(VOV5) - Thời gian gần đây, nhiều quan chức cấp cao Mỹ, các thượng nghị sĩ, Bộ ngoại giao, Bộ quốc phòng Mỹ đều đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ phản đối hành vi của Trung Quốc.
Hành vi của Trung Quốc là nguy hiểm và có thể tạo là một “tiền lệ” mới gây phương hại cho các quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông. Tiến sỹ Tang Siew Mun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện ISEAS- Yusof Ishak, Singapore, khẳng định trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV gần đây.
Tiến sỹ Tang Siew Mun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện ISEAS- Yusof Ishak, Singapore. - Ảnh: Hội nhà báo Việt Nam |
Theo ông Tang Siew Mun, những diễn biến căng thẳng gần đây ở Biển Đông không chỉ là câu chuyện giữa Việt Nam và Trung Quốc, không chỉ liên quan đến ASEAN mà còn cả các nước khác như Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu, Úc, New Zealand... Bắc Kinh đang cố tình phớt lờ những phản ứng của cộng đồng quốc tế để củng cố lập trường của họ tại khu vực tranh chấp này.
Thời gian gần đây, nhiều quan chức cấp cao Mỹ, các thượng nghị sĩ, Bộ ngoại giao, Bộ quốc phòng Mỹ đều đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ phản đối hành vi của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành vi “bắt nạt” gây nguy hiểm cho ổn định khu vực.
Đánh giá về các động thái này, ông Tang Siew Mun cho rằng: "Đây có lẽ là một hành động phù hợp vì nếu cứ để mọi việc tiếp diễn như vậy thì tình hình sẽ leo thang. Các bên cần giảm bớt hoạt động, đưa Biển Đông trở lại hiện trạng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động ngoại giao. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ duy trì những hoạt động như thế này. Họ sẽ làm những gì họ cho là có thể bảo vệ lợi ích quốc gia. Điều này nguy hiểm ở chỗ là nếu cứ tiếp diễn như vậy, nó sẽ tạo ra một “thông lệ” mới, một hiện trạng mới, gây phương hại cho các nước khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông".
Tiến sỹ Tang Siew Mun nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần có những tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm trái phép luật pháp quốc tế.