(VOV5) - Việt Nam cần có thêm tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa, cần sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông.
Đây là ý kiến của Tiến sĩ – Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển mà phóng viên VOV ghi lại tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 vừa mới diễn ra tại Hà Nội.
Tiến sĩ – Luật sư Hoàng Ngọc Giao |
Phóng viên: Thưa ông! Từ góc độ một nhà nghiên cứu về luật pháp, ông có thể đưa ra nhận định về mức độ ràng buộc của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và triển vọng của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc?
TS-LS Hoàng Ngọc Giao: Chúng ta đã biết DOC là tuyên bố về cách ứng xử của các nước ASEAN và Trung Quốc, đã ký nhiều năm nay rồi. Tuy nhiên, nhìn lại thì có thể thấy, nếu nhìn ở góc độ giá trị văn bản, đó là chỉ là một tuyên bố, mà đã là tuyên bố thì chỉ mang tính tượng trưng, đồng lòng về một ý tưởng cùng hành động với nhau chứ tính ràng buộc về pháp lý không cao. Thiện chí ban đầu là ký với nhau nhưng việc thực hiện không ràng buộc về pháp lý cho nên có thể nói DOC hiện nay đang bị phá vỡ trên thực tế và nước vi phạm là Trung Quốc. Bởi trong DOC đã quy định những quy tắc ứng xử rất rõ ràng đó là không quân sự hóa, không được xâm chiếm tiến hành chiếm giữ các thực thể ở Biển Đông và không được có các hành động làm phức tạp thêm tình hình. Tuy nhiên nhìn lại những năm qua, thấy rõ Trung Quốc là nước đơn phương, chủ động vi phạm các quy tắc của DOC.
Dưới góc độ uy tín quốc tế, dước góc độ vị thế và trách nhiệm chính trị quốc tế thì rõ ràng Trung Quốc đang đánh mất hình ảnh của mình, không tôn trọng chính cam kết của mình. Và điều này công luận quốc tế cần phải biết.
Tàu Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc trong thời gian qua đã liên tục xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. ảnh: Schottel |
Hiện nay, ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán COC – Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở biển Đông. Nếu ký được COC thì giá trị pháp lý sẽ mạnh mẽ hơn nhiều. Vì thế, để các nước ràng buộc nhau chặt hơn nên đặt vấn đề với Trung Quốc để ký COC. Nhưng trên thực tế những năm qua, đàm phán COC rất vất vả. Duờng như Trung Quốc đang ép các nước rằng các mối quan hệ các nước ven Biển Đông chỉ là khép gọn trong mối quan hệ với Trung Quốc mà thôi và không có sự tham gia của nước ngoài. Điều này là hoàn toàn vô lý, cả về mặt thực tế. Bởi Biển Đông là một vùng biển mở, là đường giao lưu quốc tế từ Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương và lưu lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Động là 5000 tỷ USD/năm.
Duờng như Trung Quốc đang ép các nước rằng các mối quan hệ các nước ven Biển Đông chỉ là khép gọn trong mối quan hệ với Trung Quốc mà thôi và không có sự tham gia của nước ngoài. Điều này là hoàn toàn vô lý, cả về mặt thực tế.
Vậy thì cớ gì mà TQ lại muốn khoanh lại trong quan hệ giữa các nước ven biển Đông. Điều này đã là vô lý mà hoàn toàn không phù hợp với UNCLOS bởi một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế là tự do hàng hải, tự do hàng không, để luân chuyển hàng hóa và thương mại.
Phóng viên: Qua 10 năm tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông, ông có thể đánh giá về mức độ tác động của nó đến nhận thức của cộng đồng quốc tế về Biển Đông?
TS-LS Hoàng Ngọc Giao: Tôi nghĩ việc tổ chức được những hội thảo như này 10 năm qua là rất tốt và cần phải làm mạnh hơn nữa. Chúng ta nếu so sánh với Trung Quốc trong câu chuyện truyền thông về chủ quyền biển đảo của chúng ta có thể nói trên quốc tế cũng còn rất hạn chế. Việc Học viện Ngoại giao tổ chức hội nghị như thế này tôi đánh giá rất cao. Chúng ta có bạn bè quốc tế đến, là cơ hội để các chuyên gia, các học giả, những người làm chính sách trao đổi với nhau và cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn đường lối đối ngoại của Việt Nam đối với Biển Đông, cũng như hiểu rõ hơn những hành vi vi phạm pháp luật quốc tế và đặc biệt là Luật biển quốc tế tại các vùng biển của Việt Nam như thế nào. Điều này rất tốt nhưng theo tôi chỉ tổ chức hội thảo này là chưa đủ cần phải tăng cường nhiều diễn đàn hơn nữa.
Không chỉ những diễn đàn của các học giả, diễn đàn của các chuyên gia, mà chúng ta cũng cần phải tổ chức những cuộc trao đổi bàn tròn chuyên sâu về những vấn đề liên quan đến các vùng biển của Việt Nam. Hơn nữa, không chỉ truyền thông ra quốc tế mà phải cho người dân Việt Nam biết được tình hình phức tạp và nghiêm trọng như thế nào.
Tiến sĩ – Luật sư Hoàng Ngọc Giao |
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về mức độ quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông?
TS-LS Hoàng Ngọc Giao: Theo tôi, mức độ quan tâm của cộng đồng quốc tế trong những năm gần đây về Biển Đông và đặc biệt là câu chuyện hành vi của Trung Quốc đối với các vùng biển Việt Nam thì tôi đánh giá là ngày càng cao. Chúng ta biết rằng ngay khi tàu HD 08 vào vùng biển của Việt Nam thì lập tức có phản ứng của một số Chính phủ các nước Mỹ, Australia, Ấn Độ, EU. Điều đó cho thấy là lãnh đạo Chính phủ các nước, những nước mà coi trọng pháp luật quốc tế và những nước ứng xử có trách nhiệm, đều lên tiếng phản đối hành vi của Trung Quốc, lên án hành vi xâm chiếm, đe dọa dùng vũ lực tại vùng biển của chúng ta. Điều đó rất tốt và truyền thông quốc tế đưa rất kịp thời. Các chuyên gia quốc tế cũng đều có ý kiến điều đó chứng tỏ rằng là quốc tế rất quan tâm đến câu chuyện Biển Đông của chúng ta.
Lãnh đạo Chính phủ các nước, những nước mà coi trọng pháp luật quốc tế và những nước ứng xử có trách nhiệm, đều lên tiếng phản đối hành vi của Trung Quốc, lên án hành vi xâm chiếm, đe dọa dùng vũ lực tại vùng biển của chúng ta.
Trong khi đó, chúng ta cũng cần phải mạnh mẽ hơn nữa, có những hành động cụ thể hơn nữa để đáp lại sự quan tâm và cũng là để cho quốc tế người ta hiểu mình. Theo tôi, quyết tâm thứ nhất là quyết tâm chính trị của lãnh đạo các nước ASEAN, phải đoàn kết với nhau. Thứ hai là phải có thiện chí. Chắc chắn chúng ta hoàn toàn có thiện chí, các nước ASEAN cũng có thiện chí, nhưng vấn đề chính phải là từ phía Trung Quốc. Họ phải có thiện chí và phải có trách nhiệm trách nhiệm tôn trọng pháp luật quốc tế, trách nhiệm tôn trọng luật biển quốc tế thì mới có thể thành công được trong đàm phán COC. Còn hiện nay, rõ ràng ngoài miệng thì phía Trung Quốc vẫn phát ngôn rằng tôn trọng luật pháp quốc tế nhưng trên hành thì thấy rõ ràng không phải vậy.
Chúng ta cũng rất mong muốn hợp tác ASEAN đoàn kết trong câu chuyện Biển Đông. Nguyên tắc nhất trí trong Biển Đông rất quan trọng. Để đàm phán ASEAN-TQ trong vấn đề Biển Đông thì các nước ASEAN cần phải nỗ lực đoàn kết hơn nữa, đồng lòng hơn nữa.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!