Tuần qua, gửi thư về chương trình, thính giả quan tâm tới một số lĩnh vực đời sống của Viêt Nam như ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6; nhà truyền thống của người Việt; hoạt động kích cầu du lịch hè 2024; món ăn đặc trưng mùa hè.
Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn
Tuần qua, trên các phương tiện truyền thông, đều đăng tải nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/06. Đây cũng là nội dung được thính giả khắp nơi quan tâm.
Thính giả Ấn Độ Bidhan Chandra Sanyal viết: Tiếng nói Việt Nam là tiếng nói của đảng và của nhân dân. Mỗi lần nghe “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam”, chúng tôi rất xúc động…” Chúc mừng các nhà báo của VOV nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Thính giả Jose Carlos Carbajal, người Uruguay viết: “Cách đây một thời gian, tôi có cơ hội được nghe các chương trình phát thanh của Đài TNVN trên tần số 9.730 kHz. Chương trình của các bạn rất thú vị. Tôi xin cảm ơn các bạn. Thính giả Jairo Castillo bình luận trên trang web chương trình tiếng Tây Ban Nha: “Tôi xin gửi lời chào và lời chúc mừng trên trang web tuyệt đẹp của các bạn”. Thính giả người Mexico, Javier Gonzalez Nungaray, viết: “Nhờ Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi luôn được thông tin đầy đủ và cập nhật các tin tức cũng như các chương trình gần gũi và cập nhật của đài.
Chương trình cũng nhận được thư của thính giả Tokaz từ Ba Lan, thông tin về bắt được sóng của Đài TNVN. Cảm ơn tình cảm mà các bạn luôn dành cho chúng tôi. Rất nhiều thính giả cũng chia sẻ ý kiến về các tin, bài trong các chuyên mục, tin tức, hình ảnh về chuyến thăm của Tổng thống Nga tới Việt Nam cũng như nhiều hoạt động quốc tế khác.
Quý thính giả thân mến, như thường lệ, phần trả lời thư của thính giả, tuần này, lá thư đầu tiên mà chương trình giới thiệu là của thính giả Dalavan, từ Lào muốn tìm hiểu về ý nghĩa của ngày Báo Chí Cách Mạng Việt Nam.
Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 hằng năm là dịp để toàn thể nhân dân tôn vinh, tri ân những nhà báo đã đưa đến độc giả những bài báo phản ánh chân thực các vấn đề đời sống, văn hóa, xã hội, những câu chuyện truyền cảm hứng và những tấm gương đáng tôn vinh. Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 của thế kỷ XIX, đã có “Gia Định báo” và một số báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ XX, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất. Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên thì dòng báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành. Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí. Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhiều thính giả muốn hỏi về nhà truyền thống của người Việt. Tuần trước, chương trình đã giới thiệu với các bạn về nhà sàn của người Việt. Tuần này, chúng tôi xin giới thiệu một số nhà truyền thống khác
Một trong những kiểunhà truyền thống của người Việt phổ biến nhất hiện nay chính là nhà trệt. Đây là mô hình nhà ở phổ biến của người Việt, Hoa, Khmer, Chăm… dọc theo các dòng sông, sườn núi. Kiểu nhà ở này được xây dựng bài bản, chung quanh nhà có hàng rào, có vườn cây rất khoáng đãng, mát mẻ. Bên trong mỗi ngôi nhà bao gồm nhà chính, nhà phụ, sân hiên, ao cá,…Nhà trình tường của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc cũng là nhà truyền thống của người Việt. Nhà trình tường là kiểu nhà ở của đồng bào người Mông, Hà Nhì, Lô Lô, Dao, Tày… được xây dựng từ đất để chống lại thời tiết khắc nghiệt của miền núi. Nhà lá là mô hình nhà ở rất phổ biến của các tỉnh miền Tây Nam Bộ, sử dụng lá dừa nước để lợp cho phần mái nhà và làm vách. Lá dừa nước phù hợp với cả hai mùa mưa nắng. Vì thế, nhà lá rất phổ biến ở Nam Bộ.
Thính giả Kim Samneang, Campuchia, hỏi ở Việt Nam có bộ môn Flyboard không?
Với cơ chế sử dụng lực đẩy của nước, Flyboard đưa người chơi bay lên tới độ cao vài mét để thỏa thích nhào lộn, bay lượn trên không trung. Những năm gần đây, bộ môn này xuất hiện tại một số tỉnh như Bình Thuận, Khánh Hòa, Kiên Giang. Đây cũng là bộ môn thể thao được các bạn trẻ ưa mạo hiểm yêu thích.
Nhiều thính giả quan tâm các hoạt động kích cầu du lịch hè 2024 của Việt Nam.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đặt mục tiêu năm nay, ngành du lịch đón 17 đến 18 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu khách nội địa, tăng hơn 5 triệu khách so với năm ngoái. Để hoàn thành được mục tiêu, Bộ văn hóa thể thao và Du lịch định hướng các địa phương triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề "Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu". Các địa điểm có biển như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc… là lựa chọn của nhiều du khách trong mùa hè. Các công ty du lịch, doanh nghiệp lữ hành triển khai các chương trình ưu đãi như hoàn tiền hay giảm 50% tour nội địa, bán giá ưu đãi các tour, tuyến hoặc ưu đãi cho các đoàn khách theo nhóm, theo gia đình.
Thính giả Fumito Hokamura, ở Nhật Bản, hỏi về món ăn đặc trưng mùa hè của Việt Nam. Chương trình xin giới thiệu với các bạn:
Chè đậu xanh mát lạnh, chè long nhãn là những món ngon rất phù hợp vào mùa hè nóng bức. Mùa hè cũng là thiên đường của các loại trái cây nhiệt đới như xoài, dâu, dưa hấu, dứa,..được chế biến thành trái cây dầm, salad trái cây, nước ép trái cây, yến mạch mix hạt và trái cây...Mỗi một vùng miền của Việt Nam cũng lại có những món ăn đặc trưng cho ngày hè. Miền bắc có vịt om sấu, canh rau ngót nấu thịt, lòng xào dưa…Với mùa hè miền Trung Việt Nam, các bạn có thể thưởng thức canh hến rau muống, canh chua lá giang…Đến với mùa hè miền Nam, người dân ưa thích món canh khổ qua nhồi thịt. Tất cả đều là những món ăn giải nhiệt mùa hè, bổ dưỡng cho sức khỏe.