long Biên, cây cầu thép bắc qua sông Hồng dài gần 2km do nhà thầu Daydé & Pillé thi công. Đây là cây cầu lớn nhất Đông Dương lúc đó và là một chứng tích lịch sử đối với người dân Việt Nam về một thời kì thuộc địa kéo dài gần một thế kỉ. Những tài liệu về bản vẽ thiết kế, thi công và trùng tu, tu bổ của cây cầu tới nay vẫn còn nguyên vẹn. Đây là những tư liệu nối tri thức lịch sử giữa quá khứ và hiện tại của công trình kiến trúc nổi tiếng này.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Hàng ngày có rất nhiều người đi lại trên cây cầu Long Biên. Và cũng có rất nhiều người tự hỏi, cây cầu này ra đời như thế nào. Trên thân cầu cách vài nhịp lại có dòng chữ Daydé & Pillé. Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương nhận định “Đây là cây cầu mà hệ thống kim loại được sử dụng mang nét độc đáo và mới cần phải tính đến việc xây dựng nó ở Hà Nội” và chọn Công ty Daydé & Pillé làm nhà thầu chính thức với số tiền cho phép chi là 5.900.000 Franc (Phờ-răng). Trên thực tế, tổng số tiền chi phí cho công trình này là 6.200.000 Franc, chi phí đội lên không đáng kể, rất khiêm tốn đối với một công trình đồ sộ lớn nhất Đông Dương này. Ông Lê Huy Tuấn, Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, cho biết: Đây là công trình quan trọng. Toàn quyền Đông Dương quan tâm tới việc khai thác thuộc địa, cơ sở hạ tầng đương nhiên ông quan tâm đến việc lưu thông hàng hóa từ trung tâm đồng bằng Bắc Bộ tới Hải Phòng và từ Hải Phòng vào Hà Nội. Tại thời điểm đó chưa có cây cầu nào mà toàn phải vận chuyển bằng đò ngang. Quá trình xây ban đầu thiết kế cho đường sắt nhưng đã tính đến việc phát triển đường bộ. Có 6 công ty tham gia đấu thầu xây dựng cầu Long Biên nhưng công ty Daydé & Pillé thiết kế cây cầu và trúng thầu thi công.
4 năm sau ngày khởi công, chuyến tầu đầu tiên khởi hành từ ga Hà Nội đưa vua Thành Thái và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer tới đầu cầu để làm lễ khánh thành, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân Hà Nội. Tại buổi lễ này, cây cầu lớn nhất Đông Dương đã được mang tên người đã khai sinh ra nó, Toàn quyền Paul Doumer. Toàn quyền Đông Dương cũng chính thức cho phép tuyến đường sắt từ Hà Nội đi biên giới Việt-Trung, đoạn Hà Nội-Gia Lâm được đưa vào khai thác. Cũng từ ngày này, bến phà đường sông của Hà Nội đã bị xoá bỏ, nhu cầu đi lại, thông thương của người dân Bắc Kỳ đã không còn gặp khó khăn khi phải vượt qua sông Hồng trong mùa mưa lũ nữa. Cây cầu thép Paul Doumer đã giúp cho kế hoạch khai thác thuộc địa của người Pháp trở nên thuận lợi và cũng giúp giao thông nối giữa Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thuận tiện hơn. Đến tháng 7 năm 1945, bác sĩ Trần Văn Lai - Đốc lý Hà Nội lúc đó đã đổi tên thành cầu Long Biên và tên gọi đó còn giữ đến ngày nay. Ông Vũ Văn Thìn, một người dân Hà Nội có nhiều kỷ niệm gắn bó với cây cầu Long Biên, cho biết: Vào thời kỳ chiến tranh trên tháp cầu có một ụ pháo để bắn máy bay địch. Năm 1971, nước to tràn qua cầu Long Biên. Cây cầu này rất đẹp và thơ mộng. Với tôi, cầu Long Biên là cây cầu đẹp nhất, thơ mộng nhất, kiến trúc cũng rất đẹp. Nó có hình tượng của một con rồng, nếu được sửa chữa thì cầu Long Biên gần như có một không hai không những ở Đông Dương mà cả trong khu vực.
|
Với sự phát triển công nghệ và tăng dân số, sau 20 năm sử dụng, Công ty Daydé&Pillé lại được mời xây dựng thêm 2 làn đường dọc theo hai bên cầu. Mỗi làn đường có chiều rộng 2m, vỉa hè dành cho người đi bộ là 1m. Sau đợt mở rộng cầu, năm 1924 Toàn quyền Đông Dương quy định việc lưu thông trên cầu khoa học và cụ thể như: người đi bộ chỉ được đi trên vỉa hè theo chiều ngược lại với chiều của xe cộ. Tốc độ giới hạn cho phép xe khi qua cầu là 15km/giờ; cấm đốt rác và đốt lửa trên cầu; mỗi súc vật thồ hay kéo có người điều khiển đi cùng có thể qua cầu tất cả các giờ, còn nếu đi bầy đàn chỉ được qua cầu từ nửa đêm đến gần sáng...
Tuần báo Eveil Economique số 387 vào thời gian đó có đưa tin về việc đề xuất cần xây dựng thêm cây cầu thứ 2, tương tự như cầu Long Biên cho Hà Nội bên hữu ngạn sông Hồng. Tuy nhiên người Pháp đã không thực hiện được bởi công cuộc khai thác thuộc địa của họ ở miền Bắc kết thúc vào năm 1954 và nhiều lý do kinh tế khác. Dẫu sao, những đề xuất này là một ý tưởng tốt cho các nhà hoạch định kiến trúc Hà Nội sau này. Ông Tuấn cho biết: Cây cầu này rõ ràng Pháp vào xây để khai thác thuộc địa nhưng về mặt tích cực là mở rộng giao thông cho người Việt và cho đến nay mình vẫn phải giữ. Qua các quá trình, đây là công trình trọng điểm, giúp cho lưu thông hàng hóa tốt. Là mặt được của công trình giao thông. Sau này nó là công trình lịch sử, tồn tại lâu như thế, rõ ràng nó mang cả ý nghĩa văn hóa. Nó còn là chứng tích thực dân Pháp, năm 1955, thực dân Pháp rút quân về nước, phải đi tàu ra Hải Phòng thì cũng đi qua cầu Long Biên, là nhân chứng lịch sử của các thời kỳ.
Đến nay, Hà Nội có thêm nhiều cây cầu hiện đại, rộng rãi hơn như cầu: Chương Dương, Thăng Long, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân. Cầu Long Biên tồn tại qua 2 thế kỉ nay trở nên già nua nhưng vẫn như một người Việt Nam cần cù, cần mẫn hàng ngày kết nối các phương tiện tàu hỏa, xe máy, xe đạp, xe thô sơ lưu thông từ bờ này sang bờ bên kia sông Hồng. Ngày nay, người Việt nói đến Long Biên là nhắc tới một cây cầu kết nối giữa lịch sử và hiện tại, một giá trị tinh thần không thể thiếu trong tâm trí người Hà Nội./.