(VOV5) - Quán ốc “Bà Câm” là một trong những quán ốc không những nổi tiếng bởi hương vị đặc trưng lôi quấn của món ốc luộc và nước chấm, mà đặc biệt hơn thực khách khi đến đây còn cảm nhận được tính nhân văn của quán ốc này.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Quán ốc cô Khánh (chủ quán ốc “Bà Câm”) nằm nép mình trong con phố ẩm thực Tống Duy Tân, Hà Nội đã hơn 20 năm qua và vẫn luôn là điểm đến ưa thích của nhiều người đam mê ẩm thực đặc biệt là các bạn trẻ. Những ai đến đây đều biết một điều rằng từ chủ quán tới nhân viên đều là người khiếm thính, khiếm thanh, suốt từng ấy năm không cất tiếng với khách nửa lời. Hễ thực khách nào ghé quán, muốn ăn hay gọi món gì đều có thể giao tiếp với chủ quán bằng các cử chỉ tay chân, hoặc chỉ vào những tấm bảng in sẵn món ăn được dựng lên trước đó. Ấy vậy mà, mọi việc vẫn diễn ra nhịp nhàng, khách ra vào tấp nập, thậm chí, những lúc đông, muốn có chỗ ngồi khách còn phải đứng chờ trong vài phút đồng hồ. Đến với quán ăn đặc biệt này, bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức 2 loại ốc gồm ốc mít và ốc vặn. Một suất ăn khi được phục vụ sẽ bao gồm: 1 bát ốc, 1 bát nước chấm, 1 bát sung ăn kèm và 1 bát nước ốc nóng hổi.
Chị Trang, một người Hà Nội, tâm sự dù gần nhà cũng có quán ốc nhưng chị lại thường đánh xe qua Tống Duy Tân để ngồi "nhâm nhi" bát ốc luộc nóng hổi nhà cô Khánh. "Mình đã trung thành với quán ốc này gần 10 năm này rồi. Thường thì buổi chiều lúc nào rảnh mình lại tới đây ăn ốc cùng bạn bè. Không những được thưởng thức món ốc với nước chấm có vị cay ngọt hài hòa, mang đậm chất ẩm thực Hà Nội xưa mà ở đây nhân viên còn phục vụ rất nhiệt tình và chu đáo nữa. Dù các bạn không nói được, nghe được nhưng đều rất tinh ý khi biết khách hàng muốn gọi món gì".
Thông thường một ngày của cô Khánh bắt đầu bằng việc ra chợ Thanh Hà, quận Hoàn Kiếm từ 6 giờ sáng để chọn mua ốc và các nguyên vật liệu cần thiết. Từng con ốc được cô Khánh chọn rất kỹ để đảm bảo ốc ngon và béo. Món ăn thoáng nhìn thì chẳng thấy sự công phu nhưng để có được món ốc ngon lành lại rất cần sự tỉ mỉ của người làm. Ốc cần được làm vệ sinh, cọ rửa đến khi sạch bóng rồi mới cho vào nồi nước. Muốn có một bát ốc thơm nồng cô Khánh phải bỏ thêm vài lá chanh hay lá bưởi, lót bên dưới và bên trên miệng nồi chút lá và thân cây xả khi luộc ốc. Trước khi đem luộc, cô Khánh luôn trộn ốc với một ít mẻ và luộc ốc luộc với một ít nước xâm xấp mặt. Cách làm này giúp tạo nên mùi dễ chịu của mẻ ốc khiến cho thực khách không còn khó chịu với mùi tanh của ốc nữa. Nguyên liệu và cách làm đều không cầu kì nhưng bát nước chấm ngon với vị tỏi, chanh, xả, gừng đúng điệu sẽ quyết định sự thành bại của món ốc. Đây cũng chính là một trong những bí quyết để cô Khánh giữ chân khách trong suốt thời gian qua. Sự kết hợp tinh tế và khéo léo của gánh ốc “Bà Câm” đã khiến không chỉ những thực khách trong nước mà cả thực khách nước ngoài mê mẩn với món ăn dân dã này.
Vốn đam mê du lịch và ẩm thực Việt Nam, bạn Run Heranh - sinh viên Campuchia đang theo học năm thứ 4 tại Trường Kinh tế Quốc Dân Hà Nội cho biết: “Quán ốc này rất đặc biệt đối với tôi, bởi chủ quan và nhân viên ở đây đều là người khuyết tật. Đến đây, tôi thật sự cảm nhận được vị ngon hòa quện giữa món ốc luộc và nước chấm có vị chua chua, cay cay, ngọt ngọt đặc biệt này. Thông qua một người bạn Việt Nam giới thiệu mà tôi biết đến gánh ốc này, từ đó đến nay tôi cùng với các bạn Campuchia khác thường xuyên đến đây để thưởng thức món ăn tuyệt hảo này. Quán rất đông khách và thật sự phải tới đây trực tiếp thưởng thức thì mới biết hương vị ngon như thế nào.”
Để tạo được cái “hồn” cho món ăn dân quê này, không ít người biết rằng cô Khánh đã phải trải qua bao khó khăn, áp lực trong cuộc sống. Trước đây, khi còn chưa mở quán ốc, thời còn con gái cô Khánh gồng gánh mưu sinh bằng nghề bán miến cua dạo trên khắp mọi nẻo đường ở phố cổ. Sau một lần bạo bệnh, do phải uống thuốc và điều trị kháng sinh quá liều nên cô Khánh hoàn toàn mất đi khả năng nghe. Vượt lên số phận, suốt bao năm qua cô Khánh vẫn luôn tần tảo, chịu khó gánh vác mọi công việc để có thu nhập nuôi sống cả gia đình. Nhờ tiếng lành đồn xa, đã qua hơn 20 năm, quán ốc nhỏ ngày nào đã được nhiều người biết tới và cuộc sống gia đình cô cũng dần ổn định hơn.
Gánh ốc “không lời” sẽ không chỉ điểm đến thú vị của bất kỳ ai đam mê ẩm thực đường phố Hà Nội mà hơn nữa đây còn là một mái ấm đầy tình yêu thương để truyền nghị lực cho những người khuyết tật có thêm tự tin vào bản thân vươn lên cuộc sống.