(VOV5) - Các đại biểu phân tích về thực trạng tình hình Biển Đông hiện nay, đặc biệt là hơn 1 năm sau khi Toà trọng tài La Hay ra phán quyết phủ nhận hoàn toàn các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Ngày 18/9, tại thủ đô Moscow, Viện Đông Phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 3 với chủ đề: “An ninh và hợp tác tại Biển Đông: Sự tiến triển của những lợi ích chính trị-quân sự của các bên liên quan”.
Quang cảnh Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 3. Ảnh: Lê Quang Vinh/TTXVN |
Với 13 bài tham luận được chia làm 4 phiên xoay quanh 4 nhóm vấn đề cơ bản như cách tiếp cận quân sự-chính trị với cuộc xung đột ở Biển Đông, phán quyết của Tòa trọng tài ở La Hay (Hà Lan) về vấn đề Biển Đông năm 2016 và ý nghĩa của nó đối với giải quyết xung đột, chính quyền Mỹ mới và vấn đề quân sự hoá trong khu vực Biển Đông, các quốc gia ASEAN và quan hệ với Trung Quốc liên quan cuộc xung đột trên Biển Đông. Các đại biểu phân tích về thực trạng tình hình Biển Đông hiện nay, đặc biệt là hơn 1 năm sau khi Toà trọng tài La Hay ra phán quyết phủ nhận hoàn toàn các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời đưa ra những đề xuất tìm kiếm hướng giải quyết xung đột trên Biển Đông bằng con đường ngoại giao hoà bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Kết thúc hội thảo, các đại biểu đưa ra những khuyến nghị nhằm sớm giải quyết cuộc xung đột trên Biển Đông, trong đó nhấn mạnh đến việc Trung Quốc phải ngừng ngay việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo và quân sự hoá các hòn đảo này, đảm bảo các nguyên tắc tự do hàng hải; Các bên cần nhanh chóng ký kết và thực hiện đầy đủ Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC); Các bên cần tích cực tiến hành các cuộc đàm phán song phương và đa phương để sớm tìm ra hướng giải quyết.