(VOV5) - Mỗi một vùng đất đều ẩn chứa trong mình một món đặc sản mà không nơi nào có được. Về Thái Bình, du khách sẽ được thưởng thức món đặc sản nối tiếng nhất của miền quê này với tên gọi Bánh cáy. Ngọt lành, mang vị thơm đượm của gạo nếp cái hoa vàng, lại quyện mùi ngậy của mỡ, vị cay của gừng … bánh cáy Thái Bình là một món ăn mang nét độc đáo của miền quê lúa.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Làng Nguyễn hay còn gọi là làng Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, là ngôi làng nổi tiếng về rối nước và nghề làm bánh cáy. Theo truyền thuyết dân gian ở đây, xưa kia bánh cáy là loại bánh được ăn vào dip Tết, do Bà Nguyễn Thị Tần con gái đời thứ 6 tộc họ Nguyễn Công, làng Nguyên Xá làm ra. Bà Nguyễn Thị Tần sinh năm 1724. Năm 1739 bà được vào triều được phong làm quan. Bà đã tạo ra một loại bánh mới có tên là bánh ngũ vị dâng lên vua. Nhà Vua ăn khen ngon liền hỏi tên mới biết là bánh ngũ vị nhưng khi nhìn những màu sắc đẹp mắt của bánh thấy giống trứng của con cáy nên đặt tên là Bánh Cáy. Từ đó, vào dịp tết dân làng Nguyễn lại được dâng Bánh Cáy lên tiến Vua và nghề làm bánh cáy được lưu truyền, phát triển ở àng Nguyễn cho đến ngày nay.
|
Theo anh Nguyễn Văn Mạnh, người làm bánh cáy ở làng Nguyễn, để làm ra bánh cáy, có nhiều công đoạn, nhưng quan trọng nhất là chuẩn bị nguyên liệu. Những nông sản truyền thống như gạo nếp cái hoa vàng, quả gấc, quả dành dành, lạc, vừng, gừng, mứt bí, mỡ lợn, đường mía, tất cả những nguyên liệu này được hòa quyện với nhau, rồi thái thành sợi gọi là “con cáy”. Anh Mạnh cho hay làm muốn bánh cáy ngon thì “con cáy” được cho vào túi bóng buộc kín, để chừng 6 tháng mới đem ra chế biến đến công đoạn cuối cùng để ra chiếc bánh cáy. “Con cáy” để lâu khi đem vào chảo mỡ rán mới có độ nở và xốp nhẹ. Anh Mạnh cho hay: Muốn có sản phẩm ngon đòi hỏi nguyên liệu ngon như gạo nếp chọn gạo nếp ngon. Rang gạo nếp nở ra. Khâu kỹ thuật nấu và pha chế rất quan trọng. Nấu già lửa quá thì bánh rắn, nấu non lửa quá thì bánh ẩm, nát. Vì vậy đòi hỏi người nấu khi đun sôi đường phải đúng kỹ thuật để khi trộn con cáy, nguyên liệu chính của bánh vào thì bánh cáy mới ngon.
|
Những nguyên liệu sau khi chế biến, sẽ cho vào khuôn để nén và cắt thành từng miếng bánh cáy thơm, ngậy. Những kỹ thuật này nhìn đơn giản những không phải ai cũng làm được. Bởi, bánh cáy là món ăn truyền thống của làng Nguyên Xá, không dễ được truyền ra ngoài: Gia đình tôi làm bánh cáy lâu đời rồi. Đến đời tôi là được 50 năm rồi. Bánh cáy quê tôi truyền thống ra đời cũng đã 300 năm. Hiện nay, bánh cáy đang trên đà phát triển, chủ yếu phục vụ khách du lịch. Ngày xưa các cụ chỉ làm bánh để làm quà trong ngày lễ, Tết, còn bây giờ thì khách mua quanh năm.
|
Ở làng Nguyên Xá hiện có hàng trăm hộ sản xuất bánh cáy, mỗi một hộ gia đình mang một phong cách và đặc trưng riêng, dù đều cùng học theo một tổ nghề. Ngày nay xã hội phát triển, thị trường có rất nhiều loại bánh ngon phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng khiến nghề làm bánh cáy gặp nhiều khó khăn nhưng gia đình anh Chính vẫn thủy chung với nghề. Anh cho biết:Trong sản xuất nhiều lúc gặp nhiều khó khăn. Nhiều lúc cũng chán vì bánh cáy không phải mình nhà mình sản xuất, mỗi hộ có cách làm khác nhau. Sau đó nghĩ, nghề cổ truyền của các cụ để lại thì làm sao phát huy và duy trì cho thật tốt và tính cách thay đổi. Nhiều người có cùng tâm huyết đã đầu tư, quảng cáo loại bánh truyền thống này. Bánh cáy hiện nay đã lấy được uy tín trên thị trường. Còn tôi thì cũng không bỏ nghề vì nhờ nghề mà chúng tôi mới được như bây giờ.
Cùng với bánh đậu xanh của tỉnh Hải Dương, bánh nhãn của tỉnh Hưng Yên, bánh cáy, là một đặc sản của miền quê lúa Thái Bình, mang dấu ấn bản sắc văn hóa rõ rệt nhất của đất và người nơi đây.