Phố cổ Hà Nội nét văn hoá xưa và nay

(VOV5) - Thủ đô Hà Nội nổi tiếng bởi khu vực phố cổ với tên gọi nguyên gốc“ Hà Nội 36 phố phường”. Ở đây , phố này, nối với phố kia, tạo nên một nét rất riêng của Hà Nội. Ngay từ thế kỷ XV, những dòng người đổ về kinh kỳ Thăng Long làm ăn buôn bán đã tạo ra những phường nghề, phố nghề, mà mỗi tên phố đều bắt đầu từ chữ “ Hàng” gắn với một ngành nghề thủ công truyền thống. Trải qua hàng trăm năm, phố cổ Hà Nội vẫn giữ trong mình những giá trị rất riêng không giống bất cứ nơi đâu.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

   

Năm 1010 vua Lý Thái Tổ đã quyết định cho dời đô từ Hoa Lư ( Ninh Bình) về thành Đại La và đặt tên kinh đô mới là Thăng Long( Rồng bay lên). Trong chiều dời đô mùa xuân năm ấy nhà vua viết: Vùng đất thiêng Thăng Long là nơi "bốn phương tụ họp, đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời". Kinh thành Thăng Long thời ấy, bên cạnh khu Hoàng thành dành cho các bậc vua chúa, cũng có tới 61 phường quản lý các hoạt động dân sinh. Nhà sử học, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, cho biết: “ Người ta thấy vùng này là đầu mối của các đường giao thông, đầu mối của việc trao đổi hàng hóa. Chỗ này dân cư và kinh tế phát triển, cho nên người ta chọn nơi đó làm nơi cư ngụ và dần hình thành cả một trung tâm buôn bán”.  

 

 Phố cổ Hà Nội nét văn hoá xưa và nay  - ảnh 1
Khu 36 phố phường còn có tên gọi nôm là "Kẻ Chợ" - cách gọi những nơi tập trung buôn bán ở thời kỳ phong kiến. Đến những năm 1990, cách gọi "Phố cổ Hà Nội" mới dần phổ biến.
Ảnh: vnexpress.net



Là kinh đô của cả nước, Thăng Long (Hà Nội ngày nay) là nơi thu hút những tinh hoa những làng nghề,  thợ thủ công tài giỏi bậc nhất cả nước. Những nhóm thợ thủ công từ các địa phương về kinh đô dần lập nên các phường nghề, chính là Hà Nội 36 phố phường ngày nay. Lên kinh thành lập nghiệp, nhưng những phường thợ thủ công vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với quê hương nghề Tổ. Họ sản xuất, bán hàng, tổ chức cuộc sống, xây dựng nhà cửa...nhưng vẫn duy trì nhiều tập tục, sinh hoạt tâm linh, lễ hội...mang đậm dấu ấn từ các làng quê. Thời kỳ Thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, quy hoạch Hà Nội bắt đầu thay đổi. Đặc biệt là khu phố cổ, các đường phố được nắn lại, có hệ thống thoát nước, có hè phố, đường được trải nhựa và có hệ thống chiếu sáng. Nhà cửa hai bên đường phố được xây bằng gạch, lợp ngói. Bên cạnh những ngôi nhà cổ truyền thống đã xuất hiện những ngôi nhà ống có mặt tiền được xây dựng, trang trí theo kiểu châu Âu. Sau  khi thủ đô Hà Nội được giải phóng năm 1954, phần nhiều nhà trong khu phổ cổ chủ yếu dùng làm nơi để ở.

 

Năm 1986, thực hiện đường lối chính sách của Nhà nước phát triển kinh tế thị trường, mở rộng lưu kinh tế, khích lệ người dân mở mang, phát triển kinh tế, buôn bán, khu phố cổ dần được phục hồi phát triển và sầm uất hơn trước. Trong khu vực phố cổ ở Quận Hoàn Kiếm ngày nay, trong số 76 phố vẫn có 47 phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” và dù có thay đổi về dịch vụ ngành nghề và hàng hoá, nhưng nhiều con phố vẫn giữ trong mình những giá trị lịch sử văn hoá truyền thống. Ông Trần Việt Anh, Phó trưởng Ban quan lý phố cổ Hà Nội, cho biết:  “Hiện nay về mặt vật thể vẫn còn giữ lại một số công trình kiến trúc, không gian kiến trúc, nhất là mạng lưới đường và những di tích có giá trị lịch sử liên quan tới phố cổ. Về phi vật thể có rất nhiều. Thứ nhất đó là các phố nghề truyền thống , thứ hai là những phong tục tập quán, cách sống, cách sinh hoạt của người dân trong khu phố cổ. Đấy là những giá trị rất quan trọng”.

 

 

Đi trên những phố cổ Hà Nội, chỉ cần đọc tên phố có chữ “Hàng” là có thể biết phố đó có nghề gì, ví như: ở phố Hàng Bạc vẫn giữ nghề gia công chế tác vàng bạc, phố Hàng Đồng có nghề đúc đồng, gò đồng, Phố Lò rèn vẫn có người làm nghề rèn, phố Tố Tịch vẫn có nghề tiện khắc dấu... thậm chí chỉ cần nghe âm thanh ngoài phố, khách du lịch có thể biết phố đó làm nghề thủ công gì. Ở phố Hàng Thiếc vẫn duy trì nghề gò thiếc, sắt tây có cách đây hàng trăm năm. Phố Hàng Thiếc dù chỉ dài vài trăm mét, nhưng hầu như cả dãy phố đều làm nghề. Tiếng búa gõ vang vọng khắp  nơi

 

 

 Phố cổ Hà Nội nét văn hoá xưa và nay  - ảnh 2
Ảnh: phoco.vn


Dạo bước trên những con phố nhỏ, nhiều du khách đôi khi còn bất ngờ bắt gặp những công trình kiến trúc cổ là những ngôi đình, chùa, đền, miếu, những di tích làng nghề. Tại đây thường xuyên diễn ra những hoạt động tâm linh như:  Lễ giỗ tổ nghề, các lễ hội đặc trưng của người dân phố nghề. Trong khu phố cổ hiện còn lưu giữ nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, văn hoá, văn nghệ dân gian như: hầu đồng, hầu bóng, hát chèo, chầu văn...Nhưng điều hấp dẫn hơn cả với nhiều du khách là được chứng kiến nếp sống yên bình, phản ánh lối sống, tập quán, thói quen nếp sinh hoạt của người dân phố cổ. Ông Vinh, cư dân cao tuổi ở phố Hàng Giày, cho biết: “ Người Hà Nội thích yên bình, chính sự yên bình đó tạo nên phố sá,  phố nghề Hà Nội. Mỗi sáng mở cửa ra đã thấy hàng xóm. Mỗi nhà mỗi nghề, nhưng nhà ai có việc đều biết. Có khi một nhà có việc thì cả phố người ta đến giúp ,mọi người giao hoà với nhau như thể trong một làng. Nhiều nét sinh hoạt ở đây vẫn mang tính làng nghề, làng quê. Bởi thế, trong làm nghề người ta coi trọng chữ tín, giữ gìn trong cách ăn mặc, nói năng, sinh hoạt..”.        

 

Ngày nay nhiều  phố “Hàng” đã chuyển sang kinh doanh mặt hàng mới. Đổi thay là tất yếu, song trong nhịp điệu, nếp sống của người dân khu phố cổ vẫn cho du khách cảm nhận về cái hồn cốt phố nghề xưa. Khu phố cổ không chỉ mang giá trị lịch sử nghệ thuật kiến trúc, ở đó còn lưu giữ nhiều ký ức về cuộc sống của kinh thành Thăng Long xưa. Trong đó nổi bật là không gian văn hoá với những hình thức sinh hoạt, cách ứng xử vẫn mang dấu vết của những làng nghề, phường nghề thủ công truyền thống. Điều đó tạo nên giá trị, nét văn hoá đặc trưng riêng cho khu phố cổ Hà Nội.

Phản hồi

Các tin/bài khác