Trả lời thính giả về Lễ Giỗ Tổ Hùng vương; tục làm bánh chưng, bánh giầy, xuất khẩu cafe

(VOV5) - Bánh chưng, bánh giầy được người Việt ở muôn phương làm nhưng ở Phú Thọ, tục làm bánh chưng, bánh dày trở thành truyền thống văn hóa.

Tuần qua, chương trình nhận được thư của thính giả quan tâm về đời sống xã hội, con người Việt Nam: Ngày giỗ Tổ Hùng Vương, tục làm bánh chưng, bánh giầy, khu du lịch Hòn Đỏ, Ninh Thuận...

Nghe âm thanh tại đây:
 

Chào quý vị, chào các bạn,

Người Việt trên toàn thế giới đang cùng hướng về một sự kiện đặc biệt: Giỗ Tổ Hùng Vương. Rất nhiều hoạt động được tổ chức dịp  này. Đây cũng là quan tâm của thính giả ở nước ngoài và kiều bào:

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - du lịch đất Tổ năm nay diễn ra từ ngày 9 - 18/4 (tức ngày 1 đến 10 tháng 3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử đền Hùng thành phố Việt Trì và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Thọ.

Phần lễ gồm: Lễ Giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 14/4 tức (ngày 6/3 âm lịch); Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong” ngày 18/4 (ngày 10/3 âm lịch); Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thị, thành trong tỉnh từ ngày 9 - 18/4 là (từ 1 - 10/3 âm lịch). Năm nay, các hoạt động phần Hội gắn kết chặt chẽ với du lịch, tạo thành chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa -  Du lịch đất Tổ, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo, tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch, quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên du lịch văn hóa Phú Thọ. Điểm nhấn là chương trình khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm Giáp Thìn 2024 vào ngày 9/4 (ngày 1/3 âm lịch) được tổ chức tại Sân khấu Trung tâm lễ hội, Khu di tích lịch sử đền Hùng. Ngoài ra, nhiều hoạt động khác, như: Trưng bày hiện vật, di sản tư liệu, sách báo, tư liệu ảnh, chương trình âm nhạc, liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn hát Xoan…Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy…

Nhiều thính giả muốn tìm hiểu về tục làm bánh chưng, bánh giầy ở thành phố Việt Trì, huyện Cẩm Khê, Tam Nông, tỉnh Phú Thọ chính thức được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chương trình xin thông tin:

Không gian văn hóa của tục làm bánh chưng, bánh giầy ở Phú Thọ trải dài từ nơi bánh chưng, bánh dày được sinh ra là Dữu Lâu đến Hùng Lô, làng Mộ Chu Hạ (nay thuộc thành phố Việt Trì), làng Trúc Phê (nay thuộc thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông) và các vùng khác. Bánh chưng, bánh giầy được người Việt ở muôn phương làm nhưng ở Phú Thọ, tục làm bánh chưng, bánh dày trở thành truyền thống văn hóa, phong tục tập quán không thể thiếu trong các ngày lễ, Tết, trở thành lễ hội truyền thống, nghi thức riêng biệt mà không nơi nào có được. Từ các cuộc thi trong lễ hội làm lễ vật dâng các vị Vua Hùng, dâng Mẫu, dâng các vị thần…, bánh chưng, bánh giầy được cộng đồng người dân ở Phú Thọ nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung gìn giữ bảo tồn và lan tỏa, phát triển thành nghề truyền thống. Đặc biệt, tại Lễ hội Đền Hùng hằng năm, hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy luôn được tổ chức.

Thính giả Sokmeng, ở Campuchia, muốn nghe giới thiệu về mô hình du lịch kết hợp trải nghiệm làm nông ở làng cổ Đường Lâm, Hà Nội.

Du khách có thể tham quan di sản Làng cổ Đường Lâm kết hợp trải nghiệm nông nghiệp, thưởng thức ẩm thực, vừa khám phá giá trị văn hóa di sản, vừa trải nghiệm nông nghiệp tại Làng cổ. Trải nghiệm nông nghiệp một ngày làm nông dân là một trong các sản phẩm du lịch đang thu hút nhiều khách quốc tế tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ban Quản lý Làng cổ bố trí các nông dân tại làng trình diễn cho khách xem việc cày bừa.

Du khách được tham gia trải nghiệm, vào vai những người nông dân trực tiếp cấy lúa. Để tổ chức cho khách trải nghiệm, Ban Quản lý phối hợp với Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cùng tham gia vào chuỗi. Các nông dân trong làng là người trực tiếp hướng dẫn trên tư liệu sản xuất là ruộng đồng, hoa màu họ đang trồng.

Sau khi thăm di sản Làng cổ buổi sáng, trải nghiệm nông nghiệp buổi chiều, Ban Quản lý hướng dẫn du khách tham gia nấu các món ăn truyền thống và thưởng thức bữa ăn truyền thống của Đường Lâm ở các nhà cổ hoặc không gian văn hóa làng. Buổi tối du khách có thể tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại làng. Sáng hôm sau, du khách được xem người dân nướng thịt quay đòn, đi chợ quê.

Từ tỉnh Mondulkiri, Campuchia, thính giả Kim Seyha muốn tìm hiểu về khu du lịch Hòn Đỏ ở tỉnh Ninh Thuận.

Được thiên nhiên ưu ái ban cho vẻ đẹp cảnh sắc vẹn toàn nên Hòn Đỏ, tỉnh Ninh Thuận đang trở thành một trong những địa điểm thu hút nhiều du khách ghé thăm du lịch thời gian gần đây. Hòn Đỏ là một quần thể san hô hóa thạch thuộc địa phận thôn Mỹ Hiệp nằm ở tỉnh Ninh Thuận cách trung tâm Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 17km.

Tên gọi Hòn Đỏ bắt nguồn từ hiện tượng thiên nhiên của những phiến đá trên đảo, khi có ánh mặt trời chiếu vào sẽ ánh lên sắc đỏ tuyệt đẹp. Ngoài ra, Hòn Đỏ còn được biết đến với cái tên “Nàng tiên cá ngủ say”, vì nơi đây hội tụ những vẻ đẹp vừa kiêu sa, dịu dàng từ rong biển, mây nước, biển trời, cát trắng, nắng gió dịu dàng, thanh mát. Tùy theo thời gian rảnh rỗi và mục đích của chuyến đi mà bạn có thể lựa chọn thời điểm thích hợp. Nếu đến Hòn Đảo chỉ trong 1 ngày, bạn nên đi vào sáng sớm để có thể ngắm nhìn được khung cảnh bình minh và hoàng hôn đẹp nhất tại Ninh Thuận. Còn nếu bạn có nhiều thời gian hơn, bạn có thể đi vào buổi chiều để tận hưởng tiết trời mát mẻ trên cung đường tuyệt đẹp.  Tuy nhiên, vì là vùng biển đảo nên hãy xem trước dự báo thời tiết để không phải đi vào những ngày mưa bão nhé.

Thính giả người Lào, Pan, muốn tìm hiểu về tình hình xuất khẩu café của Việt Nam trong năm 2024.

Dự báo năm 2024, xuất khẩu cà phê có thể đạt đến 5 tỉ USD nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó có sự bứt phá về giá. Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết: Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 579 ngàn tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,93 tỷ USD. Mặc dù lượng chỉ tăng 4,9% nhưng giá trị tăng mạnh 57,3% so với cùng kỳ nhờ giá xuất khẩu tăng cao. Hiện, mỗi tấn cà phê xuất khẩu có giá trên dưới 4.000 USD và giá cà phê nội địa là trên dưới 102.000 đồng/kg, khoảng 4 USD. Cùng với nhu cầu thế giới tăng cao, một số sản phẩm cà phê nhân được sử dụng rang xay làm hòa tan trong nước, nên nhu cầu nội địa cũng tăng. Việt Nam hiện là nước sản xuất và cung cấp cà phê Robusta đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng chiến lược xuất khẩu để tận dụng tối đa những lợi thế hiện có.

 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác