(VOV5) - Nằm giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn , tỉnh Yên Bái, từ lâu đã nổi tiếng với một loại nếp có hạt gạo to tròn, trắng trong, khi đồ lên có vị dẻo thơm đặc biệt mà không nơi nào có được. Đó là giống nếp Tú Lệ (còn gọi là nếp Tan Lả - theo tiếng của người Thái) - loại gạo nếp đặc sản chỉ có ở thung lũng lòng chảo Mường Lò này.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đến Tú Lệ vào ngày mùa, từ rất xa, đã cảm nhận được hương thơm man mác, quyến rũ của lúa nếp. Thung lũng bao phủ bởi sắc vàng của lúa chín… đây đó thấp thoáng bóng các thiếu nữ Thái đang gặt lúa trên cánh đồng vàng rực. Dừng chân bên một quán nhỏ ven đường, đoàn chúng tôi vừa thưởng thức món xôi nếp Tú Lệ với thịt lợn nướng, vừa nghe chủ quán giới thiệu về đặc sản mà trời đất đã ban tặng cho vùng đất này.
Đĩa xôi nếp Tú Lệ trắng trong, mềm dẻo, khi nhai trong miệng vừa có hương thơm, vị béo ngậy và ngọt đậm... ngay cả những thực khách khó tính nhất cũng phải tấm tắc khen ngon. Theo cách giải thích của các nhà khoa học, giống nếp Tú Lệ có vị thơm, ngon như vậy là do điều kiện địa lý khá đặc biệt của vùng đất này. Thung lũng Tú Lệ nằm gọn giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song, nên biên độ dao động của nhiệt độ trong ngày lớn, thời gian đêm dài hơn ngày.
Đây là những yếu tố khiến mạch tinh bột amino-pectin (thành phần chính quyết định sự dẻo thơm của hạt gạo) rất lớn. Thêm một yếu tố nữa là do đất Tú Lệ tơi xốp, màu mỡ, dễ ngấm nước, khí hậu ở Tú Lệ trong lành thuận lợi cho cây lúa phát triển tự nhiên nên nếp Tú Lệ vừa sạch, vừa có mùi thơm rất lạ. Và kì lạ hơn nữa là không nơi nào trồng được loại lúa này mà cho thứ gạo thơm, dẻo như vùng thung lũng Tú Lệ.
Không ít người thấy giống nếp quý, đã mang đi nơi khác trồng, hạt gạo dù vẫn dẻo nhưng không còn giữ được hương thơm đặc trưng của nó. Nhiều người còn quả quyết, nếp Tú Lệ phải được nấu với nước suối Mường Lùng mới thấy hết hương vị thơm ngon của nó. Chẳng thế mà mỗi khi Tết đến, những người sành ăn Yên Bái, dù ở cách xa đến vài chục cây số cũng vượt đường núi xa xôi lên tận Tú Lệ lấy cho được một can nước ở suối Mường Lùng mang về đồ xôi. Ngoài thổi xôi, gạo nếp Tú Lệ dùng để làm bánh chưng, bánh dày hay chế biến các món bánh khác cũng vô cùng thơm ngon. Nếp thơm Tú Lệ là đặc sản trời cho mà không ở vùng cao nào có được, nó đã trở thành niềm tự hào của những người dân Tú Lệ nói riêng, Yên Bái nói chung.