(VOV5) - Hà Nội đặt mục tiêu năm 2022 có khoảng 920 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó, khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Xác định công nghiệp hỗ trợ có vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp, một trụ cột quan trọng của hoạt động kinh tế, những năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều cơ chế chính sách, giải pháp cùng các kế hoạch triển khai cụ thể về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nhờ đó, khối công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, hỗ trợ hiệu quả hoạt động sản xuất công nghiệp, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của kinh tế thủ đô.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Mạnh Cường:
Một trong những chính sách đáng chú ý nhất thời gian qua về phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố Hà Nội là việc ban hành Quy chế “Quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ và quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ của Thành phố Hà Nội” tháng 6/2020. Quy chế nhằm mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp khu vực châu Á cũng như với các nền công nghiệp phát triển trên thế giới để phát triển.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội. Ảnh: hanoimoi.com.vn |
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết:“Thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định số 11 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, bao gồm các lĩnh vực hỗ trợ hạ tầng, hỗ trợ xây dựng phát triển các thương hiệu, hỗ trợ kết nối, ứng dụng các khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến đa dạng trong và ngoài nước…, nhằm giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận, tiếp nối với toàn bộ các hệ thống doanh nghiệp trong khu vực châu Á cũng như các quốc gia có nền công nghiệp tiên tiến trên thế giới như là G7, để mà phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thủ đô”.
Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu có khoảng 920 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó, có khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển công nghiệp hỗ trợ tăng trên 11%.
Để đạt mục tiêu này, thành phố Hà Nội đề ra 6 giải pháp cụ thể, như: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; Xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu; Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; Xây dựng và công bố thông tin về công nghiệp hỗ trợ hàng năm;...
Những giải pháp của thành phố đã được cộng đồng doanh nghiệp mảng công nghiệp hỗ trợ tích cực đón nhận. Nhiều doanh nghiệp coi đó là động lực quan trọng để tiếp tục mở rộng đầu tư, phát triển sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Iintech khẳng định: “Chúng tôi cung cấp dịch vụ đa dạng về sản phẩm thuộc các lĩnh vực chế tạo, cơ khí, tự động hóa cũng như về công nghệ. Chúng tôi tự tin mang đến một giải pháp toàn diện đến khách hàng. Thứ hai nữa, Iintech chúng tôi đã đầu tư một trung tâm nghiên cứu phát triển, luôn không ngừng nghiên cứu những sản phẩm tốt nhất để mang đến những giải pháp tối ưu nhất cho khách hàng. Còn về chất lượng, hệ thống máy móc của Iintech được đầu tư bài bản, quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Điều đó được chứng thực là năm ngoái 2021 dù chịu tác động của dịch Covid-19, Iintech vẫn xuất khẩu được rất nhiều sản phẩm con lăn băng tải sang thị trường khó tính như Nhật Bản. Ngoài ra, Công ty xuất khẩu rất nhiều sản phẩm về cơ khí chế tạo sang thị trường Úc, Bắc Mỹ…”
Cuối tháng 8 vừa qua, Sở Công thương Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022. Ảnh: congthuong.vn |
Phát huy những kết quả đã đạt được, cuối tháng 8 vừa qua, Sở Công thương Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022. Đây là hội chợ quy mô lớn về ngành công nghiệp hỗ trợ được thành phố Hà Nội tổ chức thường niên từ năm 2017 đến nay. Hội chợ thu hút sự tham gia của hơn 250 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…
Trong đó có các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất phụ tùng ôtô, xe máy Hưng Yên; Công ty cổ phần cơ khí chính xác HBT Việt Nam, Công ty cổ phần công nghiệp JK Việt Nam; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Panasonic Việt Naml; Công ty Cổ phần Seiko Việt Nam; Tập đoàn máy nén công nghiệp nặng Mitsubishi; Công ty Cổ phần Công nghệ Network Việt Nam; Công ty TNHH Nissin Electric Việt Nam; Công ty TNHH Nippon Pump Motor của Nhật Bản; Công ty TNHH Yuwa Việt Nam…
Các sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại hội chợ đều có chất lượng tốt, tính cạnh tranh cao, nằm trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ then chốt như linh kiện, phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao… Nhiều doanh nghiệp khối công nghiệp hỗ trợ coi việc được tham gia hội chợ là cơ hội tốt để tham gia sâu hơn, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thủ đô và cả đất nước Việt Nam.
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Hexegon MI Việt Nam, đánh giá: “Hexegon là doanh nghiệp hàng đầu thế giới về lĩnh vực đo lường và công nghệ tự động hóa. Từ hơn 10 năm nay, Công ty đã tham gia sâu vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như là các tập đoàn điện tử, ô tô đầu tư vào Việt Nam. Tham gia hội chợ, Hexegon mong muốn đưa các giải pháp công nghệ của mình đến gần hơn với chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp sâu hơn vào sự phát triển của khối doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam”.
Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội khẳng định, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ thực chất nhất, giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất nói chung phát triển. Trước mắt, khởi công thêm một số cụm công nghiệp trong tổng số 43 cụm công nghiệp đã kêu gọi đầu tư trong năm 2022 này, đảm bảo mục tiêu trong 1-2 năm tới sẽ có hàng nghìn hecta mặt bằng phục vụ doanh nghiệp phát triển sản xuất trên địa bàn thủ đô.