(VOV5) - Tết trung thu 3 miền mang ba màu sắc khác nhau. Thế nhưng, cùng là người dân tộc Việt Nam, do đó, những nét đẹp cổ truyền cốt lõi nhất của ngày trung thu vẫn được gìn giữ, phát huy.
Trong thư gửi về chương trình, thính giả chia sẻ tình cảm với Đài TNVN. Thính giả cũng muốn được tìm hiểu thông tin về Tết Trung Thu ở ba miền; danh thắng Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà cũng như món cá kho làng Vũ Đại.
Nghe âm thanh tại đây:
Tiếp tục là những lá thư ở khắp nơi gửi về chương trình, thính giả chia sẻ những ấn tượng cũng như sự thú vị trong các chương trình của Đài TNVN
Nhiều thính giả cho biết, Đài Tiếng nói Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều thính giả với nguồn tin tức đánh tin cậy, đưa Việt Nam tới gần hơn với bạn bè thế giới. Thính giả cho rằng chính việc phát triển các nền tảng xã hội và tận dụng công nghệ đã giúp VOV thu hút được nhiều thính giả hơn nữa. Thính giả Tomas Tokas, từ Ba Lan vẫn đều đặn gửi thông tin bắt sóng được các chương trình của Đài TNVN, mong muốn sẽ nhận được xác nhận nghe đài. Chúng tôi đã nhận được thông báo. Cám ơn thính giả luôn đồng hành với đài TNVN.
Quý thính giả thân mến, nhiều thính giả hỏi về sự khác biệt của Tết Trung thu ở miền Trung, miền Nam và miền Bắc?
Đối với người miền Bắc thì tết Trung thu được chuẩn bị rất cầu kỳ, tinh tế, gắn liền với niềm vui của một mùa màng bội thu, của hương thơm ngát từ cốm xanh, của những loại hoa quả chín mọng như quả hồng, quả bưởi. Để chuẩn bị cho ngày tết trung thu ở miền Bắc, khắp phố phường sẽ nhuộm màu của đèn lồng đèn ông sao, của những gian hàng bánh đầy đủ sắc màu. Người ta sử dụng bánh nướng, bánh dẻo để gửi tặng cho người thân yêu. Còn Tết Trung thu ở miền Trung lại là sự náo nhiệt của các lễ hội. Ở phố cổ Hội An, đèn lồng rực rỡ sẽ được thả xuống con sông với mong muốn trao gửi đi sự yêu thương, lời cầu nguyện may mắn, lời tạ ơn đất trời. Ẩm thực miền Trung trong ngày tết trung thu đề cao giá trị những món ăn truyền thống như: Bánh xèo, mì quảng, chè bắp, yến sào,… Du khách khi tới đây sẽ được tiếp xúc với một nền văn hóa hoàn toàn mới, hoàn toàn khác lạ. Còn đối với miền Nam, tết trung thu là thời điểm lý tưởng nhất để người miền Nam thể hiện tình cảm ấm áp của mình đối với những người thân. Với người miền Nam, Trung thu đến mọi người trong gia đình phải sum họp với nhau, ăn một bữa cơm ấm cúng, trò chuyện chân thành. Sau đó, mọi thành viên sẽ ngồi thưởng trà, ăn bánh Trung thu, ngắm trăng và trò chuyện chia sẻ về cuộc sống của mình nhằm gắn kết tình cảm yêu thương. Tết Trung thu 3 miền mang ba màu sắc khác nhau. Thế nhưng, cùng là người dân tộc Việt Nam, do đó, những nét đẹp cổ truyền cốt lõi nhất của ngày Trung thu vẫn được gìn giữ, phát huy.
Thính giả Sam Bo, ở Campuchia, muốn tìm hiểu làng làm đồ chơi truyền thống tại Việt Nam.
Đồ chơi truyền thống được bày bán tấp nập cả tháng nay chuẩn bị cho Tết Trung thu. Để chuẩn bị đưa ra thị trường các sản phẩm đồ chơi truyền thống, các làng nghề cũng hối hả vào vụ. Nhiều ngày nay, tại làng nghề làm đồ chơi Trung thu Ông Hảo, xã Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên luôn có cường độ làm việc cao để phục vụ cho nhu cầu mua những món đồ chơi ý nghĩa dành cho các bạn nhỏ trong dịp Trung thu như các loại đèn, mặt nạ, chú Tễu. Từng được coi là nơi sản xuất đồ chơi Trung Thu truyền thống của Hà Nội và các tỉnh lân cận nhưng vì nhiều lý do nên hiện nay, rất ít gia đình ở làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) còn giữ nghề làm đồ chơi Trung thu. Hoặc ở thành phố Hồ Chí Minh, các nghệ nhân của xóm lồng đèn Phú Bình, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra thị trường những chiếc lồng đèn phục vụ cho trẻ em. Nếu có dịp tới Việt Nam, các bạn nên dành thời gian tới thăm và tìm hiểu về nghề làm đồ chơi truyền thống ở các địa phương.
Thính giả Philippe Marsan, người Pháp, muốn biết thêm về Vịnh Hạ Long vừa được UNESCO công nhận lại là Di sản thiên nhiên thế giới?
Vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 Kỳ quan Thiên nhiên mới của thế giới và được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào các ngày 17 tháng 12 năm 1994 và ngày 02 tháng 12 năm 2000. Ngày 16/09/2023, (UNESCO) đã thông qua hồ sơ đề cử, công nhận quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Vịnh Hạ Long có diện tích khoảng 1500 km2, bao gồm gần 2 ngàn hòn đảo có tên và chưa có tên, hệ thống hang động phong phú. Trong vịnh có cảnh quan đặc sắc do đảo đá Hạ Long muôn hình vạn trạng với nét hoạ tiết, màu sắc của đảo núi, hòa quyện với trời biển tạo nên một bức tranh thuỷ mặc tráng lệ, nhất là vào lúc bình minh và hoàng hôn. Du khách đến Vịnh Hạ Long còn có thể chiêm ngưỡng những vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt của hệ thống hang động đá vôi kỳ thú chỉ riêng vịnh Hạ Long mới có như: Hang Sửng Sốt, Động Thiên Cung, Hang Trinh Nữ, Hang Đầu Gỗ, Mê Cung. Bên cạnh đó là Đảo Ti Tốp, bãi Ba Trái Đào, Bãi Cháy – bãi tắm ven bờ đẹp nhất của vịnh. Ngoài ra, còn vô số các vũng vịnh nhỏ, bãi cát nhỏ xinh, hoang sơ nằm rải rác trong vịnh chỉ có thể là du thuyền mới tới được, hoặc chèo kayak vào tận nơi khám phá hay đi cao tốc mới tới được điểm xa như Mắt Rồng.
Thính giả Khamsi, ở tỉnh Attapue, Lào, muốn nghe giới thiệu về bí quyết kho cá tại Làng Vũ Đại, Hà Nam.
Cá kho làng Vũ Đại là một món đặc sản nổi tiếng của Hà Nam với hương vị độc đáo không hề giống với bất kì món cá kho nào khác. Món ăn này còn có nhiều tên gọi khác nhau như cá kho làng Đại Hoàng, cá kho Hà Nam, cá kho Nhân Hậu, cá kho Bá Kiến…
Để món ăn đạt được hương vị chuẩn nhất thì bí quyết là kho phải mất ít nhất 16 tiếng. Khi kho cá cũng cần chú ý thêm nước vào để cá không bị cháy và đảm bảo cá được ninh nhừ.
Nước thêm vào phải là nước sôi để cá không tanh. Đặc biệt, cách làm cá kho làng Vũ Đại đúng vị đòi hỏi nhiều bí quyết từ khâu lựa chọn nguyên liệu cho đến tẩm ướp gia vị.
Cá trắm làm sạch, bỏ mang, đầu, ruột, đánh vảy sau đó dùng chanh, muối chà xát cả bên ngoài và bên trong cá nhiều lần để sạch nhớt. Tiếp theo, cắt cá thành những khúc lớn, để ráo nước. Riềng 1 phần rửa sạch, thái lát mỏng, phần còn lại giã nát. Gừng giã nát. Ớt, hành tím băm nhỏ.
Thịt mỡ cắt khúc. Ướp cá với riềng giã nát, 600ml nước mắm, 500ml nước cốt cua đồng, 2 muỗng canh nước hàng, trộn đều và để trong 15 phút cho thấm gia vị. Đậy nắp niêu, bắt lên bếp đun. Bắt đầu đun trên lửa to, đến khi nước sôi thì hạ nhỏ lửa ninh liu riu. Khi thấy nước trong nồi hơi cạn, cho nước cốt chanh, hành tím băm, ớt, thịt mỡ vào và đun tiếp cho đến khi cá chín nhừ.