(VOV5) - Đình Hội Xá nằm bên bờ phía nam sông Đuống, thuộc tổ 1, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội. Năm 1995, Đình Hội Xá được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Và mới đây, Phường Phúc Lợi vinh dự đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Hát Múa Ải Lao.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đình Hội Xá nằm ở tổ dân phố số 1 nhưng trước năm 2004, đình là của thôn Hội Xá. Hội Xá có lịch sử tạo dựng và phát triển từ rất lâu đời. Cùng với thời gian, mảnh đất Hội Xá đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Ông Nguyễn Văn Ngập, Trưởng ban quản lý di tích đình chùa Hội Xá cho biết: Năm 1995, Đình Hội Xá được Bộ Văn hóa-Thông tin ( nay là Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Và mới đây, Phường Phúc Lợi vinh dự đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Hát Múa Ải Lao.
Hiện nay Đình đang thờ ông Hoàng Hổ gắn liền với di tích của Đền Gióng và tướng Nguyễn Nộn một tướng quân tài giỏi giữ căn cứ ở phía bắc Bắc Ninh và Bắc Giang. 72 làng đang thờ ông Hoàng Hổ và tướng Nguyễn Nộn. Hội xá cũng vậy.
|
Ông Nguyễn Văn Ngập, Trưởng ban quản lý di tích đình chùa Hội Xá ( người ngồi giữa) và cụ Nguyễn Văn Sàng ( người ngồi trong cùng) |
Chị Nguyễn Thị Vèo, sinh ra và lớn lên ở thôn Hội xá, nay là phường Phúc Lợi, quận Long Biên vui mừng nói với chúng tôi về những gì chị được nghe từ lớp người đi trước và được tham gia vào các sự kiện văn hóa của địa phương. Cho dù những điều chị kể không nhiều, nhưng cũng chứng tỏ văn hóa lịch sử đã được truyền lại cho các thế hệ sau: Đình Hội Xá nhận di tích quốc gia về lịch sử ông Hoàng Hổ. Theo truyền thống ông Hoàng Hổ và Hội Gióng là một lịch sử của Hội Gióng. Ông Hoàng Hổ ở bên này và Hội Gióng bên Phù Đổng. Bằng Quốc gia được nhận là về bài múa văn hóa lịch sử của ông Hoàng Hổ.
|
Đền thờ ông Hoàng Hổ |
Đình Hội Xá có ba gian Đại đình và một gian Hậu cung xây đơn giản. Hiện trong đình còn lưu giữ được một số di vật có giá trị như: khám thờ, kiệu Long đình, Long ngai, Bộ siêu bao bát bửu giúp cho việc nghiên cứu lịch sử, phong tục tập quán của làng quê truyền thống và góp một phần quan trọng vào kho tàng di sản văn hóa của Hà Nội. Cụ Nguyễn Văn Sàng, 90 tuổi là người cao niên nhất của địa phương kể: Đình Hội xá chúng tôi đây kháng chiến chống Pháp và Mỹ dỡ hết. Bên văn hóa quận là nhà nước làm cho dân. Nghi lễ cúng lễ theo phong tục của dân. Chúng tôi theo cổ truyền Hội truyền thống, ngày tuần tiết, cũng làm lễ rằm mùng 1 thắp hương.Chúng tôi vừa rồi nhân ngày đón bằng, các ông bà các cụ cao niên nói lên truyền thống tự hào làng Hội Xá. Biết đánh giặc ngoại xâm. Lớp trẻ nắm được hết, có truyền thống làng từ trước tới nay, già trẻ gái trai thuộc hết cả bài hát”.
|
Bài hát mà cụ Sàng nói tới chính là hát múa Ải Lao. Kể về nguồn gốc của phường hát Ải Lao, ông Nguyễn Văn Ngập cho biết: Hát múa Ải lao xuất phát trai đinh của làng Hội xá, thời kỳ Hùng vương thứ 6, cùng ông Hoàng Hổ, ông Gióng đi đánh giặc. Đánh giặc xong ông Gióng bay về Sóc Sơn. Mẹ buồn quá nên đoàn hát được lập ra để động viên mẹ ông Thánh Gióng. Từ đó có đoàn hát phường Ải Lao. Vấn đề giữ được bản sắc văn hóa của đình. Phường Ải Lao đang dạy dỗ trai đinh của làng để giữ được nền văn hóa đó.
|
Mới đây, phường Phúc Lợi vinh dự đón nhận Bằng công nhân Hát múa Ải Lao là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Vì vậy, phải làm sao gìn giữ giá trị lịch sử của đình Hội Xá gắn với di sản văn hóa hát múa Ải Lao. Cụ Nguyễn Văn Sàng chính là một trong những người sưu tầm dựng lại phường Ải Lao từ bên Phù Đổng từ năm 1975. Và từ đó đến nay, năm nào, cụ cũng cùng với những người cao tuổi tích cực tham gia và phục vụ Hội Gióng. Tự hào về truyền thống của địa phương, người dân Hội xá cũng chia sẻ mong muốn Nhà nước quan tâm hơn nữa để tu bổ lại đình Hội Xá và gìn giữ được di sản hát múa Ải Lao. Thiết nghĩ, không chỉ cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp từ trung ương tới địa phương, mà quan trọng là sự tham gia của mỗi một cư dân sống trên địa bàn có di tích. Đó là gìn giữ bằng sự hiểu biết và nhận thức về giá trị của di tích lịch sử văn hóa, từ đó, có thái độ đúng trong việc bảo tồn và gìn giữ qua quảng bá và giới thiệu cho du khách về một nền văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc.