Tuần qua, gửi thư về các chương trình, thính giả bày tỏ sự thú vị về các chương trình của Đài TNVN.Thính giả cũng quan tâm khá nhiều nội dung.
Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,
Trong thư gửi về, thính giả từ khắp nơi tiếp tục chúc mừng một năm mới 2023, mong muốn sẽ được đồng hành với các chương trình của VOV.
Các thính giả từ Indonesia, Nhật Bản, Ấn độ, bày tỏ sự thú vị về các chương trình của VOV, bày tỏ tình yêu với đất nước Việt Nam. Thính giả Algerie Omar Lassas viết: “Tôi xin cảm ơn những nỗ lực của các bạn trong suốt một năm qua để những thính giả chúng tôi được biết đến Việt Nam nhiều hơn.” Thính giả Rudy Hartono, người đạt giải tại Cuộc thi Bạn biết gì về Việt Nam 2020 cảm ơn VOV vì sự đón tiếp nồng hậu và rất vui khi được thăm VOV. Các thính giả từ Chile, Cuba, Tây Ban Nha, Colombia…gửi lời chúc tới các chương trình, các biên tập viên một năm mới hạnh phúc, tiếp tục xây dựng được nhiều chương trình thú vị. Trong suốt một năm qua, các phóng viên của Đài TNVN thường trú tại các nước cũng đã làm tốt nhiệm vụ của mình, phản ánh mọi mặt tình hình ở nước ngoài, trong đó có bà con người Việt. Các phóng viên của chương trình cũng hàng ngày kết nối với các cộng tác viên, thính giả, kiều bào để có những tin, bài, những cuộc tọa đàm phản ánh đời sống của bà con ở nước ngoài. Trang web vovworld.vn, hàng ngày vẫn nhận nhiều bình luận, ý kiến, chia sẻ của thính giả ở khắp nơi, đóng góp cho các chuyên mục, các bài viết, cũng như những yêu cầu mong muốn giải đáp.
Thưa quý thính giả, trong phần trả lời yêu cầu, tuần này, thính giả Heng Vuthy, Campuchia, muốn tìm hiểu phong tục treo tranh Tết của người Việt Nam.
Cứ mỗi độ Xuân về, tranh Tết xuất hiện làm cho không khí đón chờ năm mới thêm náo nức, tưng bừng. Thường sau ngày đưa ông Táo, mỗi gia đình cũng lựa mua những bức tranh Tết với hy vọng đón vinh hoa, phú quý về nhà. Ngày trước, với các gia đình nông thôn, nhà tranh vách đất có thể trang hoàng với những tờ tranh nhỏ, giá cả phải chăng. Còn đối với người thị thành, việc treo tranh, chơi tranh không đơn giản là chơi cho có không khí Tết, mà bức tranh còn đồng thời là vật trang trí để kiến tạo nên được một không gian sang trọng và quí phái. Những dòng tranh dân gian nổi tiếng là Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Nội) và làng Sình (Huế) với màu sắc sặc sỡ thường được chọn treo trong dịp Tết với nguyện vọng đón chào một năm mới tốt lành, bình an. Tranh Tết là thông điệp, gửi lời cầu chúc cho gia chủ một năm phát tài phát lộc, vạn sự như ý.
Thính giả Triệu Liên Quý, ở Liêu Ninh, Trung Quốc, muốn đến du lịch Việt Nam và đặt nhiều câu hỏi như: đi du lịch tự túc đến Việt Nam có thể làm visa điện tử được không?
Thời điểm hiện tại, Việt Nam áp dụng cấp visa điện tử (E-visa) cho công dân nước ngoài đến từ 80 quốc gia trên thế giới mà không phân biệt mục đích nhập cảnh như du lịch, thăm thân, đầu tư thương mại, lao động hay kết hôn, với thời gian lưu trú không quá 30 ngày. Nếu bạn muốn đến Việt Nam, bạn cần liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để nhờ tư vấn cụ thể. Chúc bạn sớm có chuyến du lịch thú vị tới đất nước chúng tôi.
Thính giả người Nhật Bản Ogawa Tatsuya hỏi việc kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống như bảo tồn và duy trì các lễ hội đặc sắc của dân tộc thiểu số ở Việt Nam?
Lễ hội là di sản văn hóa của người Việt, là sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Trên khắp đất nước Việt Nam, địa phương nào cũng có lễ hội, trong đó các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số có những nét đặc sắc riêng rất giá trị. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần đó là hết sức cần thiết. Tại một số địa phương vẫn còn lưu giữ được các lễ hội truyền thống văn hoá quý báu như Lễ hội Ok om bok của đồng bào Khmer - Sóc Trăng; Lễ hội trò trám của đồng bào dân tộc Tày – Phú Thọ; Lễ hội Ka Tê của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận; Lễ hội Lồng tồng của đồng bào Tày, Nùng phía Bắc… Ở những lễ hội này, người ta vẫn có thể bắt gặp những nhân tố mang tính chất truyền thống như trang phục, cách tế lễ thần linh và các vật tế lễ…..
Tuy nhiên, hàng ngàn lễ hội khác của bà con các dân tộc thiểu số lại đang rơi vào tình trạng bị quên lãng hoặc bị biến tướng. Gìn giữ và duy trì những lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số, thì việc đầu tiên là tuyên truyền để bà con các dân tộc hiểu rõ giá trị của các lễ hội dân gian truyền thống đó, đồng thời cần sự hỗ trợ của các tổ chức về mặt tinh thần và vật chất để các lễ hội có điều kiện được khôi phục.
Thính giả Michael Beine, người Bỉ, hỏi về thú chơi chim cảnh của người Việt Nam.
Cuộc sống hiện đại với nhịp sống vội vàng ngày nay là một nguyên nhân khiến con người trở nên căng thẳng, mức độ gặp phải stress của người Việt Nam ngày càng cao. Thế nhưng, những người đam mê chim cảnh, với họ, sau một ngày dài vất vả với những lo toan cơm áo gạo tiền, được nghe tiếng chim hót và ngắm nhìn những bộ lông vũ sặc sỡ xinh đẹp lại phần nào giúp họ giải tỏa những căng thẳng trong lòng. Chơi chim cảnh không chỉ đem lại lợi ích về mặt tinh thần mà nó còn đem lại cả lợi ích về mặt kinh tế cho chủ nhân. Việc bắt đầu nuôi một chú chim non từ khi còn nhỏ được mua về với giá vài chục ngàn hay và vài trăm ngàn đồng là điều khá đơn giản, nhưng sau một quá trình nuôi chú chim đó có hình dáng bắt mắt, giọng hót hay và siêng hót thì sẽ được người khác mua lại với giá hàng chục triệu đồng không phải là hiếm trong giới chơi chim cảnh.
Thính giả Paul Jame gửi thư tới chương trình tiếng Pháp hỏi về món bún bò của Việt Nam.
Bún bò là một trong những đặc sản của xứ Huế, mặc dù món bún này phổ biến trên cả ba miền ở Việt Nam và cả người Việt tại các nước. Tại Huế, món này được gọi đơn giản là "bún bò" hoặc gọi cụ thể hơn là "bún bò thịt bò". Các địa phương khác gọi là "bún bò Huế", "bún bò gốc Huế" để chỉ xuất xứ của món ăn này. Món ăn có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng và vị sả và ruốc. Đôi khi tô bún còn được thêm vào thịt bò tái,chả cua, và các loại nguyên liệu khác tùy theo sở thích của người nấu. Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng của nồi bún bò Huế. Người ta cũng thường cho thêm một ít ớt bột và gia vị vào tô bún rồi ăn với rau sống gồm giá, rau thơm, xà lách, rau cải con, bắp chuối cắt nhỏ.