Người chiến sĩ thành Hoàng Diệu năm xưa-ngày ấy, bây giờ

(VOV5) - Có một người không chỉ sống bằng những hồi ức, mà ông còn tiếp tục cống hiến đóng góp cho Hà Nội và đất nước hôm nay. 

Những ngày thu lịch sử, không ít người đang hồi tưởng lại  khí thế hào hùng của cuộc Cách mạng tháng 8, Quốc khánh mùng 2/9, 9 năm kháng chiến trường kỳ và cuối cùng Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Có một người không chỉ sống bằng những hồi ức, mà ông còn tiếp tục cống hiến đóng góp cho Hà Nội và đất nước hôm nay. Đó là ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Ngôi nhà cổ nằm trên một con đường ở Hà Nội là nơi ông Vũ Oanh và gia đình đã sống và gắn bó mấy chục năm nay. Ở tuổi 90, dường như thời gian  không ngăn được trí tuệ cùng nhiệt huyết của người chiến sĩ thành Hoàng Diệu năm xưa. Ông Vũ Oanh nhớ như in những ngày đầu khi ông đứng ra thành lập Đội thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, tổ chức nhiều hoạt động cho tới khi tiến tới giành chính quyền: "Hà Nội là thủ đô nên phải làm trách nhiệm giành chính quyền. Tôi hoạt động ở Hà Nội, trong mặt trận Việt Minh nên thấy trách nhiệm phải tuyên truyền để người Hà Nội hiểu Việt Minh, ủng hộ  Việt Minh, theo Việt Minh. Tôi nghĩ phải thành lập một Đội lấy tên là Đội tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, tuyên truyền là chính, quy tụ các anh em trẻ trí thức…”.

Dưới sự dẫn dắt của chàng thanh niên Vũ Oanh khi đó mới 20 tuổi, những thanh niên, học sinh trường Bưởi với lòng yêu nước, nhiệt tình của tuổi trẻ đã tự nguyện tham gia vào Đội  thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu. Lúc đầu, chỉ có vài thành viên, sau một thời gian đã quy tụ được vài chục người. Ông Vũ Oanh kể:“ Tôi bàn với anh em làm địa bàn dễ trước, khó sau. Hoạt động ở những nơi địch dễ sơ hở. Làm ở ngoại thành hiệu quả thì chuyển vào nội thành. Ví dụ hoạt động trên toa xe lửa, nói với người cầm lái chúng tôi là Việt Minh, tuyên truyền cho bà con… Bà con ủng hộ, các thành viên xuất quỷ nhập thần. Hoạt động sôi nổi tại các nhà hát những nơi tập trung đông người và ảnh hưởng rất lớn…”.

Người chiến sĩ thành Hoàng Diệu năm xưa-ngày ấy, bây giờ - ảnh 1

 Sự kiện mà ông nhớ nhất là thời điểm chuẩn bị giành chính quyền, những thành viên Đội thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu đã tham gia cướp diễn đàn và biến trở thành một cuộc mit tinh ủng hộ Việt Minh: “ Hồi đó, tôi phụ trách phong trào Hà Nội. Địch tổ chức mit tinh, tuyên truyền ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Thanh niên Hoàng Diệu tham gia cướp diễn đàn, biến cuộc mít tinh thành cuộc biểu tình ủng hộ  Việt Minh. Tạo bước nhảy vọt tiến tới Tổng khởi nghĩa..”.

Khi Hà Nội được giải phóng, ông Vũ Oanh không có mặt ở Thủ đô vào thời điểm đó vì đang nhận nhiệm vụ ở một địa bàn khác. Nhưng mỗi khi tới ngày kỷ niệm 10/10, những ký ức lịch sử lại tràn về đan  xen niềm hạnh phúc vì được chứng kiến những đổi thay của Hà Nội hôm nay:“ Những ngày kỷ niệm, với tôi, thật sự quý giá. Còn  được sống trên đời thực sự là niềm hạnh phúc. Bởi đây là sự động viên mình, mình được chứng kiến sự đổi thay của Hà Nội, của  đất nước ngày một  đi lên…”.

Tinh thần và ý chí của người chiến sĩ thành Hoàng Diệu năm xưa sau bao nhiêu năm vẫn được hâm nóng bằng tư tưởng giải phóng dân tộc của Hồ Chủ Tịch. Những lời dạy của Người đã theo ông mãi cho tới tận bây giờ, tạo quyết tâm để ông thành lập Hội cựu chiến binh, Hội khuyến học, Hội người cao tuổi và giờ là  Hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng do ông làm Chủ tịch: Triết lý của tôi là việc khó có dân. Tôn chỉ mục đích của tôi là đồng tâm hiệp lực, vì sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng giống nòi, đào tạo nhân tài cho đất nước. Hội này là lớn nhất quy tụ CCB, khuyến học, người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên, biên phòng. Làm sao để thế hệ trẻ tự hào dân tộc mình, tu dưỡng, phấn đấu, đấy là vấn đề của muôn đời.

 Nói đến đây, ánh mắt của ông Vũ Oanh lại rạng ngời. Trong ánh nắng thu rực rỡ, hòa  trong niềm vui chung của dân tộc, người chiến sĩ thành Hoàng Diệu năm xưa vẫn mong muốn được cống hiến đúng như ông tâm sự: “ xây dựng đất nước là sự nghiệp của muôn đời”. Rồi ông khẽ nhắc lại câu nói của Bác Hồ mà ông luôn ghi dấu trong lòng: Vì sự nghiệp 10 năm trồng cây, trăm năm trồng người….”

                                                                             

Phản hồi

Các tin/bài khác